Cô Bùi Thị Dung, 15 năm trước mắc bệnh tiểu đường và từng bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, vẫn sống khỏe mạnh suốt 10 năm nay nhờ luyện yoga kết hợp với khí công.
Đến giữa phố Bùi Ngọc Dương rẽ vào một ngõ nhỏ, dẫn vào một khu tập thể cũ. Khi tôi đến, cô Dung đang ngồi cắt vải. Căn nhà cấp bốn rộng chưa đến 20m2, một gác xép áp mái. Phía trên, tán phượng vĩ cao tỏa rộng che nắng. Trước nhà, một vài lồng chim, lanh lảnh tiếng hót.
Cô Bạch Thị Dung sinh năm 1962, vóc dáng bé nhỏ. Cô chia sẻ, có lẽ vì thấy con nhỏ quá nên bố mẹ cô hướng cho cái nghề phù hợp là may vá, với mong muốn cuộc sống của con không quá nặng nhọc. Gần 30 năm cô làm nghề may, hai vợ chồng cô sống giản dị bằng đồng lương chắt chiu của chồng và thu nhập ít ỏi của vợ. Dù vậy, cô luôn hài lòng với cuộc sống đó.
Cho đến một ngày, cô phải nhập viện vì dấu hiệu bất thường ở vùng bụng.
"Tôi vẫn nhớ đó là những ngày mùa đông cuối năm 2006, đầu 2007, tôi đau quặn ruột đến mức không chịu được và chồng phải đưa đi cấp cứu. Lên bệnh viện, người ta bảo: Sao ở ngay Hà Nội mà để tình trạng ung thư đến giai đoạn cuối thế này?
Thứ Hai tôi phát hiện ra bệnh thì thứ Ba làm bệnh án, thứ Tư rửa ruột và thứ Năm tôi lên bàn mổ luôn. Cắt 35cm đại tràng, rồi phải truyền hóa chất liên tục 6 tháng.
Khi ấy, tôi đã bị đái tháo đường (từ năm 2002 - pv) và chỉ số đường huyết thường lên đến hơn 10 mmol/L, cơ thể rất dễ bị bệnh xâm hại. Nằm liệt ở nhà một tuần, các bác sĩ phải đến tận nhà để thay băng.
Miệng nóng lở loét, tôi không muốn ăn và cảm thấy cuộc sống của mình có lẽ đến đây là chấm hết. Thực sự đau đớn và kiệt sức đến mức thở cũng khó…", cô Bạch Thị Dung nhớ lại.
Với ông Phạm Quang Đường, quãng thời gian dài đau đớn của hơn 10 năm về trước khi vợ mắc ung thư ông nhớ đến từng chi tiết.
"Buổi sáng lên bệnh viện K khám thì được vài hôm thì mổ luôn. Người ta bảo ung thư giai đoạn cuối, thương vợ lắm, nhưng vẫn phải tỏ ra bình thường. Khi ấy Dung có 27 cân, da bọc xương. Tôi lên gặp bác sĩ hỏi về chế độ ăn, luyện tập. 6 tháng truyền hóa chất, không lúc nào rời vợ vì mình biết lúc ấy là vợ cần mình nhất. Người thiên hạ nói như thế nào, mình cũng không quan tâm."
Dốc những đồng lương ít ỏi của mình, ông Đường vay mượn thêm đưa vợ vào Sài Gòn thăm chị gái cho khuây khỏa. Khi ấy hai vợ chồng cũng xác định sau chuyến đoàn tụ sẽ về chụp ảnh thờ chuẩn bị cho chuyện xấu nhất.
Mớ tóc giả là món quà kỷ niệm chị gái tặng để che đi cái đầu trọc do truyền hóa chất, cô Dung đã định chôn nó cùng với mình khi nằm xuống…
Mớ tóc giả kỉ niệm của người chị, cô Dung vẫn cất giữ cẩn thận. |
Nhà cô Dung khi ấy chỉ trông chờ vào lương công chức vài triệu của ông Đường để lo cho tiền học của con, tiền thuốc thang chữa bệnh, nên không có điều kiện mua các món bổ dưỡng, đắt tiền khi hóa trị.
Thương vợ, nhiều ngày liền ông Đường vào các hiệu sách để tìm hiểu về các món ăn giúp tăng hồng cầu, bạch cầu cho bệnh nhân truyền hóa chất. Mỗi sáng, ông lại dậy thật sớm để mua được những loại rau củ tươi nhất về nấu cháo cho vợ.
Ông Đường chia sẻ về công thức nấu ăn của mình: "Nấu cháo cho cà rốt, khoai tây, súp lơ xanh, bắp cải với thịt bò. Tôi xay hết tất cả cháo với rau củ quả lên thành cháo rồi đun sôi lên cho thịt bò vào luôn ăn để tăng hồng cầu. Còn bạch cầu tôi cũng nấu cháo đủ các loại hoa quả, rồi mua trai, hến về luộc lên lấy nước với cháo để tăng bạch cầu…"
Mỗi hôm 1 phích cháo nóng sẵn đặt cạnh giường, ông Đường dặn dò vợ khi ông đi làm về là phải ăn hết số ấy. 6 tháng truyền hóa chất, lượng hồng cầu, bạch cầu của cô Dung luôn ổn định nhờ món cháo giản dị của người chồng nghèo.
Cô tâm sự: "Mình chết thì dễ nhưng phụ công ơn của chồng quá. Mình chết thì mình không biết gì, nhưng chồng con sẽ sống trong nỗi đau khó có thể bù đắp được. Nghĩ như thế nên tôi đã tập thở, dùng hết năng lượng của mình thở đều đặn, thở sâu để lấy lại hơi.
Tóc lúc ấy cũng rụng hết, chân tay cảm thấy không có sức lực nhưng trong tận sâu con người tôi, có một giọng nói trừu tượng nào đó nói rằng tôi sẽ sống, tôi sẽ khỏe lại.."
Hai vợ chồng cô Dung tình cảm ngồi cùng nhau. |
Cuối cùng 6 tháng truyền hóa chất cũng vượt qua được. Mỗi sáng, khi chồng đi làm, con đi học, cô Dung lại đội mớ tóc giả đi ra phố, nhìn ngắm cuộc sống. Đó cũng là những ngày cô tìm được ánh sáng của cuộc đời mình: khí công.
Một ngày đầu thu, tôi đi dạo ra công viên Thanh Nhàn thì gặp đúng lớp khai giảng khí công của thầy Võ Văn Thắng, là GS.TS của bệnh viện Thanh Nhàn. Tôi mới đến gặp thầy để hỏi xem mình có học được khí công không. Thầy nhìn tôi ái ngại rồi bảo: Em tập được, nhưng chỉ tập những tư thế để thở thôi.
Tôi bắt đầu rèn luyện với bài thở "Tiên chu thiên", lấy ý dẫn khí. Lúc đó cơ thể tôi đang có độc tố rất nhiều, mình phải dùng khí để đưa khí đó đến vùng bệnh và đẩy khí độc ra ngoài.
Tôi miệt mài tập thở những bài khí công được 3 năm thì thấy tóc mình mọc tốt trở lại, bụng không còn đau nữa và đi lại thoải mái…"
Sau 3 năm kiên trì với khí công, cơ thể của cô Dung đã dần phục hồi, ít cần sự hỗ trợ của chồng trong các sinh hoạt bình thường, nhưng cô vẫn chưa trở lại với công việc may vá được.
"Nhìn anh Đường gầy hẳn đi vì vợ con, tôi thương lắm. Gia đình nghèo, nhà khi ấy chỉ là bức vách ngăn từ chỗ trông xe của phường, con thì ăn uống thiếu thốn, gia cảnh nợ nần mà mình thì bất lực..."
