+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia khuyên người thu nhập thấp nên thuê nhà dài hạn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thị trường và chính sách bất động sản của ta như hiện nay, mua nhà và sở hữu nhà cũng là một điều bấp bênh. Người có thu nhập thấp nên thuê nhà dài hạn...

    (ĐSPL) - Tiền chênh xuất hiện trở lại trong bất động sản báo hiệu điều gì? Thị trường bất động sản đang sôi động trở lại? dấu hiệu của thị trường bất động sản không minh bạch? Và liệu quy định không bắt buộc việc mua bán bất động sản phải thông qua sàn giao dịch (Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản - sửa đổi) có làm cho thị trường thêm phần không minh bạch?...
    Theo phản ánh của  Báo Đời sống & Pháp luật trước đó, lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, giới đầu cơ đã “hốt bạc” bằng việc tạo ra những căn nhà giá rẻ cho người dân tham gia mua, nhưng thực tế, người dân phải trả khoản tiền chênh “khủng” để được sở hữu căn nhà đó,
    Tuy nhiên, không chỉ ở phân khúc nhà thu nhập thấp, đối với phân khúc chung cư cao cấp đã hoàn thiện, vị trí đẹp, nằm trong khu vực nội đô cũng có giá chênh "khủng". Như dự án Mandarin Garden tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá căn hộ diện tích dưới 100m2, hướng đẹp, chênh 200 triệu đồng/m2, dự án chung cư UDIC (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) mức giá chênh lệch vào khoảng 80-200 triệu đồng/căn tùy căn, tùy hướng....
    Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, Báo Đời sống & Pháp luật đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế:
    TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: Tiền chênh – chiêu trò của người bán hàng?
    Tôi không nghĩ là thị trường bất động sản đang sôi động trở lại. Sự sôi động của thị trường dựa vào số thương vụ mua bán thành công, số căn hộ bán ra...Thực tế, phân khúc nhà giá thu nhập thấp đang nóng lên, nhưng cuộc họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa qua cũng chỉ ra rằng, còn “tồn kho” quá nhiều nhà cao cấp, bình dân trên thị trường. Như vậy, có thể nói rằng, thị trường bất động sản chỉ đang nóng lên ở một phân khúc nhỏ, chứ không phải toàn bộ thị trường.
    Việc xuất hiện tiền chênh trong giao dịch bất động sản, theo tôi, đó có thể là chiêu trò của chủ đầu tư, của người môi giới…, muốn đánh vào tâm lí của những người đang tìm kiếm mua nhà.
    Khoản tiền chênh là khoản hoa hồng, được thỏa thuận và chấp thuận giữa người mua và người bán. Một khi đã có sự “thuận mua vừa bán” như vậy thì sự việc này không phải là “không minh bạch”. Chỉ có điều, tiền chênh này không được ghi trong hợp đồng, tức là Nhà nước không quản lí được, tức là sự quản lí của cơ quan Nhà nước yếu kém, khiến người dân “thấp cổ bé họng” luôn phải chịu thiệt mà không có cách nào “kêu oan”.
    Mua và sở hữu nhà ở Việt Nam quá bấp bênh.
    TS. Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: Mua và sở hữu nhà ở Việt Nam quá bấp bênh!
    Tôi luôn thấy sự bất cập của gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng này. Ngay từ đầu tôi đã không tán thành việc dùng ngân sách nhà nước chi cho việc cứu thị trường bất động sản.
    Ngân sách nhà nước của ta không mấy dồi dào, trong khi một số đông dân đáng được hỗ trợ hơn: Đó là nông dân, là ngành nông nghiệp; là ngành dệt may.
    Nếu nói gói 30.000 tỉ đồng sẽ hỗ trợ được những người thu nhập thấp mua được nhà, thì phải thấy rằng số người thu nhập thấp chỉ vào khoảng vài nghìn người trong khi số người nông dân cần hỗ trợ còn lớn hơn rất nhiều.
    Theo tôi, những người thu nhập thấp tại các thành phố lớn không nhất thiết phải tìm cách mua nhà. Ở Việt Nam, tư duy sở hữu nhà vẫn còn quá nặng nề! Trong khi ở các nước tiên tiến như Mỹ, việc thuê nhà vẫn diễn ra một cách bình thường.
    Hơn nữa, với thị trường và chính sách bất động sản của ta như hiện nay, mua nhà và sở hữu nhà cũng là một điều bấp bênh. Tại sao người dân không đi thuê dài hạn, 5 năm hoặc 10 năm mà phải cố gắng vay tiền mua nhà?
    GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường: Tôi vẫn ủng hộ bỏ sàn giao dịch bất động sản!
    Tôi ủng hộ việc bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch qua sàn bất động sản. Và tôi không nghĩ rằng, việc này sẽ làm cho thị trường kém minh bạch.
    Sàn là nơi cung cấp, bảo đảm quyền lợi cho người mua, người bán. Thế nhưng không phải sàn giao dịch nào cũng có khả năng bán hàng tốt. Hoàn toàn không phải hàng nào đưa ra sàn cũng được bán lại ngay. Có lúc hàng còn được giữ lại để nâng giá phục vụ riêng cho nhà đầu tư. Nếu có sàn mà quản lí không tốt thì tình trạng loạn giá, cò mồi ngay tại sàn sẽ vẫn phổ biến như thời gian qua.
     Có sàn giao dịch nhưng tình trạng loạn giá, cò mồi vẫn diễn ra.
    Tại thời điểm này, việc bỏ sàn giao dịch sẽ giúp người mua có thể tiếp cận trực tiếp với người bán gốc, bớt tiền trung gian, bớt gánh nặng cho dân trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.
    Nhiều người lo ngại khi bỏ quy định giao dịch qua sàn, nếu thị trường “nóng” sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng làm giá, đầu cơ. Nhưng tôi cho rằng, việc làm giá và đầu cơ là thuộc về vấn đề quản lí, chứ không phụ thuộc vào giao dịch. Nên cần quản lí chặt chẽ bằng pháp luật sẽ hạn chế được đầu cơ.
    Long Vũ
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-khuyen-nguoi-thu-nhap-thap-nen-thue-nha-dai-han-a25895.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan