+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia Australia cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, các sự kiện gần đây cho thấy căng thẳng sẽ gia tăng ở Biển Đông trong tương lai.

    (ĐSPL) - Theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, các sự kiện gần đây cho thấy căng thẳng sẽ gia tăng ở Biển Đông trong tương lai.
    Giáo sư Carl Thayer cho rằng có 5 xu hướng ngắn hạn bao gồm: Philippine tiếp tục thách thức lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn thụ động; Hải quân Trung Quốc sẽ lặp đi lặp lại hành động khẳng định chủ quyền đối với bãi ngầm James Shoal; khả năng thiết lập một Khu xác định phòng không (ADIZ ) trên Biển Đông và Mỹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ phản đối bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế trọng yếu này.
    Chuyên gia Australia cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông

    Giáo sư Carl Thayer cảnh báo căng thẳng gia tăng ở Biển Đông

    Thứ nhất, trong tháng 1/2014, Philippines đã công khai thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 15/1về các quy định đánh cá mới do tỉnh Hải Nam ban bố, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Emmanuel Bautista, nói rằng ngư dân Philippines không lùi bước trước các mối đe dọa hay hăm dọa của Trung Quốc. Một ngày sau đó (16/1), Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin tuyên bố  Philippines không chấp nhận các quy định đánh cá mới của tỉnh Hải Nam và sẽ hộ tống ngư dân Philippines đánh bắt cá ở Biển Tây Philippines (Biển Đông), "nếu cần thiết".
    Trong một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times ngày 4/2, Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Philippines chống lại các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
    Thứ hai, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tổ chức một cuộc họp ở Bagan, Myanmar từ ngày 16-17/1. Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi ASEAN "duy trì đoàn kết trong khu vực" để đối phó việc Trung Quốc áp đặt ADIZ và các quy định đánh bắt cá mới ở Biển Đông.
    Ngoại trưởng Albert del Rosario tuyên bố: "Rõ ràng, ngoài các biện pháp đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và đe dọa ổn định của khu vực, những diễn biến mới nhất này vi phạm quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển và các luật pháp quốc tế , trong đó có UNCLOS - cụ thể hơn các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không - và trái ngược với  Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cung cách ứng xử của các bên ở Biển Đông".
    Về phần mình, các vị ngoại trưởng ASEAN "bày tỏ quan ngại của họ về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và tiếp tục tái khẳng định Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông".
    Thứ ba, ngày 20/1, một đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc (PLAN) bao gồm tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn (Changbaishan) và hai tàu khu trục Vũ Hán và Hải Khẩu đã rời căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam để bắt đầu tập trận hải quân hàng năm trong khu vực Biển Đông. Đội tàu này đã tiến hành cuộc tập trận ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa bao gồm cả đổ bộ " trên tất cả các rạn san hô được bảo vệ bởi lực lượng hải quân của Trung Quốc". Sau đó, đội tàu chiến này đi về phía nam tới quần đảo Trường Sa . Vào ngày 26/1, báo chí Trung Quốc đưa tin khi đến bãi ngầm James Shoal, cách bờ biển Sarawak (Malaysia) 80km, các thủy quân trên đội tàu này đã làm lễ tuyên thệ bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
    Chuyên gia Australia cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông

    Tàu đổ bộ cỡ lớn của Trung Quốc tại James Shoal chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km

