Các nhà phân phối lo ngại sẽ bị giảm lợi nhuận vì hoạt động kinh doanh phải thông qua một kênh trung gian khác thay vì nhập hàng trực tiếp tại nhà máy xi măng như trước đây.
Ngày 8/3 vừa qua, Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) ban hành Công văn số 459/VICEM-QLTT&TH về việc hợp nhất thương hiệu xi măng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và chuyển đổi địa bàn kinh doanh xi măng (gọi tắt là Công văn số 459). Theo đó, Công ty Cổ phần Vicem thương mại xi măng (gọi tắt là công ty thương mại xi măng) chịu trách nhiệm kinh doanh xi măng trên địa bàn Vĩnh Phúc; được bàn giao hệ thống phân phối từ Công ty xi măng Hoàng Thạch, Công ty xi măng Bút Sơn và Công ty Xi măng Hải Phòng.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi địa bàn khiến đại lý "cấp 1" bị chuyển thành "cấp 2", xi măng bị đội giá, nhà phân phối bị giảm lợi nhuận và người tiêu dùng phải mua xi măng với giá cao do hoạt động kinh doanh, phân phối xi măng phải thông qua kênh trung gian là Công ty cổ phần thương mại xi măng.
Ông Lưu cho biết, trong quá trình chuyển đổi địa bàn, công ty vẫn thực hiện sự hỗ trợ tối đa đối với các nhà phân phối. Ảnh minh họa |
Giải đáp về những băn khoăn, thắc mắc nêu trên, đại diện Công ty cổ phần Vicem Thương mại xi măng - Giám đốc Ngô Đức Lưu cho biết: "Việc chuyển đổi địa bàn khiến đại lý cấp 1 bị chuyển thành cấp 2, xi măng bị đội giá, nhà phân phối bị giảm lợi nhuận, người tiêu dùng phải mua giá cao là" là nhận định không đúng".
Theo ông Lưu, Công ty thương mại xi măng đã kinh doanh và phân phối xi măng của Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam tại địa bàn Vĩnh phúc (tỉnh Vĩnh Phú cũ) kể từ khi thành lập đến nay đã hơn 40 năm.
Từ nhiều năm nay, công ty đã là nhà phân phối của xi măng Vicem Hoàng Thạch, Hải phòng và Vicem Bút Sơn. Công ty có hệ thống kho, bãi, văn phòng cùng bộ phận nhân viên bán hàng và cán bộ quản lý tại Vĩnh Phúc. Như vậy, công ty là nhà phân phối xi măng Vicem Bút Sơn từ trước đó chứ không phải sau khi có quyết định của Tổng Công ty (quyết định 459) mới bắt đầu đảm nhận thị trường. Hơn nữa, về vấn đề này, cần phải nhìn nhận rằng, Tổng công ty chỉ giao thêm trách nhiệm quản lý, xây dựng các phương án phù hợp để tối ưu hóa điểm nhận hàng và trả hàng tại các huyện, thị nhằm tiết giảm chi phí; còn không phải là chuyện bàn giao hay không bàn giao địa bàn.
Trước câu hỏi về việc liệu công ty có phương án nào hỗ trợ các nhà phân phối tại địa bàn chuyển giao thị trường khi nhà phân phối đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm xi măng với nhà đầu tư đến hết ngày 31/12/2017, ông Lưu cho biết, trong quá trình chuyển đổi địa bàn, công ty vẫn thực hiện sự hỗ trợ tối đa đối với các nhà phân phối.
Cụ thể, cùng với việc đảm bảo duy trì quyền lợi, chính sách ưu đãi, chế độ thưởng (theo tháng, quý, năm); công ty còn chủ động làm việc với Sở Tài Chính và Sở Xây dựng tại địa bàn để đưa vào các thông báo giá kèm với thông tin chủ trương chuyển đổi địa bàn, sát nhập thương hiệu của Tổng Công ty, tránh việc nhà phân phối bị chủ đầu tư gây khó dễ. Mặt khác, động thái này cũng để giúp các đơn vị đang sử dụng vốn ngân sách có căn cứ để thanh quyết toán theo đúng tiến độ.