(ĐSPL) – "Một con đường đã đi vào lịch sử ghi dấu chân ta suốt 3 năm học. Có những hôm trời mưa to, đường trơn đến nỗi khoảng 1km đường dốc xuống tới lớp mà không tốn một giọt xăng – tắt máy xe, vào số 1 mà nó tự chở mình xuống tới lớp mới tài."
Chuyện đã qua hơn chục năm rồi mà sao vẫn lâng lâng, cảm xúc ùa về nơi miền kí ức. Năm đó – lúc tôi vừa ra trường, tuổi xuân còn phơi phới, đầy những hoài bão và ước mơ.
Tôi được phân về nơi cách nhà tôi ở vừa tròn 14 cây số, đường đèo dốc quanh co, nơi mà có đông đồng bào S’Tiêng sinh sống. Cuộc sống ở đó vô cùng khó khăn, nhưng chính nơi đó đã giúp tôi trưởng thành hơn về mọi mặt.
Những ngày đầu về trường đầy bỡ ngỡ và khó khăn, đến cả nơi ăn chốn ở cũng thiếu thốn. Nhóm bạn học cùng, ra trường và cùng về một trường có tất cả 11 người, toàn nam thanh nữ tú đã được phân ở chung trong 3 phòng (trong đó có tôi và một anh bạn nữa).
Ngày ăn chung, tối ngủ chung một phòng, chao ôi, buồn quá sá, chẳng biết kêu ai. Những dịp về nhà, bà con ai ai cũng hỏi thăm về điều kiện ăn ở và nơi làm việc, mình cứ ậm ừ cho xong, vì có nói ra chắc có lẽ cũng chẳng ai giúp được cho mình.
Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua đến cả gần 2 tháng trời: trưa ăn cơm xong không có chỗ ngủ, tối cũng thiếu chỗ nghỉ, ăn xong thì thanh niên xã kéo đến nô đùa, trò chuyện – thầy cô mới về đông mà, như thổi một luồng sinh khí mới vào cái vùng “thâm sơn cùng cốc” đó.
Cả ngày đi làm về, mệt đứt cả hơi, ăn xong muốn nghỉ một xíu rồi còn bài vở cũng chẳng được, bài soạn thì viết tay mà cứ chơi cả tuần chẳng viết lách được gì cả, sáng nào cũng cùng một cô nữa đi dự giờ học hỏi.
Cả phòng có đúng một chiếc giường nhỡ cho 3 cô và 2 chàng, chao ôi! Mặc cho 3 cô và 1 thầy ngồi tiếp khách xóm, mình leo lên giường ngả lưng và đánh một giấc, thế rồi cũng đã khuya, thanh niên vẫn chưa chịu về, đang ngon giấc một cô vào bảo :
- Ông nằm lui vào còn chỗ cho tôi nằm (trong sáng đấy nhé).
- Chỗ của cô còn ¾ đấy mà (hì hì).
Rồi lát sau nam thanh nữ tú ra về, cả 3 cô cùng mời mình về đúng chỗ của 2 chàng – nằm đất, đang ngủ ngon lành, nửa đêm tỉnh dậy thấy đầu ướt – mưa dột, rồi sao thấy đầu ngứa ngáy khó chịu – mưa kiến ra nhiều tiện thể nó hỏi thăm sức khỏe 2 chàng.
Rồi khó khăn ban đầu cũng qua đi, hai chàng đã dọn về nơi ở mới (một phòng làm việc cũ của UBND xã) rộng chừng 7,5m2 vừa đủ để kê 1 chiếc giường nhỡ, để được một chiếc xe đạp (tài sản quý giá nhất mà chị gái đã cho tôi trước khi chị lập gia đình, tôi vẫn hay dùng nó để đi chợ huyện và về nhà vào chiều thứ Tư và thứ Bẩy hàng tuần – lúc đó còn nghỉ thứ Năm và Chủ nhật), hai cái bếp dầu và một cái bàn học sinh.
Nơi ăn chốn ở là thế còn công tác cũng không khá hơn là bao, toàn trường chiếm khoảng trên 70\% là học sinh người đồng bào (tùy năm), có những năm lớp tôi chủ nhiệm là 100\% là học sinh người đồng bào, sự tiếp thu của các em rất hạn chế.
