Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Triều vẫn chui xuống giếng hoang sâu hàng vài chục mét, để đưa thi thể người chết lên cho gia đình nhận diện, mai táng.
Mỗi lần chứng kiến ông hì hụi dưới giếng, những người có mặt không khỏi cảm giác hồi hộp, lẫn lo lắng.
Chọn cho mình một công việc hiếm ai có thể thực hiện được, nhưng ông Triều chưa một lần kể công, tự hào, mà xem đó là nhiệm vụ của mình, khi còn sống trên cõi đời này.
Người vớt xác thầm lặng
Câu chuyện về người đàn ông tên Triều dần được hé lộ, khi PV bắt gặp hình ảnh thoăn thoắt của ông, vào một buổi sáng tháng tư. Hôm đó, người dân ở buôn Lang, T.T Ea Pốk (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đang phải hì hục với công việc chống hạn cho những cây cà phê thiếu nước, bỗng có một người đàn ông, mặt tái mét, chạy thục mạng từ vườn cà phê cuối buôn ra. Người này cho biết, dưới giếng nước tưới cà phê trong rẫy mình, có một xác chết đã trương phình. Người dân nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng đến điều tra, bảo vệ hiện trường.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định, nạn nhân là một người sống trên địa bàn thôn. Ngay sau đó, người nhà nạn nhân cũng có mặt để nhận diện, và tìm cách đưa thi thể của thân nhân của mình lên mặt đất. Thế nhưng, mọi việc diễn ra không mấy dễ dàng.
Ông Võ Đức Triều trong một lần vớt thi thể nạn nhân bị rơi xuống giếng hoang. |
Với độ sâu hơn 40m đứng trên mặt đất nhìn xuống, cái giếng như một hố đen thăm thẳm, nên không ai đủ bản lĩnh để có thể trèo xuống. Các thanh niên trai tráng lực lưỡng nhất trong buôn lập tức được tập trung để hỗ trợ. Tuy nhiên, người gan dạ nhất mới chỉ trèo xuống được vài bước thì lại quay lên, vì mùi hôi thối của thi thể bốc lên đến ngạt thở.
Trong tình huống éo le ấy, một điều tra viên bỗng sực nhớ đến một người. Vị cán bộ điều tra này liền rút điện thoại gọi nhờ sự giúp đỡ. Hơn 20 phút chờ đợi, một người ông đã ngoài tuổi lục tuần, dáng vẻ ốm yếu, tóc lấm tấm “muối tiêu”, điều khiển chiếc xe máy cũ kỹ, chậm rãi đi tới hiện trường.
Sau vài phút quan sát, người đàn ông yêu cầu gia đình chuẩn bị cho ông những dụng cụ hỗ trợ để đưa thi thể nạn nhân lên như dây thừng, dầu hỏa, nước.... Với vẻ bề ngoài ốm yếu, nhiều người chứng kiến không khỏi nghi hoặc về khả năng của người đàn ông ấy.
Một thanh niên nói: “Ông có làm được việc này không. Tôi là thanh niên mà không dám xuống, ông già rồi liệu có xuống được vài mét không”. Đáp lại những câu hỏi liên hồi của chàng thanh niên này là một cái nhìn trìu mến và một nụ cười đôn hậu.
Khi các dụng cụ cần thiết chuẩn bị xong, ông lão nhanh chóng cởi phăng bộ đồ đang mặc, trên người duy nhất còn chiếc quần đùi. Hàng trăm người vây quanh giếng ngạc nhiên, khi người đàn ông có vẻ bề ngoài ốm yếu ấy, leo xuống giếng nhanh thoăn thoắt như một con sóc. Năm phút trôi qua, không thấy động tĩnh gì, cũng không thấy bóng dáng ông đâu.
Tất cả mọi người phía trên đều nín thở, hồi hộp chờ đợi từng giây một. Lâu lâu, một người ở phía trên miệng giếng lại nói vọng xuống: “Bác có ổn không”. Đáp lại là một lời khẳng định như đinh đóng cột vọng lên: “Yên tâm đi, tôi vẫn ổn”. Thời điểm đó, mỗi giây trôi qua đối với mọi người nơi đây lâu như hàng giờ. 15 phút sau, bỗng bất ngờ lão ông lọ mọ trèo lên lại mặt đất, và ra hiệu cho mọi người cùng hỗ trợ.
Ông Triều, người cựu chiến binh gần 20 năm âm thầm vớt xác. |
Dưới sự điều khiển của người đàn ông ở tuổi thất thập, hai thanh niên lực lưỡng nhịp nhàng quay đều trục quay, kéo nạn nhân lên. Chứng kiến không khí tang thương, đau xót của gia đình nạn nhân, ông Triều âm thầm rút khỏi hiện trường ngay sau đó. Trong lúc rối bời ấy, PV cũng chỉ kịp biết danh tính của ông là Võ Đức Triều (SN 1954, ngụ thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).
Cái duyên nghiệt ngã với nghề
Gặp lại ông như một cái duyên tình cờ, câu chuyện càng thêm thú vị khi ông Triều không ngần ngại chia sẻ với PV về cuộc đời của mình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình, ông Triều từng tham gia quân ngũ phục vụ cho cách mạng. Sau giải phóng, ông về vườn chăm lo cho gia đình.