Cô kể tiếp: "Tôi xem trên vô tuyến, đọc sách để tự tìm ra cách cứu mình, cứu lấy gia đình mình nhưng hầu hết những câu chuyện về ung thư khi ấy chỉ gắn liền với cái chết hoặc may mắn thì sống được dăm ba năm.
Không nản, vì mình dù sao cũng đến đường cùng rồi.
Tôi bắt đầu tập theo các bài hướng dẫn Yoga trên ti-vi một cách vô thức… Yoga kết hợp với khí công, tôi thấy sức lực mình cứ lên dần, lên dần…"
Sự kiên trì, bền bỉ của cô thợ may nghèo cuối cùng cũng được đền đáp. Sau 6 tháng tập Yoga kết hợp khí công, cô đã bỏ hẳn được bộ tóc giả, cơ thể bắt đầu tăng cân trở lại, da dẻ hồng hào hơn.
Cô bắt đầu trở lại bệnh viện K khu vực của các bệnh nhân hóa trị, nhưng không phải để chữa bệnh, mà để nói chuyện, chia sẻ về cách mình ăn uống, luyện tập để tăng hồng cầu, bạch cầu, giúp những bệnh nhân gần khu vực mình sinh sống. Lúc ấy, cô vẫn không tin mình sẽ được sống lâu, mà chỉ nghĩ rằng mình sống được ngày nào là tốt ngày ấy, nên làm được những điều gì tốt nhất cho những người cảnh ngộ thì đều cố gắng.
Lớp yoga của cô Dung. |
Miệt mài với Yoga kết hợp khí công, ngày ngày khi chồng con đã ngủ, cô Dung vẫn thức và ngồi thiền. Qua tiếp một năm tập luyện, Yoga và khí công đã ngấm vào máu, nuôi dưỡng nghị lực của cô thợ may nghèo khó.
Từ câu chuyện cảm động của Dung, nhiều người quen giới thiệu cô đến dự lớp đào tào giáo viên Yoga để chia sẻ về câu chuyện của đời mình. Và rồi chỉ cần sau một khóa được đào tạo Yoga bài bản trong 1 tháng, cô Dung đã được cấp bằng, có thể đứng lớp dạy Yoga. Khi đó là năm 2013.
"Đến thời điểm đó, cơ thể tôi ổn định gần như người bình thường. Kết quả xét nghiệm an toàn ung thư CFA là từ 0 đến 0,5 thì tôi chỉ dao động ở mức 0 cho đến 0,1 rồi đến 0,2. Đường huyết cũng thường chỉ hơn 5 đến 6 mmol/L".
Đến thời điểm hiện tại, cô Dung không chỉ hoàn toàn trở lại cuộc sống như một người phụ nữ trung niên bình thường, mà còn là người truyền cảm hứng cho nhiều lớp Yoga ở Hà Nội, hỗ trợ nhiều học viên điều trị các bệnh mãn tính thông qua tập luyện Yoga.
Trên khoảng sân lộng gió của tầng 25 toàn nhà 101 Láng Hạ, mặt trời dần tắt. Tôi đưa mắt nhìn về phía Bắc, hồ Ngọc Khánh bên tòa nhà VTV, hồ Thành Công suýt bị "lấp đi đào lại", hồ Hoàng Cầu có con đường sắt trên cao lượn qua. Những lá phổi xanh bé nhỏ của Hà Nội bé như bàn tay, như bị bóp nghẹt bởi những hình khối bê tông đô thị gồ ghề, hỗn độn. Với cô Bạch Thị Dung, căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối từng giống như thế - như những khối bê tông xù xì, nảy nở, xâm lấn, bóp nghẹt nguồn sinh khí của cơ thể. Vậy mà giờ đây, mỗi lần thể hiện động tác cho chúng tôi xem, hơi thở vào của cô rất sâu - sâu tới từng tế bào, hơi thở ra rất mạnh - mạnh mà lại rất êm. Nội lực ấy không thể có trong cơ thể của một người ốm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần, và cô Dung có được điều đó chính nhờ quá trình tập luyện yoga kết hợp với khí công bền bỉ, say mê. |