Giám đốc công ty thương mại xi măng cho rằng, trong số những thông tin mà báo chí phản ánh, có một số nhận định thiếu tính chính xác.
Theo nội dung Văn bản số 459/VICEM-QLTT&TH về việc hợp nhất thương hiệu xi măng ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung - gọi tắt là Văn bản số 459) của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), công ty cổ phần vicem Thương mại Xi măng được bàn giao lại hệ thống phân phối tại địa bàn Vĩnh Phúc từ công ty Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn và Vicem Hải Phòng. Theo đó, xuất hiện một số ý kiến cho rằng, Vicem có sự "ưu tiên" đối với công ty Thương mại Xi măng trong vấn đề phân chia lại thị trường vì công ty này không hề có phương tiện vận tải, kho bãi, không có hệ thống cửa hàng... nhưng vẫn được Vicem giao nhiệm vụ tiếp nhận thị trường kinh doanh xi măng tiềm năng.
Để làm rõ những nhận định trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Lưu – Giám đốc công ty để có những thông tin phản hồi đa chiều tới độc giả.
Ông Ngô Đức Lưu cho rằng, địa bàn tiêu thụ hiện nay của công ty đã bị thu hẹp so với trước đây chứ không phải do do Tổng công ty ưu ái giao cho nhiều địa bàn "màu mỡ" như phản ánh. Ảnh minh họa |
PV: Theo phản ánh từ báo chí và độc giả, công ty cổ phần Thương mại Xi măng được cho là đơn vị kinh doanh không có phương tiện vận tải, không có lực lượng bốc xếp, điều này có đúng không, thưa ông?
Ông Ngô Đức Lưu: Soi chiếu với tình hình thực tế hiện nay của công ty thì những nhận định trên không sai. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc công ty không có lực lượng vận tải, bốc xếp là kết quả của việc công ty đã tính toán cân đối hợp lý về chi phí giữa việc thuê dịch vụ ngoài so với việc trực tiếp quản lý phương tiện vận tải và lực lượng bốc xếp.
Thứ nhất, về phương tiện vận tải, căn cứ vào nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt và tùy thuộc vào điểm nhận hàng, trả hàng mà công ty sử dụng, khai thác dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chi phí vận chuyển sao cho phù hợp, tiết kiệm.
Thứ hai, về lực lượng bốc xếp, công ty không tuyển lao động bốc xếp mà sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải, ga, cảng. Việc thuê các dịch vụ bốc xếp chuyên nghiệp này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí hơn nhiều so với việc công ty tuyển dụng bốc xếp trực tiếp.
PV: Ông có nhận định như thế nào trước một số ý kiến phản ánh công ty cổ phần Thương mại Xi măng không hề có hệ thống cửa hàng, kho bãi?
Ông Ngô Đức Lưu: Tôi cho rằng, nhận định trên là chưa chính xác. Tôi dẫn chứng luôn, hiện nay, hệ thống bán hàng công ty gồm: Hệ thống các nhân viên bán bàng của công ty và các đầu mối là nhà phân phối cấp 1 của công ty thông qua các hợp đồng kinh tế; cửa hàng vật liệu xây dựng do các tổ chức cá nhân đầu tư vốn thành lập để kinh doanh vật liệu xây dựng nói chung và kinh doanh xi măng nói riêng.
Trong đó, nhân viên bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, các công trình nhỏ, lẻ, các cửa hàng nhỏ là 63 người; hệ thống cửa hàng vật liệu xây dựng đang bán hàng cho Công ty là hơn 1.000 cửa hàng...
Ngoài ra Công ty còn một bộ phận khai thác và bán xi măng vào các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy điện, công trình công nghiệp và dân dụng khắp cả nước.
Về kho bãi, hiện nay, công ty có hệ thống kho bãi, văn phòng phục vụ cho việc kinh doanh xi măng các địa bàn gồm: Hà Nội (rộng 10.000m2); Thái Nguyên (trên 1.000m2); Vĩnh Phúc (1.200m2); Tp. Việt Trì (trên 3.000m2); tp Yên Bái (300m2) và tp Lào Cai (1.100m2).
PV: Một số ý kiến cho rằng, Tổng công ty Vicem có sự "ưu ái" khi giao cho công ty địa bàn kinh doanh xi măng quan trọng, "màu mỡ" tại Hà Nội, Vĩnh Phúc. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Ngô Đức Lưu: Tôi cho rằng, do quá trình sắp xếp và phân chia lại địa bàn của các nhà sản xuất trong những năm qua, địa bàn tiêu thụ hiện nay của công ty đã bị thu hẹp so với trước đây chứ không phải do do Tổng công ty ưu ái giao cho nhiều địa bàn "màu mỡ" như phản ánh.
Cụ thể, từ thời điểm trước năm 2000, công ty đã kinh doanh, phân phối xi măng của tổng công ty và tham gia bình ổn giá xi măng tại các tỉnh thành trên toàn miền bắc và bắc miền trung (từ Huế trở ra). Từ tháng 4/2000 kinh doanh tiêu thụ các chủng loại xi măng của Tổng công ty xi măng Việt Nam và tham gia giữ bình ổn giá xi măng trên thị trường 14 tỉnh thành phía bắc là: Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai.
Công ty kinh doanh các loại xi măng của tổng công ty tại địa bàn Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc từ khi công ty mới thành lập chứ không phải bây giờ mới được tổng công ty giao. Và cũng khẳng định lại một lần nữa, việc kinh doanh và tiêu thụ xi măng hiện nay của công ty bình đẳng như các nhà phân phối khác đối với tổng công ty và các nhà sản xuất của Vicem.
PV: Theo một số phản ánh mà chúng tôi ghi nhận, hiện nay, chất lượng các thương hiệu xi măng Vicem được đánh giá là chưa đồng đều. Do vậy, khi chuyển đổi địa bàn kinh doanh xi măng sẽ khiến cho người tiêu dùng khó có cơ hội lựa chọn được các dòng xi măng mà họ cho là chất lượng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Ông Ngô Đức Lưu: Tôi khẳng định, xi măng trong cùng hệ thống của Vicem thì chất lượng tương đồng nhau, cơ bản chỉ khác nhau về màu sắc. Mà sự khác nhau này lại do những khác biệt về màu nguyên liệu đưa vào sản xuất xi măng. Do đó, người tiêu dùng không cần phải lo ngại về vấn đề này.
|