Chất lượng tinh dịch của nam giới được xác định bởi các yếu tố như mật độ, tổng số, khả năng di chuyển của tinh trùng cũng như kích thước và hình dạng của tinh trùng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng tinh dịch có xu hướng giảm trong 50 năm qua, khi số lượng tinh trùng giảm từ mức trung bình 99 triệu tinh trùng/ml xuống còn 47 triệu.
Giới khoa học cho rằng sự sụt giảm này là do kết hợp từ các yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu và phóng xạ cũng như thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống, hút thuốc, uống rượu và căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu cũng đang điều tra xem liệu bức xạ điện từ phát ra từ điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch hay không.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Geneva đã thu thập dữ liệu về 2.886 nam giới từ 18 đến 22 tuổi, những người đã tham gia cung cấp mẫu tinh dịch.
Những nam giới này cũng trả lời các câu hỏi về việc sử dụng điện thoại di động và nơi họ đặt nó khi không sử dụng.
Phân tích cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động thường xuyên và mật độ tinh trùng thấp hơn.
Những người đàn ông sử dụng điện thoại hơn 20 lần một ngày có mật độ tinh trùng giảm 21% so với những người không sử dụng điện thoại quá một lần một tuần.
Điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng phát ra trường điện từ tần số vô tuyến mức độ thấp hoặc RF-EMF. Tiến sĩ Alexander Pastuszak, trợ lí giáo sư phẫu thuật và tiết niệu tại Trường Y thuộc Đại học Utah, cho biết: "Điện thoại di động liên tục gửi và nhận tín hiệu, tín hiệu này trở nên mạnh hơn khi sử dụng, và sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc bạn đang nói chuyện hay đang gửi dữ liệu".
Tuy nhiên, những tín hiệu này có thực sự tổn hại đến khả năng sinh sản của nam giới hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy trường RF-EMF ở mức tương tự như smartphone làm giảm khả năng sinh sản của nam giới, góp phần làm chết tinh trùng cũng như thay đổi mô tinh hoàn. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa người và chuột trong cách tạo ra tinh trùng.
Theo nghiên cứu, những người đàn ông sử dụng điện thoại từ 1 đến 5 lần một ngày hoặc ít hơn một lần một tuần có số lượng và nồng độ tinh trùng cao hơn nhiều. Nghiên cứu cũng thống kê có tới hơn 85% nam giới để điện thoại vào túi quần khi không sử dụng, thay vì để ở túi ngực, ba lô hoặc nơi khác.
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá tác động của điện thoại di động trong các khoảng thời gian khác nhau. Theo đó, mối liên hệ giữa số lượng tinh trùng và việc dùng điện thoại lớn nhất vào khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2007. Nhưng khi các công ty chuyển từ 2G lên 5G, mối liên hệ này suy yếu, cùng với "sự giảm tương ứng về công suất đầu ra của điện thoại".
Tiến sĩ Pastuszak cho biết: "Rất, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn từ nghiên cứu này vì nó không có môi trường kiểm soát chặt chẽ. Họ không thể kiểm soát mức độ phơi nhiễm hàng ngày khi sống trong môi trường đô thị. Ngay cả mức độ căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng và hormone".
Là một chuyên gia làm việc hàng ngày với các cặp vợ chồng hiếm muộn, tiến sĩ Pastuszak chỉ ra sự phức tạp của các yếu tố ảnh hưởng đến vô sinh, trong đó số lượng và nồng độ tinh trùng chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Ông nói: “Tổng số lượng tinh trùng không thể phản ánh hoàn toàn khả năng sinh sản. Quan trọng là chất lượng tinh trùng. Nếu bạn có tinh trùng chất lượng thì khả năng cao bạn dễ có con, ngay cả khi chúng không nhiều”.
Thùy Dung (T/h)