+Aa-
    Zalo

    Chuyện "bắt cóc bỏ đĩa" tại các trạm cân tải trọng xe

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau nhiều ngày triển khai Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN, hàng loạt vấn đề bất cập đã nảy sinh chưa có cách giải quyết, khiến dư luận băn khoăn về tính khả thi của Chỉ thị này

    Những chiếc xe chở hàng quá tải trọng chính là "thủ phạm" tàn phá các công trình đường bộ. Trong một nỗ lực hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng xe quá tải vào năm 2015, theo Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN ngày 21/3/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), từ ngày 1/4/2014 các tỉnh đã đồng loạt ra quân xử lý, chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải chở hàng quá tải trọng. Sau nhiều ngày triển khai, hàng loạt vấn đề bất cập đã nảy sinh chưa có cách giải quyết, khiến dư luận băn khoăn về tính khả thi của Chỉ thị này.

    Quy định như "đánh đố"

    Thực hiện Chỉ thị số 1095/CT-TCĐBVN, từ ngày 1/4 các tỉnh đã đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe, bằng bộ cân đã được cấp, cân xách tay và các biện pháp khác. Tính đến hết tháng 2/2014, TCĐBVN đã bàn giao xong 63 bộ cân cho 63 địa phương.

    Theo quy trình kiểm soát tải trọng xe, sau khi cân xe nếu phát hiện vi phạm tải trọng, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu lái xe, chủ hàng phải hạ tải, tức là bốc dỡ số hàng quá tải xuống khỏi xe, tập kết tại các bãi chứa. Khi đúng tải trọng (theo giấy đăng kiểm của xe), thì xe mới được tiếp tục lưu hành. Không thể phủ nhận ý nghĩa của Chỉ thị này trong việc bảo đảm "tuổi thọ" cho các công trình giao thông đường bộ như cầu cống, đường sá. Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu tiên triển khai, hàng loạt vấn đề bất cập đã nảy sinh mà chưa có cách gì tháo gỡ.

    "Quy định như đánh đố, vì việc hạ tải rất khó thực hiện. Chúng tôi không có  thiết bị máy móc để bốc dỡ hàng hóa xuống xe, cũng không có bãi chứa và phương tiện bảo quản hàng hóa hạ tải. Trong khi đó hàng hóa thì vô cùng đa dạng. Với xăng dầu hay đồ thực phẩm đông lạnh, nếu không được bảo quản tốt thì khi xảy ra tai nạn cháy nổ, hay hư hỏng thiu thối… tổn thất của doanh nghiệp ai sẽ chịu trách nhiệm?" - một số cán bộ tại Trạm kiểm soát tải trọng lưu động tỉnh Hải Dương cho biết.

    Vấn đề bãi hạ tải hàng hóa thực sự là thách thức lớn với nhiều địa phương. Được biết, đến nay còn nhiều tỉnh chưa bố trí được kho bãi. Lý giải về khó khăn này, Trung tá Nguyễn Thành Viên - Phó trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Hà Nam cho biết: "yêu cầu về nơi đặt trạm cân phải đáp ứng điều kiện về mặt bằng để dừng xe kiểm soát và hạ tải. Nhưng để tìm được một bãi hạ tải vô cùng khó khăn, vì vị trí đặt các trạm cân đâu có cố định". Bởi vậy, dù là tỉnh có QL 1 - tuyến đường huyết mạch lưu thông hàng hóa vào Nam ra Bắc chạy qua, nhưng tỉnh Hà Nam chỉ kiểm tra tải trọng xe theo chuyên đề, như với các loại xe chuyên chở vật liệu xây dựng rời, chứ không không kiểm soát tải trọng với tất cả các loại phương tiện đi qua địa bàn tỉnh.

    QL 5 nối Hà Nội và Hải Phòng được thí điểm lập trạm cân tải trọng lưu động từ tháng 3/2014. Ông Mạc Văn Thái - Chánh văn phòng UBATGT tỉnh Hải Dương cho biết: "Sau gần một tháng triển khai trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng xe trên QL 5, đến nay chúng tôi đã cân và phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm tải trọng, nhưng mới chỉ bắt buộc được hai trường hợp hạ tải, đây là hai trường hợp hàng hóa thông thường dễ hạ tải, dễ bảo quản. Còn lại thì đành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính và cho xe tiếp tục lưu thông".

