Vừa qua, dư luận chưa hết bàng hoàng, thương xót trước việc cậu bé 14 tuổi bị chủ quán ăn đánh đập dã man, để lại nhiều thương tích. Trước sự việc trên, chuyên gia tâm lý lên tiếng cho rằng chủ quán đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động trẻ em.
Trẻ cần trang bị kỹ năng thoát hiểm, tố giác
Vì gia đình quá nghèo, mẹ mất sớm, bố bị bệnh nặng nên em Trương Quang D. (SN 2006, quê ở Quảng Ngãi) học xong lớp 8 phải nghỉ học, đi làm thuê phụ giúp gia đình. Được người quen giới thiệu, D. làm thuê tại quán bánh xèo Miền Trung (thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Chủ quán là chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986) cùng chồng là Nguyễn Thanh V.
Hằng ngày, em làm việc từ 7h sáng đến tận 4h sáng hôm sau, liên tục gần 20 tiếng. Em chỉ được ngủ khoảng 3 tiếng. Theo D. kể rằng dù bản thân không phạm lỗi nhưng vẫn bị bà chủ đánh đập. Sau những trận đòn oan nghiệt, bà chủ không hề băng bó vết thương hay đưa đi viện chữa trị. Cậu bé D. cũng cam chịu, không dám kể với ai. Mặc dù làm việc quần quật, nhưng hiện tại, em vẫn chưa nhận được tiền lương.
Cậu bé D. bị đánh đập dã man từ chủ quán. (Ảnh: Người đưa tin) |
Sau nhiều lần bị đánh, quá hoảng sợ, D. bỏ trốn khỏi quán ăn. Người dân phát hiện ra em trong tình trạng: Tâm lý hoảng hốt, ngồi co ro một góc, trên người nhiều vết bầm tím, bỏng nóng. Người dân và cơ quan chức năng đã đưa D. tới Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cấp cứu.
Trước sự việc trên, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Lê Thị Túy, Chuyên gia tâm lý, Trung tâm Tư vấn Hôn nhân & Gia đình.
Bà Lê Thị Túy cho biết: “Cậu bé D. 14 tuổi thật đáng thương khi gặp phải chủ quán tàn bạo, vô nhân tính. Sự việc là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ cần quan tâm sát sao tới con cái. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy dạy con cách phòng tránh trước nguy cơ bị bạo hành. Trong trường hợp của D., em chịu nhiều thiệt thòi bởi gia đình nghèo khó, mẹ mất sớm, bố bị bệnh. Tuy vậy, trải đời sớm, D. cũng cần trang bị cho bản thân những kỹ năng sống bổ ích từ việc học tập qua trường lớp, thầy cô, người thân, sách vở, mạng Internet. Tránh để bản thân trở thành đối tượng bị lạm dụng, bạo hành”.
“Khi chẳng may bị đẩy vào tình trạng trên, cần nhanh chóng báo cho người thân biết. Bên cạnh đó, ra tín hiệu cho những người xung quanh biết sự việc diễn ra. Chưa kể, trẻ cần dũng cảm trốn thoát ra ngoài, tố giác kẻ bạo hành. Nếu không biết tự bảo vệ bản thân sẽ khiến tình trạng thêm tồi tệ. Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách sau này”, bà Túy chia sẻ thêm.
Hồi chuông cảnh báo trẻ bị bạo hành
Thực trạng nước ta đang sử dụng lao động dưới 15 tuổi ngày càng phổ biến. Mọi chuyện tưởng chừng như rất bình thường khi bên sử dụng lao động đồng ý tuyển dụng, bên lao động dưới 15 tuổi tình nguyện vào làm.
Tuy nhiên, bên sử dụng lao động thường không thực hiện đúng quy định pháp luật dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em bị buộc làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, làm thêm giờ với mức lương thấp.
Chuyên gia Lê Thị Túy đưa ra lời khuyên cần giáo dục sớm cho trẻ kỹ năng tố giác khi bị bạo hành. |
Bà Lê Thị Túy cho biết: “Pháp luật cũng quy định những chế tài đối với hành vi vi phạm về việc sử dụng người lao động dưới 15 tuổi rõ ràng. Người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật sẽ bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Hơn thế, đối với hành vi gây thương tích cho cho nhân viên, chủ quán bánh xèo Miền Trung có khả năng chịu án hình sự trước pháp luật Nhà nước”.
Sự việc chủ quán ăn đánh đập cậu bé 14 tuổi trong thời gian dài là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội trước nạn bạo hành trẻ em. Các cơ quan chức năng cần tích cực kiểm tra, nắm bắt tình hình địa phương mình quản lý để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lao động cho người dân, nhất là người dân ở nông thôn.
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: "Hành vi của nghi phạm đã trực tiếp xâm hại đến quyền được bảo hộ về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị lệ thuộc đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ người khác. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134 và điểm a, Khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Trường hợp tỷ lệ thương tích của cháu bé dưới 11% thì nghi phạm phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật". |