Đến năm 1994, do cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông Triều quyết định đưa gia đình và vùng đất đỏ Tây Nguyên lập nghiệp. Khi đến xã Ea K’Pam, ông quyết định “cắm dùi” tại đây. Với số vốn ít ỏi chỉ đủ mua một mảnh vườn nhỏ và dựng một căn nhà đơn sơ, vợ chồng ông làm thuê đủ mọi việc để kiếm sống.
Căn nhà cất vừa xong, ông Triều dùng số vốn còn lại thuê một người thợ đào giếng sinh hoạt cho gia đình. Thế nhưng, sau khi nhận tiền cọc, tên thợ này lại đánh bài chuồn, “bặt vô âm tín”. Không còn cách nào khác, ông Triều đành phải “không có trâu, bắt chó kéo cày”.
Ông mượn cuốc, xẻng, xà beng của hàng xóm về tự tay đào giếng cho gia đình. Ông Triều kể lại: “Hàng ngày, tôi bắt vợ và con gái ở trên quay đất. Còn một mình tôi lọ mọ đào. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tôi đục khoét từng tý một, nhiều lúc mệt mỏi chỉ muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng hì hục, cái giếng sâu hơn 30m của tôi cũng hoàn thành”.
Kể từ sau khi đào xong cái giếng nước cho gia đình, ông Triều cũng bắt đầu nghề đào giếng, kiếm kế sinh nhai. Chẳng bao lâu sau, ông Triều được người dân khắp nơi trong vùng thuê đến đào giếng. Thời gian rảnh, ông Triều còn làm thêm công việc chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.
Cho đến năm 1998, ông Triều đang ngồi chờ khách, thì bỗng nghe người dân bàn tán xôn xao rằng có một nạn nhân chết dưới giếng ở gần đó. Hiếu kỳ, ông Triều cũng chạy đến xem. Thế nhưng, do giếng giếng quá sâu, kèm theo đó là nạn nhân đã chết từ nhiều ngày trước đó, bốc mùi hôi thối, khiến cho không một ai dám xuống giếng đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Gia đình nạn nhân đã thuê tám thanh niên lực lưỡng. Nhưng, người dày dặn kinh nghiệm nhất cũng xuống được vài bước, lại quay lên.
Nghĩ mình đã từng lăn lộn bao nhiêu năm đục khoét dưới lòng đất, ông Triều xin phép gia chủ để được thử ra tay hỗ trợ. Mới đầu thấy thân hình nhỏ bé của ông, gia đình nạn nhân cũng chần chừ, vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, thấy thái độ quả quyết của ông Triều, và cũng không còn cách nào khác, họ đành đồng ý.
Sau hơn 15 phút, ông Triều đã đưa được thi thể của nạn nhân lên mặt đất. Từ đó, tiếng tăm của ông Triều nhanh chóng được lan đi khắp nơi. Gần 20 năm qua, ông Triều không nhớ hết mình đưa được bao thi thể nạn nhân trở từ “cõi chết” trở về, để cho gia đình an táng.
Chia sẻ với PV về kinh nghiệm của mình, ông Triều tỏ vẻ khiêm tốn: “Thực ra tôi cũng chẳng có tài cán hơn ai. Vốn là một thợ đào giếng nên việc xuống giếng sâu là chuyện bình thường. Khi làm công việc này, đòi hỏi người làm nghề phải hết sức cẩn thận. Vì giếng sâu, áp suất lớn, hơn nữa mùi xác chết bốc ra khiến người xuống không thể nào thở được.
Do đó, trước khi xuống giếng cần phải tắm dầu hỏa lên người, uống một ngụm nhỏ để mùi dầu lấn áp được mùi tử khí”.
Ngồi bên cạnh chồng mình, bà Tạ Thị Thu (SN 1954, vợ ông Triều) cũng cho biết: “Do tuổi cao, sức yếu, nên mỗi lần ông ấy đi làm công việc vớt xác dưới giếng là ở nhà tôi cứ đứng ngồi không yên, cho đến khi thấy được ông ấy về tới nhà. Nhiều lần tôi cũng khuyên can ông ấy bỏ nghề, nhưng ông ấy cứ bảo mình làm việc thiện trời sẽ phù hộ”.
Người cựu chiến binh gương mẫu Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Phượng, Trưởng thôn 6, xã Ea K’pam nhận xét: “Ông Triều là một cựu chiến binh gương mẫu trong thôn. Bên cạnh đó, ông thường làm nhiều việc tốt, được bà con lối xóm quý mến. Việc ông ấy làm công việc vớt xác người từ giếng hoang được nhiều người biết đến. Mặc dù, đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng khi mọi người cần giúp đỡ thì ông ấy vẫn sẵn sàng, mà không một chút đắn đo, về những khó khăn do tuổi tác đưa lại. Điều đó khiến mọi người luôn nể phục”. |
Mai Cường
Xem thêm video:
[mecloud]mLHkBrGju7[/mecloud]