Không còn là trẻ con, nhiều người phụ nữ nhẹ dạ cả tin vẫn bằng lòng để mẹ mìn “bắt đi” bán sang Trung Quốc. Họ tin vào lời đường mật sẽ lấy được chồng giàu và chiều vợ. Nhưng đời không như là mơ, nhiều người tan giấc mộng ôm tấm thân đầy thương tích tìm cách chạy trốn.
Vượt biên trái phép tìm chồng giàu
Sau nhiều lần nhắn tin nói chuyện với La Thị Hiền (SN 1994, trú tại bản Khe Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; hiện đang sinh sống tại Trung Quốc), chị La Thị T. (SN 1992, cùng ở bản Khe Bu) quyết định vượt biên sang Trung Quốc với mong muốn có cơ hội đổi đời. Trước đó, người phụ nữ này luôn phải sống trong cảnh bế tắc, cực khổ vì không có tiền nuôi con. Được Hiền động viên, rót vào tai những lời nói ngọt như mía lùi rằng sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống tốt hơn, được chồng yêu thương hơn, chị T. quyết định bỏ lại người thân ở quê nhà dứt áo ra đi.
Trong lúc tìm cách vượt biên, việc tìm chồng tốt, có điều kiện và yêu vợ, chị T. tin tưởng giao phó cho Hiền. Tất nhiên, Hiền nhận lời.
Theo hướng dẫn của Hiền, chị T. bắt xe khách ra TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ cần ra được tới đây, sẽ có người đưa T. sang Trung Quốc. Biết chị T. không có nổi 1 triệu đồng lận lưng làm lộ phí đi đường, Hiền đã nhanh nhẹn nhờ mẹ đẻ vay giúp bạn 1 triệu đồng. Hiền toan tính rõ ràng phải thả con săn sắt mới mong bắt được con cá rô.
Đúng như hướng dẫn của Hiền, khi vừa đến TP. Móng Cái, có 1 người phụ nữ tên Hồng (người Việt, sống ở Trung Quốc) được Hiền thuê với giá 2000 NDT di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam đón chị T. Sau đó, 2 người này men theo đường tiểu ngạch, vượt biên sang đất bạn thành công. Phải mất thêm một khoảng thời gian nữa đi xe khách, cuối cùng chị T. đã gặp được Hiền trong sự mừng mừng, tủi tủi.
Ở nơi đất khách quê người, bất đồng về ngôn ngữ, chị T. chẳng biết bấu víu vào ai ngoài người chị em cùng quê. Ngược lại, Hiền cũng hết sức ân cần, quan tâm chị T., thậm chí còn cho chị T. ở cùng nhà với vợ chồng Hiền trong thời gian tìm được chồng thích hợp.
Bị cáo La Thị Hiền tại phiên tòa phúc thẩm. |
Không phải đợi quá lâu, khoảng 15 ngày sau, Hiền bán chị T. cho 1 người đàn ông ở TP. Bắc Kinh làm vợ với giá 70.000 NDT (tương đương 240 triệu đồng). Kiếm được số tiền lớn, Hiền chia cho chị T. 30.000 NDT, còn lại là của Hiền.
Có lẽ lần đầu tiên trong đời nhận được số tiền lớn đến vậy, chị T. nhờ Hiền gửi về cho gia đình ở quê 15.000 NDT (tương đương 50 triệu đồng). Còn 15.000 NDT, chị T. nhờ Hiền cất giữ.
Tháng 5/2018, Hiền về Việt Nam, sinh sống tại bản Khe Bu. Hơn 1 năm sau, chị T. cũng quay về Việt Nam. Cho rằng cuộc hôn nhân không như là mơ, trái ngược hoàn toàn với những gì Hiền nói, chị T. làm đơn tố cáo Hiền ra cơ quan công an về hành vi mua bán người. Tại cơ quan công an, La Thị Hiền đã đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Với tội trạng rõ ràng, bị cáo La Thị Hiền đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 5 năm tù về tội Mua bán người. Khi bản án sơ thẩm còn chưa ráo mực, bị cáo Hiền nhanh chóng kháng cáo xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.
“Mẹ mìn” từng bỏ chồng sang Trung Quốc lấy chồng mới?
Phiên tòa phúc thẩm được TAND Cấp cao tại Hà Nội mở để xét kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo La Thị Hiền.
Lật lại hồ sơ mới hay, Hiền là người thuộc Bộ tộc Đan Lai. Bộ tộc này giờ chỉ còn khoảng hơn 3000 người, được chính phủ Việt Nam xếp vào dân tộc Thổ. Vừa học hết lớp 5, Hiền đã nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nương rẫy.
Khi vừa bước sang tuổi 17, Hiền kết hôn với 1 người đàn ông ở quê nhà hơn mình 5 tuổi và lần lượt cho ra đời những đứa con kháu khỉnh. Song gia đình nhỏ của Hiền nhanh chóng tan vỡ khi Hiền bỏ chồng con sang Trung Quốc lấy chồng mới. Qua 2 đời chồng, Hiền có 4 đứa con (con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2019).
Cũng chính vì lấy kinh nghiệm của bản thân, cho rằng lấy chồng Trung Quốc vừa có cuộc sống tốt hơn, vừa được chồng chiều hơn mà Hiền đã dụ dỗ chị T. sang vùng đất mới để đổi đời mà không hiểu rằng hành vi của mình là trái pháp luật.
Tòa phúc thẩm nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của người bị hại, gây tác hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống, phong tục tập quán Việt Nam, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Chỉ vì lợi ích cá nhân mà bị cáo Hiền coi thường pháp luật, lợi dụng sự nhẹ dạ và hoàn cảnh khó khăn của những người phụ nữ để đưa họ sang Trung Quốc bán nhằm thu lợi bất chính nên cần phải xử lý nghiêm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hiền không đưa ra được tình tiết gì mới. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng bị cáo phạm tội do lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế; bản thân bị cáo cũng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên quyết định phạt bị cáo 4 năm tù (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm) về tội Mua bán người.
Tư Viễn
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (96)