"Các DN trong nước không còn nhiều thời gian, nếu “lình xình” như hiện nay thì sẽ thua trắng trên sân nhà vì theo cam kết, đến ngày 1/1/2016, hàng rào kỹ thuật sẽ bị dỡ bỏ, hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói tại buổi tiếp xúc các doanh nghiệp (DN) TP.HCM ngày 28/6.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các doanh nghiệp TPHCM. |
Xe đạp đụng… xe hơi
Tại buổi tiếp xúc, DN thừa nhận nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may chiếm đến 70\%, trong đó 30\% nhập khẩu từ Trung Quốc. Một khi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và áp dụng, các DN trong nước sẽ gặp nhiều bất lợi.
Bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí – điện TP.HCM kiến nghị nhà nước có chính sách đặc biệt để hình thành và phát triển các khu công nghiệp phụ trợ (CNPT) tập trung, đồng thời lập hàng rào kỹ thuật ngăn chặn hàng Trung Quốc trôi nổi, kém chất lượng vào Việt Nam.
Ông Hàng Vay Chi, chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 11 ví von: “Lấy xe đạp đụng xe hơi thì chúng ta thua chắc”. Ông Chi dẫn chứng: Lãi suất cho vay đối với các DN nhỏ và vừa luôn cao hơn so với DN lớn từ 1-3\%, DN nhỏ và vừa chỉ được ngân hàng chấp nhận tài sản thế chấp là nhà xưởng, còn máy móc thiết bị và sản phẩm làm ra thì rất khó.
Theo phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, các DN FDI thực chất cũng là DN Việt Nam nên cần được đối xử bình đẳng. Sự tham gia của DN FDI cũng “giống như sử dụng ngoại binh trong bóng đá”, có vai trò thúc đẩy các DN trong nước phấn đấu để vươn lên. Việc sử dụng hàng rào kỹ thuật là không nên vì sẽ cản trở chính các DN trong nước. TPHCM đang có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển ngành CNPT.
Lình xình là thua
Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các DN trong nước không còn nhiều thời gian, nếu “lình xình” như hiện nay thì sẽ thua trắng trên sân nhà vì theo cam kết, đến ngày 1/1/2016, hàng rào kỹ thuật sẽ bị dỡ bỏ, hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập.
“Ngồi họp nghe chính sách thấy sướng lắm. Nhưng tôi đi kiểm tra ở Tây Ninh, Nam Định, chỉ thấy DN FDI ồ ạt đầu tư vào CNPT các ngành dệt may, giày da,… còn ở Vĩnh Phúc chỉ có 3/32 là DN Việt Nam, còn lại là DN vốn FDI. Hàng dệt may nếu sản xuất được nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng tới 10\%. Thay vì mình được hưởng thì lại chuyển cho nước ngoài vì mình chưa có CNPT. Nguyên phụ liệu còn nhập khẩu thì sản xuất chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp. Ngành dệt may tạo ra việc làm trực tiếp cho khoảng 6 triệu lao động, nếu phát triển CNPT, số việc làm tạo ra gấp 2-3 lần” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước thẳng thắn: Hiện nay có tình trạng họp thì cứ vuốt ve nhau. Nguy hiểm lắm. Để phát triển CNPT cho ngành dệt may, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, hy sinh một số lĩnh vực. CNPT của Việt Nam mới đạt 10\%, trong khi nhóm đầu của khối ASEAN, nước thấp nhất đạt 40 -60\% nên họ xuất siêu liên tục. “Phải đến các DN FDI tìm hiểu vì sao họ làm được CNPT, mình lại không? Tôi đề nghị lãnh đạo địa phương mời các DN giỏi nhất để tham vấn. Ngày trước, cụ Nguyễn Văn Linh (cố Tổng Bí thư), anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mỗi khi gặp khó trong lĩnh vực nào thì lại mời DN làm ăn giỏi nhất lĩnh vực đó. Họ xuất sắc, nổi trội nên đề xuất nhiều kế sách hay lắm” – Chủ tịch nước nói.