Thầy giáo Đoàn Ngọc Hạnh và các em học sinh Trường Tiểu học An Khương - huyện Bình Long - tỉnh Bình Phước. Ảnh: NVCC. |
Trường lớp thì khó khăn về cơ sở vật chất, được năm đầu còn có một phòng cấp 4 xây cất còn đỡ, đến năm thứ 2 lại được sở hữu ngay 1 phòng học có 6 cột và 2 mái, không có vách, nền đất, gà vào làm ổ.
Sau này thông qua một cô làm việc chung, cô ấy mới tiết lộ cho biết là cô khác được phân phòng đấy nhưng cô đó rất “khôn ngoan”, không đề nghị nhà trường sửa chữa mà chuyển phòng đó cho mình – cô bạn kia đề nghị mình là chỗ bạn thân mới nói cho biết, đừng nói lại.
Nhận cái phòng đó, chao ơi là buồn, trống trên hở dưới, nắng thì đất đỏ bụi đầy quần áo và sách vở, có hôm đang giảng bài thì học sinh nhắm hết mắt lại vì bụi, cũng có lúc các em không nghe giảng nữa mà nhìn ra ngoài vì có đàn trâu đi qua hoặc gì gì khác (lớp gần ngay đường đi và sân vận động của xã).
Có hôm đang ngon trớn thì mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng, cả thầy và trò ướt như chuột lột, học trò bịt tai và chui vào gầm bàn, lúc sau thì hết mưa nhưng ôi thôi, nhìn thầy kìa…
Ngay sau đó tôi đã tổ chức họp cuộc họp đầu năm ngoài những việc chung như các lớp khác tôi trình bày về việc tu bổ lớp học, mỗi phụ huynh có con học trong lớp sẽ đóng 3.000 đồng/ học sinh và một buổi lao động. Phụ huynh đã nhất trí 100\%, thế rồi ngày vui đã đến, kẻ cưa người đục, rồi búa,…
Một phụ huynh cùng thầy đi mua tấm quây đan từ nan tre, rồi kẽm cột, đinh,… Sau một buổi lao động tích cực, khẩn trương, lớp học đã “khang trang” hẳn, cả thầy cùng phụ huynh đều hả hê sung sướng.
Ngày hôm sau tất cả giáo viên trong trường đều ngạc nhiên, một vài giáo viên còn pha trò :
- Thầy tính mở quán café hả ?
- Mình đang tính làm thêm nghề tay trái đấy!
Còn vị lãnh đạo cao nhất trong trường nhìn phòng học mà ngập ngừng như muốn nói điều gì!?! Rồi cũng trôi qua vài năm như thế, tuổi xuân qua đi, già thì chưa tới song cũng đến lúc lập gia đình, đúng vào năm hạnh phúc nhất của đời người thì lại được phân ra điểm lẻ (cách điểm chính hơn 3km).
Điểm lẻ đường đất đỏ trơn và lầy, hàng ngày chở “xã” vào điểm chính còn mình thì ra điểm lẻ, có những hôm vừa tới trường thì trời đổ mưa tầm tã, mấy đồng nghiệp bảo :
- Thôi đừng đi nữa!
- Thế học trò không thấy thầy thì sao?
- Không thấy thầy chúng sẽ tự về.
- Không, không được.
Rồi ta vẫn cứ đi – chẳng gì ngăn nổi bước ta bởi vì ngoài đó vẫn còn lũ trẻ thơ ngây. Một con đường đã đi vào lịch sử ghi dấu chân ta suốt 3 năm học có lẻ, có những hôm trời mưa to đường trơn đến nỗi khoảng 1km đường dốc xuống tới lớp mà không tốn một giọt xăng – tắt máy xe, vào số 1 mà nó tự chở mình xuống tới lớp mới tài.
Cũng có hôm phải vào số 1 và dắt với tư thế áp xe vào sườn nhẹ nhàng đưa em nó đi như “khiêu vũ”, rồi cũng xuống tới lớp, trò vẫn chờ thầy, tuyệt chưa? Xuống dốc khó khăn là vậy nên trước tôi cũng có một đồng nghiệp nam ra đó phải gửi xe ở đầu lô cao su – đỉnh dốc và đi ủng “đánh hẳn xe bộ” đi xuống. Anh đồng nghiệp đó còn bảo :
- Anh chịu chú thật.
