+Aa-
    Zalo

    Chuyện cảm động sau những tác phẩm chữ đẹp cổ vũ phòng, chống dịch Covid-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng trăm bài dự thi của các em học sinh tiểu học, trung học, sinh viên, giáo viên, người yêu thích chữ đẹp được gửi đến cuộc thi “Viết chữ đẹp rèn kỹ năng năm 2020".

    Hàng trăm bài dự thi của các em học sinh tiểu học, trung học, sinh viên, giáo viên, người yêu thích chữ đẹp trên khắp cả nước đã được gửi đến cuộc thi “Viết chữ đẹp rèn kỹ năng sống năm 2020”. Nhiều tác phẩm chữ đẹp có nội dung phòng, chống Covid-19 khiến nhiều người xuýt xoa.


    Bài viết chữ đẹp của cô giáo tiểu học.

    Những câu chuyện ấn tượng

    Xuất phát từ sở thích luyện chữ đẹp và mong muốn tạo một sân chơi bổ ích cho trẻ em trong mỗi dịp hè để trẻ vừa rèn chữ viết vừa học được những kỹ năng sống thiết thực nhất, cộng với niềm yêu thích những câu thơ ngắn gọn dễ nhớ của tác giả Nguyễn Huy Hoàng (cuốn sách Quà cho con), được sự đồng ý và ủng hộ sách làm quà tặng của tác giả, một nhóm các thầy cô yêu thích viết chữ đẹp đã tổ chức sân chơi nho nhỏ qua mạng xã hội face- book.

    Cô Nguyễn Thị Anh (giáo viên luyện chữ đẹp ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đại diện ban Tổ chức chia sẻ, có rất nhiều tác phẩm chữ viết đẹp và truyền thông điệp, câu chuyện về hành động đẹp góp phần chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

    Nói về những tác phẩm mà mình ấn tượng nhất, cô Vân Anh bày tỏ: “Đặc biệt gây ấn tượng cho ban tổ chức và ban giám khảo là bài viết của bé Vũ Bảo Ngọc - một học sinh 7 tuổi ở Hà Nội - có khiếm khuyết về sức khỏe, chữ viết chưa phải là chuẩn đẹp nhất tuy nhiên câu chuyện của em đã làm rung động trái tim tôi. Em rèn chữ không phải để giành giải mà luyện cho cánh tay khỏe hơn để có thể đi lại và hoạt động được như các bạn.

    Bài viết của cô giáo Hương Lựu ở Thái Nguyên, cô Thắm ở Nghệ An đã truyền tải được thông điệp và sức mạnh đoàn kết dân tộc trong phòng chống dịch bệnh. Bài viết bằng tiếng Anh của cô giáo Huyền ở Bắc Giang, chữ viết quốc ngữ đẹp mà tiếng Anh cũng rất tốt, rất hay, đó là động lực để các bạn nhỏ hiểu rằng việc luyện chữ đẹp không phải chỉ để đẹp gây xao nhãng môn học khác mà rèn chữ viết là “nét chữ nết người” rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Chỉ cần có lòng kiên trì, nhiệt huyết thì làm việc gì cũng ắt sẽ thành công”.

    Tiếng Việt, chữ Việt chính là linh hồn Việt

    Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, em Nguyễn Thị Thái Hà (học sinh lớp 3D trường tiểu học Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) tác giả có bài dự thi nói: “Em có hai bài dự thi là Đúng giờ và Bác sĩ. Em viết để tri ân trước những hy sinh và cống hiến cao cả của đội ngũ chiến sĩ áo trắng trong công cuộc phòng chống dịch”.

    Nói về lý do thích viết chữ đẹp, em Hà cho hay: “Em thích luyện chữ bởi luyện chữ sẽ tạo nhiều thói quen tốt. Việc luyện được chữ đẹp đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như kiên trì, bình tĩnh, tay phải mềm dẻo. Nhưng theo em quan trọng nhất vẫn là kiên trì. Kiên trì là một trong những yếu tố dẫn đến thành công không chỉ trong việc rèn chữ mà rất nhiều việc khác”.