    Đánh giá về hiệu quả hoạt động của trạm cân lưu động, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư cho công tác này thì quá lớn - (một trạm cân lưu động có giá gần 3 tỷ đồng + chi phí thường xuyên cho lực lượng kiểm soát vận hành trạm cân - PV), nhưng hiệu quả lại không cao. Thượng tá Phạm Đình Ngợi, Phó trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Hải Dương đã thẳng thắn nhận xét: "việc đầu tư các trạm cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe chỉ đạt kết quả cao trong công tác giải ngân, mà kém hiệu quả trong việc kiểm soát tải trọng xe. Bởi mục đích đặt ra khi kiểm soát xe vi phạm tải trọng là phải hạ được tải trọng của xe (theo đúng đăng kiểm), nhưng hiện nay gần như không thể thực hiện được. Việc "phạt cho tồn tại" như hiện nay chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Xe quá tải trọng vẫn phá đường, phá cầu".

    Những chiêu "né" cân, tránh phạt

    Bên cạnh khó khăn về bến bãi hạ tải hàng hóa thì các lực lượng chức năng còn "đau đầu" trước những "chiêu thức" đối phó của cánh lái xe. Vì lỗi chở quá tải trọng bị phạt không hề nhẹ, mức phạt thấp nhất từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng, nên họ thường "phím" cho nhau biết trạm cân đang đặt ở đâu để "né".

    Đơn giản nhất là dừng bánh tại các quán ăn, cây xăng để nghỉ ngơi, chờ trạm cân dừng hoạt động mới đi tiếp, hoặc tránh hẳn sang những cung đường khác không có trạm cân để đi. "Đây là một thực tế. Lắp đặt được một trạm cân lưu động như hiện nay phải mất hơn 2 tiếng. Khi đó cánh lái xe đã kịp báo cho nhau để "né" trạm cân. Vì vậy, có những tuần chỉ cân được 2 xe. Đây là những xe mà lái xe lần đầu tiên đi đến khu vực này" - Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết.

    Chuyện
    Xe tải đi qua cân kiểm soát tải trọng.

    Theo chân lực lượng liên ngành, chúng tôi có mặt tại khu vực cầu Lộ Cương (tuyến đường nối từ QL 5 đi thị trấn Gia Lộc - Hải Dương). Tại đây họ sử dụng cân tay (một loại cân nhỏ gọn hơn trạm cân lưu động). Ông Mạc Văn Thái giải thích: "nếu lắp đặt trạm cân lưu động được Bộ GTVT trang bị, thì cả ngày không cân được một xe, vì cánh lái xe sẽ thông báo cho nhau để tránh trạm cân. Ngay như khi sử dụng cân tay mà cả buổi sáng cũng chỉ cân được 2 xe".

    Hỏi chuyện lái xe Nguyễn Văn Quỳnh lý do chở quá tải, anh bộc bạch: "biết là chở quá tải trọng tuổi thọ của xe sẽ bị giảm và nguy hiểm, bởi khi đó hệ thống an toàn của xe chỉ đạt 50\%, nếu gặp sự cố thì việc xảy ra tai nạn là khó tránh khỏi. Nhưng vì cạnh tranh giá cước, các nhà xe đua nhau giảm giá để có việc làm, trong khi giá xăng dầu thì liên tục tăng, nếu không chở quá tải thì chỉ có lỗ vốn, nên đành phải liều thôi". Cũng theo anh Quỳnh thì 100\% các xe là chở quá tải, xe quá tải ít nhất cũng phải là 30\% phần trọng tải xe. Nếu gặp trạm cân, với mức phạt thấp nhất là 4 triệu đồng thì mất cả tháng tiền công, nên "né" được là tốt nhất.

    Chuyện
    Lái xe Nguyễn Văn Pháp bị chặn giữ sau khi phá cân.

    Cá biệt, có lái xe khi bị "bắt quá tải", đã cố ý phá hỏng cả trạm cân. Điển hình vào chiều 1/4 tại trạm cân TC 05 trên đường 356 Đình Vũ, Hải An (Hải Phòng) tài xế Nguyễn Văn Pháp đã điều khiển xe ôtô BKS: 15C-05618 tăng tốc độ đâm đổ hàng rào dẫn vào thiết bị cân rồi bỏ chạy, khiến hệ thống trạm cân điện tử bị phá hỏng. Được biết, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị xử lý nghiêm vụ việc này.