Xuống dốc khó bao nhiêu thì lên dốc cũng chật vật bấy nhiêu, cũng vào số 1 và cho em nó “vịn vào sườn” mình và cùng nhau lên dốc, đám học trò khoái chí còn đứng dưới chân dốc hô vọng lên:
- Thầy ơi cố lên, thầy ơi khéo không té đấy nhé, thầy ơiiiii…!
Cũng có hôm may mắn gặp phụ huynh, họ dừng xe lại và đẩy xe giúp mình lên và xuống dốc xong mới đi.
Vào những ngày trời mưa các em đi học thật vất vả, trước khi tôi ra điểm lẻ đã có học sinh bị trôi suối, may mà trôi xong thì vướng vào cây được người dân phát hiện và cứu giúp. Có hôm mới 3 giờ chiều thì trời u ám, tôi nhìn ra ngoài thấy thấp thoáng bóng phụ huynh nhưng họ không nói gì, tôi đánh bạo bước ra thì phụ huynh mới nói:
- Thấy thầy đang say sưa quá em không tiện, xin phép thầy cho các cháu về kẻo gặp nước suối dâng rất nguy hiểm.
- Dạ, giáo viên nhất trí ạ.
Thế là từ đó cứ trời chuyển mưa là thầy trò tôi lại phải có bữa nghỉ sớm.
Ôi! Tình người thật ấm áp, chính vì vậy mà tôi đã có động lực gắn bó suốt 3 năm trời. Năm đầu tiên ra điểm lẻ thấy lớp học nằm lưng đồi, mưa trôi hết sân, học trò cũng chẳng có lấy một cái sân đúng nghĩa để mà nô đùa chạy nhảy và tập thể dục.
Trước giờ vào lớp và giờ ra chơi, nhìn các em cứ lủi thủi chơi quanh lớp với thầy trông chúng tội lắm. Lớp học lại nằm ở lưng đồi thì làm gì có sân và có chỗ cho các em vui chơi nhỉ, phòng học xây có thể bị trôi móng không?
Thầy giáo Đoàn Ngọc Hạnh và các em học sinh. |
Phòng học gỗ lợp tôn fibro xi măng nhìn thấy trời, không vách, điểm lẻ không có nhà vệ sinh,… bao nhiêu điều trăn trở. Ngay gần giáp Tết Nguyên đán năm đó, người ta rộn ràng chuẩn bị đón Tết còn tôi đã tổ chức họp phụ huynh, rồi lại cưa, lại đục, lại búa cùng đinh, mỗi người 1 tay để lớp học kín vách (gà không có cơ hội vào làm ổ dưới nền nữa), ổ khóa đã được gắn chắc chắn, phụ huynh còn nói đùa :
- Thầy ơi, vợ mới cưới mà thầy để ở nhà mà lo việc chung không sợ cô buồn à?
Tôi thầm nghĩ, gần Tết rồi, nhà nhà sum họp, mình cũng buồn chứ nhưng sự nghiệp trồng người còn cao vời vợi.
Thế rồi cũng qua năm học đầu tiên tại điểm lẻ. Tôi vẫn bụng bảo dạ: Chắc chắn năm học sau tình hình sẽ khác hơn, đã nhiều lần trong cuộc họp tôi đã ý kiến lên lãnh đạo nhà trường song toàn nhận được câu trả lời :
- Trên đang có dự án để xây mới rồi, tạm thời không sửa chữa nữa.
- Nhưng ngày nào chưa xây thì cũng phải cho ra một cái lớp học chứ!
Ý kiến cũng chỉ là ý kiến, tất cả đã chìm vào quên lãng. Rồi cũng bước sang năm học thứ 2, tôi đã hội ý ngay với chị đồng nghiệp lớn tuổi – Chủ tịch công đoàn nhà trường và một cô nữa dạy cùng là mình phải làm gì để thay đổi bộ mặt nơi đây, chị bảo :
- Theo em mình nên làm gì?
Tôi đã vạch ra ý tưởng :
- Mỗi em học sinh nộp 2 cái bao đồng thời phụ huynh phải đi lao động một ngày để làm sân và nhà vệ sinh (trước giờ các em đi ở vườn điều và giờ chủ họ cấm), ai không đi phải đóng 20.000 đồng. Để có quạt và đèn phục vụ cho việc học tập của các em, mỗi em đóng góp 10.000 đồng để mua đèn và quạt.
