+Aa-
    Zalo

    Chứng khoán Rồng Việt mua lại trái phiếu sau 2 tháng phát hành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lô trái phiếu 200 tỷ đồng mới được Chứng khoán Rồng Việt phát hành hồi tháng 9 vừa qua. Chỉ 2 tháng sau, VDSC đã chi 150 tỷ đồng để mua lại trước hạn.

    Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từ ngày 15 đến 22/11 đã thực hiện 4 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng trị giá gần 180 tỷ đồng.

    chung khoan rong viet gap rut mua lai trai phieu sau 2 thang phat hanh dspl
    Ảnh minh họa.

    Đáng chú ý trong 4 đợt mua lại trái phiếu của Chứng khoán Rồng Việt là việc chi ra 150 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu mới phát hành hồi tháng 9 vừa qua.

    Đây là lô trái phiếu trị giá 200 tỷ được VDSC phát hành thành công ngày 15/9/2022. Đợt phát hành này thuộc phương án phát hành riêng lẻ 1.200 tỷ đồng trái phiếu của Chứng khoán Rồng Việt nhằm phục vụ cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất nắm giữ đến đáo hạn là 9,3%/năm, nếu mua lại trước hạn thì lãi suất không quá 8,6%/năm.

    Cũng trong tháng 9/2022, Chứng khoán Rồng Việt đã thông báo hoàn tất tăng vốn từ 1.050,1 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ 52,5 triệu cổ phiếu mới chào bán cho cổ đông hiện hữu đã phân phối được hơn 51,1 triệu cổ phiếu cho 2.489 cổ đông. Tỷ lệ chào bán thành công đạt 97,24%. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ cổ đông tham gia đợt phát hành chỉ xấp xỉ 55,3% khi chỉ có hơn 2.850/5.176 cổ đông mua cổ phiếu mới.

    Gần 1,45 triệu cổ phiếu còn lại đã được chào bán cho 4 nhà đầu tư. Riêng số lượng cổ phiếu trên sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Tổng cộng, Chứng khoán Rồng Việt thu về 575,8 tỷ đồng từ đợt phát hành.

    Cùng phương án phát hành trên, VDSC còn chào bán cổ phiếu cho nhân viên theo chương trình ESOP cho 130 nhân sự cũng với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu/ Công ty chứng khoán này thu về 50,45 tỷ đồng từ việc phân phối cổ phiếu ESOP cho CBCNV.

    Ngoài ra, VDSC phát hành 105,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35% và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.

    Tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty đã tăng lên 210 triệu đơn vị, tương đương quy mô vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng.

    Theo cơ cấu sở hữu được công bố, số lượng cổ đông VDSC hiện đã tăng lên 5.237 người. Trong đó, bốn cổ đông lớn sở hữu 62,22% vốn. Đây đều là các cá nhân và 2/4 người là người nội bộ của VDSC. Ông Nguyễn Miên Tuấn – Chủ tịch HĐQT cũng là cổ đông lớn nhất đang sở hữu gầng 36,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,4% vốn, nhỉnh nhẹ so với tỷ lệ 17,3% thời điểm trước phát hành. Bà Phạm Mỹ Linh – thành viên HĐQT sở hữu 11,65% vốn sau phát hành. Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp  và ông Nguyễn Xuân Đô là hai cổ đông lớn, cùng nắm giữ 16,58% vốn VDSC.

    Nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu cổ đông. Công ty chỉ có hơn 70 cổ đông tổ chức, sở hữu 1,43% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VDSC cũng khá khiêm tốn, đạt 1,52%.

    Theo Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Chứng khoán Rồng Việt, doanh thu hoạt động đạt 186 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu hoạt động tự doanh sụt giảm.

    Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 20 tỷ đồng; giảm 63% so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong cơ cấu doanh thu, thu từ môi giới chứng khoán giảm 21% còn 62 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động cho vay (margin và ứng trước) ghi nhận doanh thu tăng 8% lên mức 84 tỷ đồng.

    Trái ngược với đà giảm doanh thu, chi phí hoạt động lại gia tăng gần 20% đạt mức 133 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lỗ tài sản FVTPL ghi nhận tăng mạnh 145% lên hơn 27 tỷ đồng chủ yếu do cắt lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL tới gần 21 tỷ đồng.

    Thêm vào đó, chi phí tài chính VDSC trong quý 3 gấp 10 lần cùng kỳ đạt 3 tỷ đồng; chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng mạnh hơn 37% lên mức 33 tỷ đồng.

    Kết quả, VDSC báo lãi trước thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm gần 73%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 24 tỷ đồng; giảm tới 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Theo giải trình, công ty cho biết LNST quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ do những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt trong kỳ. VN-Index kết thúc quý 3 giảm 24,51% so với cuối 2021, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới của công ty.

    Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VDSC thu về gần 625 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 15% cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế ghi nhận con số âm lần lượt là 111 tỷ đồng và 105 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn. Sự sụt giảm này chủ yếu do khoản lỗ kỷ lục gần 280 tỷ đồng trước thuế trong quý 2/2022.

    Dư nợ cho vay margin của VDSC tại thời điểm 30/9/2022 đạt 2.765 tỷ đồng xét theo giá trị hợp lý, tăng 26% so với thời điểm đầu năm.

    Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VDSC đã tăng 24% so với đầu năm lên gần 4.990 tỷ đồng. Trong đó, các khoản FVTPL có giá trị hợp lý gần 955 tỷ đồng tăng 64% so với đầu năm chủ yếu do sở hữu mới 104 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Đồng thời, khoản đầu tư trái phiếu cũng tăng nhẹ 13% lên hơn 278 tỷ đồng, trong đó trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng 97%.

    Đáng chú ý, danh mục cổ phiếu của VDSC có giá trị ghi sổ khoảng 800 tỷ đồng với những cổ phiếu niêm yết có tỷ trọng lớn nhất trọng danh mục bao gồm: DBC, TCB, CTG, HPG, ACB, HSG,…Công ty đang tạm ghi lỗ đầu tư cổ phiếu hơn 227 tỷ đồng tại thời điểm 30/9 với 224 tỷ đồng tạm lỗ từ các cổ phiếu niêm yết.

    Năm 2022, VDSC lên kế hoạch tổng doanh thu 1.194 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 504 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, công ty thực hiện hơn 52% mục tiêu doanh thu và chưa có lãi.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-khoan-rong-viet-gap-rut-mua-lai-trai-phieu-sau-2-thang-phat-hanh-a558352.html
    Bộ Tài chính họp bàn về trái phiếu doanh nghiệp: Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ

    Bộ Tài chính họp bàn về trái phiếu doanh nghiệp: Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ

    Trước những diễn biến của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lúc cả nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn giải pháp và cùng giúp nhau vượt qua; phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ Tài chính họp bàn về trái phiếu doanh nghiệp: Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ

    Bộ Tài chính họp bàn về trái phiếu doanh nghiệp: Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ

    Trước những diễn biến của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lúc cả nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn giải pháp và cùng giúp nhau vượt qua; phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại.