Hàng loạt cây xanh trăm tuổi ngã gục
Sáng 8/9, khắp TP.Hà Nội, hầu như không có đường phố nào không có cây xanh đổ, gãy. Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội có hơn 14.000 cây gãy đổ, giao thông hiện đang vướng mắc nhiều tuyến phố.
Trong số cây xanh đổ, gẫy nằm la liệt, chắn ngang nhiều đường phố có rất nhiều cây cổ thụ, đại thụ trên dưới trăm năm tuổi gắn liền với hình ảnh của Thủ đô đổ gục làm cho người dân hàng phố tiếc nuối như cây đại thụ ở ngã tư Trần Cung – Hoàng Quốc Việt, cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm), nhóm cây "5 trong 1" gồm si, đa, sanh, nhội, bồ đề mọc, trồng quấn lấy nhau thành một trước số nhà 48 Hàng Cót, các cây cổ thụ gần Nhà thờ Lớn quanh hồ Hoàn Kiếm…
Hướng mắt về cây đa bên đền Bà Kiệu, bà Nguyễn Thị Vương (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối: “Trải qua trăm năm, cây đa này vẫn vững chãi bên đền Bà Kiệu, là nơi che bóng mát cho người dân, du khách đến vãn cảnh ở hồ Gươm. Hình ảnh của ngôi đền và hình bóng cây đa đã gắn bó trong tâm trí tôi từ khi còn nhỏ. Sáng nay nhìn cây gục ngã, lòng tôi buồn và tiếc nuối vô cùng. Mong sao vẫn cứu được “cụ cây” này”.
Cùng tâm trạng với bà Vương, ông Trần Lăng (trú tại phố Hàng Cót, Hoàn Kiếm) cũng ngẩn ngơ khi chứng kiến nhóm cây đại thụ trên 100 năm tuổi bị đổ gục. “Mưa bom bão đạn “cụ” vẫn sừng sững tại Hàng Cót, trải qua bao mưa gió hàng thế kỉ “cụ” vẫn tồn tại thế nhưng trước cơn càn quét của cơn bão số 3 “cụ” đã ngã gục thật rồi. Xót xa vô cùng”, ông Lăng chia sẻ trong tiếc nuối.
Theo ghi nhận của PV, khu vực trung tâm Hà Nội quanh hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ Lớn nhiều cây xanh bị đổ, trong đó hai cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn vốn là điểm chụp ảnh nổi tiếng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Mai Trang chia sẻ: "Mỗi khi đến Nhà thờ Lớn, chúng tôi đều chọn góc chụp dưới tán cây đại thụ. Việc các cây đại thụ bị đổ gãy trước cơn bão số 3, thật sự tiếc nuối”.
Chủ tịch TP.Hà Nội nói gì về việc cây đổ hàng loạt?
Sáng 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn đoàn thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão Yagi. Với những cây xanh gãy đổ bão, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ và trồng lại.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Trong đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu khẩn trương khôi phục mạng lưới điện trung thế để phục vụ bơm tiêu, thoát nước.
Sáng cùng ngày, Bí thư thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn công tác xuống địa bàn quận Bắc Từ Liêm trực tiếp đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, quân đội cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3. Bí thư Hà Nội cũng đánh giá cao sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân.
“Cơn bão số 3 vừa đi qua Hà Nội để lại hậu quả nặng nề, nên nhiệm vụ trong những ngày tới, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận Bắc Từ Liêm tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
Bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn đáng lo ngại, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư thành ủy, các lực lượng chức năng trên địa bàn quận chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp, nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.