+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Hòa Phát: Ngành thép xấu hơn cả dự đoán, đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 5%

    (ĐS&PL) - Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện trong năm ngoái. Ông Trần Đình Long kỳ vọng đầu tư công thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và bất động sản phục hồi, từ đó, giúp tiêu thụ thép đi lên

    Báo Kinh tế đô thị đưa tin, ngày 30/3, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023. Tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19, nền kinh tế thế giới lại phải đối phó với nhiều sóng gió "hậu COVID" như: Khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt, tín dụng thắt chặt.

    dai hoi co dong hp 2 16801530543191357493720
    Đại hội cổ đông thường niên 2023 Tập đoàn Hòa Phát tổ chức sáng 30/3. (Ảnh: Hòa Phát)

    Theo đó, kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái, từ mức tăng trưởng 5,5% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022. Với Việt Nam tiếp tục là số ít quốc gia có điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế GDP 8,2% so với năm trước, lạm phát ở mức 3,15%.

    Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với ngành thép Việt Nam khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên trong khi nhu cầu sụt giảm mạnh. Tổng sản lượng thép thành phẩm đạt 29,3 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% trong đó xuất khẩu các loại thép đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

    Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát chỉ ra 4 "sóng gió" liên tiếp ập đến ngành sản xuất thép trong năm vừa qua. Thứ nhất, diễn biến đầu năm nóng, nguội dần và đóng băng cuối năm của ngành bất động sản là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về tiệu thụ và giá bán thép xây dựng khiến doanh thu thép giảm dần trong năm 2022.

    Thứ 2, giá nguyên liệu chính leo dốc đột biến do khủng hoảng từ xung đột địa chính trị, cộng hưởng với sức tiêu thụ chậm và giá bán thấp do nhu cầu yếu, khiến giá vốn bán hàng chịu nhiều áp lực.

    "Khủng hoảng từ chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá than luyện cốc, một trong hai nguyên liệu chính của luyện thép bằng lo cao lên gấp 3 lần thông thường vào hai đợt đỉnh điểm tháng 3, 5/2022, vẫn duy trì cao hơn mức giá năm 2021 khoảng 1,5 lần trong suốt năm vừa qua" - ông Nguyễn Việt Thắng thông tin.

    Thứ 3, giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đột ngột đảo chiều hạ sâu vào cuối năm. Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu vay, Hoà Phát luôn phải trả nguyên tệ USD ròng, dẫn đến chi phí tài chính liên quan rủi ro tỷ giá tăng cao. Tổng kết năm 2022, lỗ ròng tỷ giá (chênh lệch lãi và lỗ) là 1.858 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với 2021.

    Thứ 4, lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Trong năm 2022, FED đã có 7 lần liên tiếp nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát tại Mỹ, đưa lên cao nhất trong 15 năm kể từ 2007 trở lại đây. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nước ta được thực hiện với độ trễ khá dài khi duy trì lãi suất VNĐ ở mức "dễ chịu" trong 6 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu tăng đà mạnh nửa cuối năm 2022 (hết năm, chí phí lãi vay là 3.084 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với 2021).

    Không chia cổ tức, dồn lực cho dự án Dung Quất 2

    Thông tin trên Báo Thanh niên, ông Trần Đình Long chia sẻ, dựa vào kết quả kinh doanh như năm 2022, HĐQT đề xuất không chia cổ tức 2022 vì "nhu cầu vốn năm 2023 và các năm sau rất lớn. Do đó phải tập trung toàn lực cho dự án nên quyết định không chia cổ tức tiền mặt. Một lý do nữa ông Long thừa nhận "không có nguồn để chia".

    Lãnh đạo tập đoàn cho biết: Từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực... Tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép này ra thế giới.

    Cũng trong năm nay, tập đoàn sẽ dồn nguồn lực thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào quý I/2025, nâng công suất thép thô của Hòa Phát lên hơn 14 triệu tấn/năm. Khi Dung Quất 2 hoàn thành, quy mô doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng thêm 80.000 - 100.000 tỉ đồng mỗi năm so với hiện nay.

    Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp (KCN) đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 - 6 khu nữa. Đến năm 2030 sẽ có 10 KCN, bao gồm cả các KCN hiện nay đang có. Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

    Sang năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện trong năm ngoái. Ông Trần Đình Long kỳ vọng đầu tư công thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và bất động sản phục hồi, từ đó, giúp tiêu thụ thép đi lên.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-hoa-phat-nganh-thep-xau-hon-ca-du-doan-se-don-luc-cho-du-an-dung-quat-2-a570568.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan