Trong phiên giao dịch ngày 27/12, mã cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô ghi nhận mức giảm 1.100đ/cổ phiếu, tương đương mức giảm 3,83% so với phiên liền trước, đóng cửa ở mức giá 27.600đ/cổ phiếu.
Mức giảm của HDG khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô Nguyễn Trọng Thông bị “thổi bay” hơn trăm tỷ đồng.
Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, khối tài sản của doanh nhân 70 tuổi ghi nhận mức giảm hơn 107 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch 27/12, khối tài sản của ông Thông giảm còn 2.686 tỷ đồng.
Cổ phiếu HDG có phiên giảm mạnh sau khi hàng loạt sai phạm trong phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại thông báo kết luận thanh tra quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong đó, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng có tên trong danh sách này với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 (xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, theo thông tin trên chuyên trang Vietnam Daily.
Theo tạp chí Năng lượng Việt Nam, Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 được khởi công vào tháng 3/2019, trên diện tích 58,1ha, công suất 48 MWp với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 đã được hòa lưới phát điện ngày 31/5/2019 và chính thức vận hành thương mại ngày 4/6/2019.
Theo giới thiệu của Tập đoàn Hà Đô, trong giai đoạn trước đây, nguồn thu chủ yếu của Hà Đô đến từ mảng bất động sản, thì trong những năm gần đây mảng năng lượng liên tục tăng trưởng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu doanh thu của Hà Đô. Đến năm 2022, doanh thu từ mảng điện đã chính thức vượt doanh thu của mảng bất động sản.
Trong làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo, Hà Đô cũng tham gia với 2 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió.
3 nhà máy năng lượng tái tạo của Hà Đô đang vận hành bao gồm: Nhà máy điện gió 7A tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.875 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước tại xã Phước Thái, Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, có công suất 48 MWp, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ, trong 3 năm tới, Hà Đô sẽ tiếp tục chiến lược phát triển 3 ngành nghề mũi nhọn là đầu tư bất động sản, năng lượng và xây lắp.
Về mảng năng lượng, công ty cho biết sẽ dành nguồn lực ưu tiên tìm kiếm phát triển thêm các năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hoà.
Vân Anh (T/h)