Chị đồng nghiệp đồng ý luôn và cho rằng rất hợp lí. Cuộc họp phụ huynh của cả 3 lớp đã diễn ra tốt đẹp, các phụ huynh nhất trí cao những việc mà giáo viên chủ nhiệm của cả 3 lớp thông qua.
Một ngày đẹp trời, các phụ huynh hăm hở mắc điện cho đèn và quạt, đất trên đồi đóng vào bao chở bằng xe rùa và quây xung quanh sân trường hình chữ nhật sau đó đổ đất san nền.
Cái sân đã dần hiện ra, đẹp thật, rồi đèn đã sáng, quạt đã quay. Buổi lao động thật rôm rả, thầy còn phục vụ cả nước uống, chè thuốc đàng hoàng (tiền mua trà thuốc, bánh kẹo là do các phụ huynh không đi lao động đóng vào).
Cuối buổi 1, cái sân trường hình chữ nhật phẳng đẹp hiện ra, trên sân lại có thêm cả bàng, trứng cá, xà cừ, phượng, rồi treo cả cờ Tổ quốc nữa, cứ gọi là mát mắt. Một số phụ huynh còn nói đùa:
- Đây là sân thầy A (là người tổ chức làm sân).
Tôi đùa rằng :
- Sân của các phụ huynh chứ, thầy A có làm được đâu.
Những tiếng cười giòn tan, lòng tôi vui thấy lạ. Còn cái nhà vệ sinh thì lại phải ngưng lại do lãnh đạo nhà trường thông báo năm sau có dự án xây khu điểm lẻ thế là phụ huynh thống nhất…
Chờ, vậy là mình đành lỗi hẹn, tiếc thật. Trước kia cái sân vắng vẻ là thế, thế mà từ ngày nó được sửa chữa cứ gọi là vui phải biết.
Chiều chiều thanh niên trong xóm lại ra đánh bóng chuyền, có hôm đánh khi chưa tan học thế là mình lại phải ra nhắc khéo là để cho các cháu học nên họ phải tạm ngưng. Mọi thành quả sau 2 năm tại điểm lẻ đã được đông đảo phụ huynh ghi nhận, họ đã đề nghị thầy ở lại thêm 1 năm nữa và mình cũng đã nhất trí (cũng là đi thay cho “xã” vì nghe đâu lãnh đạo tính cho xã ra đó đi luân phiên).
Năm thứ 3 đầy hứng khởi, gặt hái đầy kết quả tốt đẹp, cuối năm đó thầy trò còn liên hoan mặn nữa vì được nhà dân gần đó tuy con đã lên cấp 2 nhưng vẫn nhiệt tình hưởng ứng và giúp đỡ.
Cuộc họp phụ huynh cuối năm học đó, các bậc phụ huynh lại đề nghị thầy ở thêm 1 năm nữa nhưng GV đã nói đỡ:
- Em cũng đã công tác ở đây 3 năm, nghĩa thầy trò, tình dân ấm áp lắm nhưng em xin rút về trung tâm để còn phần các thầy cô khác nữa chứ không các thầy cô ấy kiện đấy.
- Thầy không dạy ở đây nữa học trò và chúng tôi rất nhớ thầy.
Nghe phụ huynh nói vậy, lòng tôi rưng rưng.
Thấm thoắt thế mà đã gần chục năm rồi và cũng đã tròn 5 năm kể từ ngày tôi xa mái trường ấy, bao kỉ niệm chợt ùa về trong tôi, đôi dòng tâm sự viết ra đây để gọi là kỉ niệm – kỉ niệm thời trai trẻ.
Có dịp nhất định tôi sẽ quay trở lại điểm lẻ trường cũ - nơi tôi từng gắn bó 3 năm học để ghi lại. Mong sao các bạn của tôi cho dù gặp khó khăn thế nào cũng cố gắng đạp bằng tất cả, hạnh phúc đang chờ các bạn ở phía trước.
(Chia sẻ của thầy giáo Đoàn Ngọc Hạnh - Giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám - Thị xã Bình Long - Bình Phước, kỷ niệm năm tháng công tác tại trường cũ: Trường Tiểu học An Khương - huyện Bình Long - tỉnh Bình Phước).