    Còn em Trần Duy Long (học sinh trường tiểu học Trung Kênh) cho biết, mình gửi 2 bài dự thi, trong đó bài dự thi Tấm gương sáng ca ngợi tấm gương của bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên - bác sĩ trẻ đã viết đơn tình nguyện vào tâm dịch ở Đà Nẵng cùng chung tay chống dịch Covid-19”.

    Bài dự thi của học sinh lớp 1 Nguyễn Thế Vinh (trường tiểu học Thiên Hộ Dương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cũng nói về nội dung quyết tâm chiến thắng đánh bay virus Corona. “Để đạt được điều đó, từng cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung cần phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, cần có tinh thần đoàn kết cao, mọi người phải có ý thức cộng đồng thì mới đem đến thắng lợi nhanh và toàn diện. Qua đó, em muốn gửi gắm đến mọi người chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19 trong thời gian sớm nhất”.

    Bên cạnh các tác phẩm dự thi của học sinh, cô Nguyễn Thị Thắm (hiện là giáo viên trường tiểu học Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cũng có bài viết chữ đẹp về niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19. “Nội dung của bài dự thi chính là bày tỏ niềm tin, tinh thần lạc quan cần có trong đại dịch Covid-19. Đó chính là sức mạnh to lớn nhất để con người có thể chiến thắng mọi khó khăn, trước mắt chính là Covid- 19. Thông qua bài dự thi, tôi muốn mọi người hãy vững tin vào Đảng, Nhà nước và có niềm tin chiến thắng. Không chỉ vậy tôi còn muốn truyền cảm hứng về tình yêu nét chữ Việt với mọi người”, cô Thắm chia sẻ.

    Bày tỏ về ý nghĩa của việc luyện chữ đẹp, cô Thắm nói: “Trong thời đại 4.0 khi mà công nghệ phát triển, kéo theo nhu cầu của con người về công việc cần nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, việc gõ văn bản trên máy tính là một phương thức rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa viết chữ bằng tay ở xã hội ngày nay đã tiêu biến. Tôi nghĩ cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì càng phải chú trọng vào giá trị văn hóa bấy nhiêu. Tiếng Việt, chữ Việt chính là linh hồn Việt. Đam mê viết chữ cũng chính là cách để tôi hay chính những người yêu chữ thể hiện tình yêu với đất nước, với dân tộc Việt Nam”.

    Cô Phan Thị Hương Lựu (giáo viên Ngữ văn sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên) chia sẻ thêm: “Hiện nay, tất cả mọi thứ đều được xử lý bằng công nghệ, ngay cả việc gõ văn bản trên máy tính cũng được ưa chuộng vì vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, tôi vẫn rất thích ngồi cặm cụi hàng giờ mỗi ngày để viết. Có thể chỉ là chép một đoạn thơ, một câu nói, hay ghi lại cảm xúc của mình. Với tôi, viết chữ đẹp là rèn tính kiên trì và giao lưu, kết giao được với rất nhiều bạn bè cùng chung sở thích, đam mê chữ đẹp”.


    Tình người ánh lên sau nét chữ

    Cô Hương Lựu có gửi hai bài dự thi, trong đó có bài được cô Lựu viết bằng tiếng Anh: “Trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tôi cảm nhận được rất rõ tình người, tình đồng bào, đồng nghiệp. Bản thân tôi là một giáo viên hợp đồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đã nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía ban Giám hiệu nhà trường cùng các tổ chức công đoàn, liên đoàn lao động đóng trên địa bàn. Tôi rất cảm động và trân trọng những tình cảm ấy. Đó cũng chính là nguồn động viên lớn lao để tôi tiếp tục gieo tình yêu với nghề dạy học. Qua đây, tôi xin nhắn gửi tới mọi người câu nói mà tôi tâm đắc nhất: “Dù là bất cứ ai, làm gì, ở đâu chúng ta hãy làm việc với tất cả trái tim, lòng nhiệt huyết của mình, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế”.

    Thanh Lam

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (số 37)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cam-dong-sau-nhung-tac-pham-chu-dep-co-vu-phong-chong-dich-covid-19-a339517.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan