Thông tin về việc cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc đã dẫn tới hệ luỵ tiêu cực cho giá cổ phiếu thời điểm hiện tại và quyền lợi của cổ đông.
Mở phiên giao dịch sáng 14/2, giá cổ phiếu HAG đã nằm sàn (giảm 6,85%), xuống mức 11.500 đồng/cp, trắng bên mua, dư bán hơn 11 triệu đơn vị ngay đầu giờ sáng. Đây có lẽ là thời điểm khó khăn hơn cả với HAGL và có thể sẽ xoá đi tất cả những thành quả mà bầu Đức và cổ đông đã nỗ lực hết mình trong những năm trở lại đây để vực dậy Tập đoàn.
Nên biết, giá cổ phiếu HAG đã tăng mạnh kể từ tháng 11 năm 2020 từ vùng giá 6.000 đồng/cp lên mức cao nhất là 16.000 đồng/cp trước khi điều chỉnh xuống 11.550 đồng/cp như hiện nay do kỳ vọng lớn từ cổ đông vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 và 2022 khi nhìn vào những nước đi bài bản của HAGL, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, sự tăng trưởng nhanh trở lại của nền kinh tế.
Thông tin về việc huỷ niêm yết HAG chính thức được đưa ra thị trường ngày 27/1/2022, khi ông Võ Trường Sơn, tổng giám đốc HAGL cho biết, đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.
Căn cứ vào nghị định 155/2020 do Chính phủ ban hành, HAGL rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục.
Ngay lập tức, doanh nghiệp đã có văn bản xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE với lý do, hầu hết các cổ đông nắm giữ cổ phiếu HAG đều mua dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai, chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách 3 - 5 năm.
Tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của HAGL đã cơ bản thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản... Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn). Từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh; năm 2021 đã có lãi trở lại.
Dự trên lợi nhuận năm 2021 là 184 tỷ đồng, năm 2022, HAGL đặt kế hoạch doanh thu tăng mạnh lên 4.820 tỷ đồng, tương ứng thu về mức lãi ròng cao gấp gần 10 lần lên 1.120 tỷ đồng. HAGL đặt mục tiêu năm 2023 sẽ xoá lỗ luỹ kế.
HAGL cũng kiến nghị UBCKNN, HoSE cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét huỷ niêm yết. Như vậy theo HAGL sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được xáo trộn lớn trên thị trường. Nếu HAG bị hủy niêm yết trên HOSE, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu sẽ phải đối mặt với tình trạng mất thanh khoản khi giao dịch.
Huỷ niêm yết HAG đã không còn cần thiết!
Những lo ngại trên của HAGL và cổ đông là chính đáng và đang xảy ra với cổ phiếu ngày trên thị trường dù chưa có những quyết định chính thức từ phía cơ quan quản lý.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhận định, thông tin trên dẫn đến đến tình trạng sẽ có rất nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu HAG trước khi mã này chính thức bị hủy niêm yết. Điều này sẽ tạo ra một đợt giảm giá rất mạnh của cổ phiếu HAG trên thị trường chứng khoán. Việc giảm giá này dẫn đến việc thua lỗ của nhà đầu tư đang nắm giữ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông.
Người mất nhiều nhất trong giai đoạn này chính là các cổ đông mua cổ phiếu HAG trong vòng 1 năm trở lại đây với kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng tốt trong năm 2021 và 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại, dịch bệnh đã không còn là nỗi lo ngại quá lớn tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu; nông nghiệp lại là ngành được ưu tiên trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhận định về trường hợp của HAGL, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề ở 2 khía cạnh là lý và tình.
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, HAGL sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc cho kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là năm 2022, nếu quy định không nêu rõ về trường hợp hồi tố huỷ niêm yết kết quả kinh doanh thì không nên huỷ niêm yết cổ phiếu của HAGL ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, doanh nghiệp đang phát triển tốt lên, kinh doanh có lãi, một vài tháng tới hay năm tới doanh nghiệp lại đủ điều kiện niêm yết, buộc phải niêm yết lại sẽ dẫn tới sự rắc rối không cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư.
Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận rằng, quy định huỷ niêm yết có mục tiêu là không để "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng xấu tới thị trường; huỷ để các mã cổ phiếu xấu, không đủ điều kiện vẫn huy động được vốn, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. "Nhưng trong trường hợp này, đã qua giai đoạn đó, thì huỷ lại thành ngược đời và việc huỷ không còn cần thiết nữa", ông Đức nói.
Cuối cùng, ông Đức cho rằng, sau cái lý là cái tình, cần cân nhắc tới yếu tố cổ đông. Huỷ niêm yết được nhiên cổ đông chịu thiệt trước tiên, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ - đối tượng yếu thế, ít thông tin cần được nhà nước đứng ra bảo vệ. Vì thế, trong trường hợp này đứng trên yếu tố 'lợi ích' thì huỷ niêm yết thời điểm hiện tại là không còn cần thiết, ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường.
Theo như quy định tại khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buộc. Một trong những yếu tố dẫn đến việc doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc là "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét". Tính đến cuối năm 2021, nỗ lực có lãi trở lại trong năm 2021 giúp vốn chủ HAGL vẫn cao hơn số lỗ luỹ kế với 4.667 tỷ đồng. |
Hiếu Nguyễn