    Chặn xe cân tải là "hạ sách"

    Theo Thượng tá Phạm Đình Ngợi, để việc kiểm soát tải trọng xe có hiệu quả thì phải làm quyết liệt ngay từ "gốc". Nghĩa là kiểm soát chặt chẽ tải trọng của xe ngay tại cửa các bến bãi, kho tàng. Cương quyết không cho xe quá tải xuất bến. Ngành giao thông hoàn toàn làm được việc này, vì những nơi xếp hàng và hoạt động vận tải đều do ngành giao thông quản lý. Đối với các doanh nghiệp cần chở hàng từ kho của mình, phải quán triệt chỉ được xếp đủ lượng hàng theo trọng tải của xe. Nếu quá tải xử phạt thật nặng. Có như vậy thì việc kiểm soát tải trọng xe mới có hiệu quả.

    Cùng chung quan điểm, Đại tá Trần Trọng Đạo thẳng thắn nhận xét: "việc kiểm soát tải trọng xe như hiện nay là kém hiệu quả, thậm chí là không hiệu quả. Mục đích của việc kiểm soát tải trọng xe là để xe quá tải trọng không phá đường, phá cầu. Nếu một xe quá tải trọng xuất bến từ cảng Hải Phòng, khi về đến địa phận tỉnh Hà Nam, dù lực lượng chức năng của tỉnh Hà Nam phát hiện vi phạm tải trọng, bắt buộc phải hạ tải thì chiếc xe đó đã kịp phá hỏng đoạn đường từ cảng Hải Phòng về đến địa phận Hà Nam. Do đó, việc kiểm soát tải trọng xe phải được làm từ "gốc", nghĩa là phải được kiểm soát tải trọng ngay tại các bến cảng, bến bãi. Giao nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe cho các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường như hiện nay là không hiệu quả".

    Để việc kiểm soát tải trọng xe được triệt để, nên chăng cần tiến hành đồng bộ các khâu từ nhập khẩu xe, đăng kiểm xe, các nguồn hàng, các chủ cảng, chủ mỏ, các chủ công trình đều phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát tải trọng xe. Ngoài ra, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy nếu chính quyền quyết tâm, tạo điều kiện cho lực lượng liên ngành kiểm soát tải trọng xe hoạt động thì địa phương đó làm rất hiệu quả.

    Thừa nhận mục tiêu hạ tải đối với các xe vi phạm vẫn chưa đạt được, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết: "đối với các tỉnh khó khăn trong công tác hạ tải xe vi phạm thì lập biên bản, xử lý vi phạm, buộc lái xe và chủ hàng viết cam kết không tái phạm. Nếu lần sau tiếp tục tái phạm thì kiên quyết xử lý. Việc áp dụng viết cam kết không vi phạm cũng được áp dụng đối với các xe tải chở hàng đông lạnh, chất lỏng vi phạm lần đầu". Ông Cường cũng lưu ý rằng, việc hạ tải và bảo quản hàng hóa là trách nhiệm của lái xe và chủ hàng.

     


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-bat-coc-bo-dia-tai-cac-tram-can-tai-trong-xe-a29543.html
    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Giới “xế” đường dài một thời “khiếp vía” vì những "chiêu" làm tiền trắng trợn của một số nhân viên Trạm cân tải trọng Dầu Giây (Trảng Bom, Đồng Nai). Câu hỏi đặt ra là, tiêu cực sẽ ở mức độ nào, khi các trạm cân lưu động (TCLĐ) được thiết lập đồng loạt trong phạm vi cả nước?

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Giới “xế” đường dài một thời “khiếp vía” vì những "chiêu" làm tiền trắng trợn của một số nhân viên Trạm cân tải trọng Dầu Giây (Trảng Bom, Đồng Nai). Câu hỏi đặt ra là, tiêu cực sẽ ở mức độ nào, khi các trạm cân lưu động (TCLĐ) được thiết lập đồng loạt trong phạm vi cả nước?