+Aa-
    Zalo

    Chứng kiến cha đánh mẹ, bé 15 tuổi gửi đơn tố cáo và cái kết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi nộp đơn tố cáo lên xã chuyện cha bạo hành mẹ, cậu bé Hoàng Nam 16 tuổi quyết định rời quê hương, gia đình để xuống Hà Nội sống một cuộc đời mới.

    Sau khi nộp đơn tố cáo lên xã chuyện cha bạo hành mẹ, cậu bé Hoàng Nam 16 tuổi quyết định rời quê hương, gia đình để xuống Hà Nội sống một cuộc đời mới.

    Nỗi căm phẫn người cha bạo hành

    Hoàng Nam (SN 2005), sinh ra và lớn lên tại huyện Vạn Hòa, tỉnh Lào Cai. Em có hoàn cảnh vô cùng éo le khi một mình vượt quãng đường hơn 300km xuống Hà Nội để sinh sống. Hiện tại, em đang ở trọ tại quận Cầu Giấy, TP. HN. Điều tuyệt vời hơn cả, bằng sự nỗ lực của bản thân, Hoàng Nam thi đỗ vào trường THPT Nhân Chính (quận Cầu Giấy, TP. HN ) với tổng số điểm là 45, đứng thứ ba toàn khối, đứng thứ nhất trong lớp.

    Từ nhỏ, Nam đã chứng kiến cảnh cha trút những trận đòn khủng khiếp lên tấm thân gầy gò của mẹ. Mẹ Nam sinh năm 1987, kết hôn từ năm 16 tuổi. Cha hơn mẹ 7 tuổi, khi không uống rượu, cha là người đàn ông điềm đạm, ít nóng giận, dáng vẻ nho nhã. Nhưng lúc chìm đắm trong cơn ma men, cha Nam biến thành một người khác, ông kiếm cớ đánh vợ không thương tiếc.

    Hoàng Nam từ nhỏ đã chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ, em và mẹ chịu quá nhiều tổn thương.

    Khắp người mẹ chằng chịt vết thương lớn nhỏ. Vết này chưa kịp lành thì vết thương khác lại đè lên. Nam và em gái chứng kiến nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của mẹ nhưng bất lực không biết làm thế nào. Nhiều lần, em can ngăn nhưng không có tác dụng, chỉ khiến cha thêm nổi nóng, đánh mẹ thậm tệ hơn.

    Em Hoàng Nam chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Khi cha đánh mẹ, hai bên nội ngoại không can ngăn gì. Bà nội không mắng cha, bà ngoại thì cho rằng con gái đi lấy chồng như bát nước hắt đi, bà chưa bao giờ khuyên mẹ bỏ cha. Còn hàng xóm xung quanh thờ ơ, cho rằng đó là chuyện riêng mỗi gia đình, nên đóng cửa bảo nhau”.

    “Từ khi em lên 6 tuổi, mùa màng thất thoát, gia đình nợ nần chồng chất. Cha bắt đầu uống rượu rồi dẫn đến nghiện rượu. Đã nhiều lần hai cha con thẳng thắn chia sẻ với nhau. Em tâm sự với cha về ước mơ, hoài bão, về mong muốn đối với gia đình. Em cố ý nhấn mạnh nghĩa vụ vợ chồng và sự bình đẳng trong hôn nhân. Có khi cha cảm thông, có khi bảo em láo, đi học được dăm ba kiến thức đã đem về lên mặt dạy đời”, Hoàng Nam buồn bã chia sẻ.

    Nói về một ký ức buồn, Nam cho hay em chưa bao giờ quên cảnh cha rượt đánh mẹ, lúc đó mẹ Nam đang bầu tháng thứ 6. Nếu em không về kịp thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Những trận đòn “thừa sống thiếu chết” diễn ra như cơm bữa nhưng mẹ em vẫn cam chịu, nhịn nhục. Mẹ em sợ xấu hổ, mất mặt với gia đình, hàng xóm nên chỉ biết cắn răng chịu. Đối với mẹ em, cảm giác đau đớn cơ thể dường như không còn nữa, chỉ có nỗi đau tinh thần là chẳng bao giờ nguôi ngoai.

    Khi “giọt nước tràn ly”

    Vào một buổi tối cuối tuần, cách đây hơn 3 tháng, cha tức giận chuyện vặt với bác trưởng thôn nên lại uống rượu. Mẹ em liền khuyên ngăn đôi lời, vậy là cha tức tối úp hẳn đĩa rau lên đầu mẹ, dùng cây chắn cửa đánh tới tấp. Mẹ hoảng hốt, chỉ biết ôm mặt xin lỗi. Nam càng can thì cha càng đánh mạnh.

    Sáng hôm sau, Nam viết một lá đơn tố cáo người cha bạo hành gửi lên UBND xã rồi em trốn học. Cha bị mời ra xã làm việc trong chiều hôm đó. Bà nội thấy vậy đã sang mắng em là đồ bất hiếu, chửi mẹ Nam không biết dạy con, đánh đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà.

    Cuộc sống sinh hoạt trên Hà Nội của em và các bạn. (Ảnh: NVCC)

    Nam và mẹ sang nhà ngoại, bà ngoại cũng như bà nội, mắng em và mẹ y như vậy. Nam thổn thức chia sẻ: "Bà ngoại bảo em rằng nếu cha có đánh mẹ thì cháu cũng chỉ có thể xoa thuốc, an ủi mẹ thôi. Không được phản kháng như vậy". Trong mắt gia đình bên ngoại, cha Nam là rể thảo, bà ngoại nghĩ mẹ phải như nào thì mới đánh như vậy. Ngay cả mẹ - nạn nhân bị bảo hành cũng gào lên với Nam: “Tại sao con làm như vậy? Mẹ đâu mượn con? Do con mà hai bên nội ngoại đều mắng mẹ đó”. Rồi mẹ đưa Nam về nhà và đi bảo lãnh cho cha.

    Vừa về, cha xông thẳng vào nhà tát em, cha quát mắng thậm tệ, vừa nói vừa vứt đồ em ra ngoài, xé tan sách vở. Mẹ quỳ xuống xin, cha liền tát mẹ ngã dúi. Bà nội thì im lặng, mẹ thì khóc lóc, cha thì vẫn tiếp tục xé sách vở.

    Lúc ấy, Nam vừa giận vừa uất ức nên đã gào lên: "Con đang bảo vệ mẹ, tại sao mẹ lại mắng con? Những gì con làm là sai hả mẹ?". Sau trận cãi vã ấy, Nam bỏ học, sang nhà bạn ở. Sau đó, em xuống TP. HN ở trọ cùng các bạn. Hiện tại, mỗi tối, Nam làm thêm ở quán ốc, quán nhậu; riêng thứ 7 và Chủ Nhật thì làm thêm cả ở quán cơm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Em từ chối nhận tiền mẹ gửi lên. Cũng hơn 3 tháng nay, em không nói chuyện với cha.

    Mới 15 tuổi nhưng Hoàng Nam chững chạc, chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Em dám đứng lên tố cáo nạn bạo hành gia đình. Tuy nhiên, vì tuổi còn nhỏ, không được sự giúp đỡ của mọi người xung quanh nên em chưa tìm được cách giải quyết triệt để. Vấn nạn bạo hành gia đình là nỗi lo thường trực, có thể ập tới trong mỗi gia đình.

    Ứng Hà Chi
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-kien-cha-danh-me-be-15-tuoi-gui-don-to-cao-va-cai-ket-a346271.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan