Hành trình tìm con của cha già
Chúng tôi gặp ông L.V.N. trong phiên toà xét xử bị cáo Sầm Văn Biên (37 tuổi) và Lang Thị Xuân (38 tuổi), cùng trú xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An về tội Mua bán người. Ông N. là bố của chị L.T.T, nạn nhân trong vụ án.
Ông N. cùng con dậy sớm bắt xe từ xã Quang Phong xuống TP.Vinh để tham dự phiên toà xét xử những kẻ nhẫn tâm bán con mình. Dáng người gầy còm, ông ngồi ở vị trí dành cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo tìm hiểu, gia đình ông N. có tất cả 4 người con. Cuộc sống nơi bản làng tuy khó khăn nhưng yên bình. Vì thương bố mẹ, nên chị T. xuống TP.Vinh để làm thêm, kiếm thêm thu nhập gửi về cho bố mẹ trang trải cuộc sống và nuôi em.
Năm 2014, chị T. đã gặp Sầm Văn Biên, người đồng hương. Người đàn ông này đã dụ dỗ chị T. sang miền đất hứa để làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Tuy nhiên, đối với chị L. số tiền lương chị làm thuê được ở Vinh cũng đủ sống và gửi cho gia đình nên không đồng ý. Chưa từ bỏ ý định, Biên liên tục gọi điện để đặt vấn đề đưa chị T. sang Trung Quốc. Lần này, Biên hứa sẽ trả cho chị T. 3 tháng lương với số tiền 50 triệu đồng và sau 3 tháng người phụ nữ này sẽ được về Việt Nam.
Thấy có số tiền lớn có thể gửi về cho gia đình, chị T. đã đồng ý theo Biên sang Trung Quốc. Người phụ nữ này không hề báo với gia đình mà theo Biên vượt biên. Chỉ khi được Xuân đón bán cho người đàn ông Trung Quốc chị T. mới biết mình bị lừa bán. Xuân bán chị T. cho một người đàn ông bản địa với giá 150 triệu đồng. Bán được T. Xuân nhờ người đưa về cho bố của chị T. 40 triệu đồng, Sầm Văn Biên hưởng lợi 40 triệu đồng. Sau khi trừ một số chi phí, Xuân đưa cho bố chồng khoảng 1 vạn nhân dân tệ và bản thân chưa được khoản tiền nào.
Làm vợ người đàn ông Trung Quốc khoảng 3 năm nhưng không có con, chị T. bỏ trốn về Việt Nam vào tháng 3/2017. Đến ngày 22/1/2021, nạn nhân đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của các đối tượng đến công an.
Theo ông N. ngày đó cứ nghĩ con xuống TP.Vinh để làm thuê. Nhưng nhiều tháng không thấy con về, gọi điện cũng không liên lạc được vợ chồng ông N. lo lắng lắm. “Vợ chồng chưa khi nào ra khỏi xã nên cũng không biết tìm con như thế nào. Không lâu sau đó, có nguồn tin nói rằng con gái tôi bị bán sang Trung Quốc. Vợ tôi sốc nặng đến mức lâm bệnh. Hai vợ chồng tôi bàn bạc bán con bò lấy tiền thuê người đi tìm con.
Vì không biết được đường đi nên ban đầu tôi thuê người tìm con gái ở khu vực gần cửa khẩu Móng Cái. Tuy nhiên, tìm nhiều ngày cũng không có kết quả. Nghĩ con gái đã bị đưa sang bên Trung Quốc tôi lại tìm người liên lạc nhờ những người quen bên Trung Quốc tìm con. Tuy nhiên, tìm mãi, tìm mãi, không có kết quả. Hết tiền, vợ chồng tôi đành chờ một phép màu đến với con mình”. Vì lo lắng cho con nên sức khoẻ ông N. cũng sa sút đi nhiều, người vợ cũng u sầu mà phát bệnh. Thi thoảng có người được giải cứu từ Trung Quốc về vợ chồng ông N. lại chạy đi hỏi tin tức.
Chuỗi ngày đen tối của thôn nữ
Về phần chị T. sau khi bị bán sang Trung Quốc được vài tháng thấy không mang được bầu nên gia đình chồng đưa đi khám. Vì mang bệnh nên thời điểm đó chị T. phải cắt bỏ buồng trứng nên người phụ nữ không thể sinh con.
Vì không sinh được con nên gia đình chồng bắt chị T. đi làm để trả số tiền mà họ đã bỏ ra mua. Cũng từ đó, cuộc sống của chị trở nên tăm tối hơn. Họ quản thúc chị T. rất chặt chẽ. Sáng có người chở chị T. đi làm công nhân ở nhà máy, chiều đến đón về.
Cuộc sống nơi xứ người họ không đánh đập nhưng cuộc sống không người thân thích, không biết tiếng bản địa, không tình yêu thương đối với chị nó giống như “địa ngục” vậy. "Tôi chỉ mong thời gian trôi qua nhanh sớm về được với gia đình. Vào tháng 3/2017, lợi dụng nhà chồng sơ hở tôi đã tìm cách trốn về Việt Nam. May mắn trên đường về có nhiều người thương cho tiền để tôi hồi hương”, chị T. nghẹn ngào nói.
Ngày thấy con trở về, vợ chồng ông N. như được sống thêm một lần nữa. Theo ông N. kể từ ngày con mất tích không đêm nào vợ chồng ông được ngon giấc. Có lẽ điều ông thấy phiền lòng nhất là chị T. không có khả năng làm mẹ nữa. Bây giờ vợ chồng ông chỉ mong T. tìm được người đàn ông yêu thương thật sự.
Tại phiên toà, ông N. và chị T. đều xin HĐXX giảm nhẹ tội cho hai bị cáo có cơ hội về chăm sóc con cái. Có lẽ chính sự bao dung của bị hại đã khiến cho phiên toà bớt đi sự căng thẳng, nặng nề hơn.
Bị cáo Biên và Xuân cũng cúi đầu xin lỗi bị hại và mong nhận được sự tha thứ. Hai bị cáo cũng xin HĐXX giảm nhẹ tội, để có cơ hội về với gia đình sớm.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Sầm Văn Biên 6 năm tù, bị cáo Lang Thị Xuân 5 năm tù về tội Mua bán người. Về phần dân sự buộc 2 bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại 60 triệu đồng, tiền tổn thất tinh thần.
Hà Thị Hằng
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 4 (Số 116)