    Ngày hôm sau (27/1), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhắc lại "chủ quyền không thể tranh cãi " của Trung Quốc đối với bãi ngầm James Shoal.
    Thứ tư, báo Nhật Asahi Shimbun số ra ngày 31/1 đưa tin   một dự thảo ADIZ trên Biển Đông đã được Không quân Trung Quốc soạn thảo và trình Quốc vụ viện hồi tháng 5 năm 2013. Dự thảo ADIZ của Trung Quốc bao trùm quần đảo Hoàng Sa và một số vùng ở Biển Đông. Tờ báo Nhật Bản này đưa tin các quan chức Trung Quốc vẫn còn cân nhắc về qui mô và thời điểm công bố ADIZ mới của Trung Quốc trên Biển Đông.
    Ngay sau khi Asahi Shimbun đăng tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố bác bỏ. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "Trung Quốc không cảm thấy có mối đe dọa an ninh hàng không nào đến từ các nước ASEAN" và do đó không cảm thấy cần thiết phải thiết lập ADIZ (trên Biển Đông).
    Tuy nhiên, hồi tháng 10/2013, khi Bắc Kinh công bố ADIZ trên Biển Hoa Đông, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: "Trung Quốc sẽ thành lập các Khu vực xác định phòng không khác vào thời điểm thích hợp, ngay sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị cần thiết".
    Thứ năm, trong tháng 2/2014, các quan chức Mỹ cấp cao đã và sẽ trở nên quyết đoán hơn trong việc phản đối ADIZ và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
    Ngày 1/2, Giám đốc khu vực châu Á Evan Medeiros của  Hội đồng An ninh Quốc gia  nói trong một cuộc phỏng vấn: " Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở các khu vực khác, trong đón có Biển Đông. Chúng tôi đã nói rất rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ xem đó như là một hành động khiêu khích gây bất ổn và sẽ dẫn đến những thay đổi trong sự hiện diện và vị thế quân sự của chúng tôi trong khu vực".
    Ngày 5/2, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói trước Tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương của Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc nên ngừng thiết lập các ADIZ khác trong khu vực.
    Trợ lý ngoại trưởng Mỹ DanielRussel cũng nói việc sử dụng của " đường chín đoạn "của Trung Quốc để "đòi hỏi quyền lợi hàng hải không dựa trên cơ sở đất liền là không phù hợp với luật pháp quốc tế " và "những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông" phản ánh nỗ lực gia tăng nhằm khẳng định quyền kiểm soát các khu vực nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn".
    Cuối cùng, ông Russel ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Philippines đưa tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra  trọng tài quốc tế. Trợ lý ngoại trưởng Russel nói: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền của các bên tranh chấp...tận dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình. Philippines đã chọn quyền đó năm ngoái, với việc nộp đơn kiện lên tòa án trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
    Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh trên mặt trận bán quân sự. Tháng 10/2013, một tàu tuần tra 5.000 tấn mới được đưa vào biên chế của Cảnh sát biển Nam Hải và đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc trong quần đảo Hoàng Sa. Ngày 21/1, tờ China Ocean News đưa tin con tàu tuần tra mới này sẽ bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc. Ngoài ra cùng ngày, Global TimesBeijing Times đưa tin rằng Trung Quốc đang đóng một tàu hải giám 10.000 tấn, lớn nhất thế giới.
    Chuyên gia Australia cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông

    Tàu công vụ lớn của Trung Quốc khuấy động Biển Đông

    Những xu hướng ngắn hạn này có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Manila tiếp tục "khẩu chiến" với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc tiếp tục xâm nhập Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines chiếm đóng trái phép) bằng cách triển khai các tàu chiến trong khu vực. Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa Philippines và Malaysia làm cho 4 quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khó có thể đưa ra một lập trường chung để ASEAN xác nhận. Bản thân nội bộ ASEAN cũng chưa đạt được sự đồng thuận rằng lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở Biển Đông, cùng với việc thiết lập có thể của một ADIZ Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
    Trung Quốc đang tiếp tục xây phát triển và hiện đại hóa cả tàu chiến của hải quân (PLAN) lẫn tàu bán quân sự của Cảnh sát biển. Tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận trong khu vực của cái gọi là "đường chín đoạn" chồng chéo lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ven Biển Đông. Tàu bán quân sự của Cảnh sát biển thì gia tăng kích thước, cho phép nó tuần tra và bám trụ trên Biển Đông với thời gian lâu hơn.
    Minh Đức (theo The Diplomat)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-australia-canh-bao-cang-thang-o-bien-dong-a22406.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan