Chọn người kế tục: Kế thừa hay đột phá?
Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Chào ông, tôi rất vui vì được trò chuyện với ông vào thời điểm Hòa Bình đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ người lãnh đạo. Vừa là “sếp” vừa là cha, ông có kỳ vọng như thế nào về con trai của mình?
Ông Lê Viết Hải: Việc bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch là để nâng cao hơn vai trò của Lê Viết Hiếu trong công ty. Trong tương lai khi tôi không làm nữa, Hiếu không chỉ là người điều hành mà Hiếu cần phải là người hoạch định chiến lược cho công ty.
Hiện nay, Hòa Bình đang mở rộng thị trường ra các nước khác nên rất cần những người có khả năng hoạch định và có quyền ra quyết định tham gia vào HĐQT. Và cũng cần khẳng định đây là mũi nhọn chiến lược mà HĐQT quan tâm và mong muốn Hiếu phụ trách.
ĐS&PL:Giữa ông và người kế nhiệm trong tương lai, tư duy lãnh đạo và phong cách quản trị có sự khác biệt như thế nào?
Ông Lê Viết Hải: Tôi quản lý công ty theo văn hoá của Hoà Bình lâu nay, đặt nặng về cái “tình” trong nội bộ cũng như với đối tác bên ngoài. Niềm tin là yếu tố chi phối nhiều đến mọi quyết định của tôi.
Nhưng ở Hiếu, bên cạnh sự tin tưởng, trong việc đưa ra quyết cần dựa trên các phân tích định tính, theo lý trí nhiều hơn. Dù vậy, về những giá trị chung của Tập đoàn, hoài bão sứ mệnh, triết lý kinh doanh thì Hiếu vẫn hết mực tôn trọng.
"Hòa Bình phải chạy thật nhanh"
ĐS&PL: Ông nhiều lần thổ lộ khát vọng đưa Xây dựng Hoà Bình trở thành tên tuổi tầm cỡ trên thế giới. Vậy hành trình “đem chuông đi đánh xứ người” của ông đã được hiện thực hóa đến đâu?
Ông Lê Viết Hải: Tôi đã làm công trình ở Malaysia, Myanmar có thể nói là thành công. Nhưng chỉ thành công về uy tín chứ chưa có hiệu quả kinh tế.
Nhưng qua những lần đó tôi cũng như Hòa Bình đã học hỏi được rất nhiều, giúp tôi tự tin hơn. Nhiều điều họ còn yếu kém nên phải mời nước mình qua quản lý xây dựng cho họ.
ĐS&PL: Với những nhận định như trên, Hòa Bình có chiến lược gì để đón đầu cơ hội vươn ra biển lớn trong thời gian sắp tới và ông có dự định cụ thể gì cho Hoà Bình không?
Ông Lê Viết Hải: Để phát huy được năng lực tổng thầu của Hoà Bình, tôi đã đưa ra chiến lược “kiềng bốn chân” để Hòa Bình có thể chạy thật nhanh, vì ở thời điểm này, chúng tôi không thể đi từ từ được nữa.
Trước hết, phải hợp tác với công ty xây dựng địa phương từ đó tận dụng luôn nguồn lực, hệ sinh thái và sự hiểu biết của họ. Để đưa nguyên vật liệu của Việt Nam qua, cần nắm chắc khâu thiết kế bằng cách liên kết với công ty thiết kế địa phương để họ nắm vững tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của từng vùng.
Bên cạnh đó, phải có một công ty mua bán vật liệu xây dựng để nhập khẩu vật liệu xây dựng từ Việt Nam qua. Để mình có điều kiện tham gia làm nhà thầu cũng cần tính đến chuyện đầu tư dự án bất động sản tại nước ngoài. Từ đó mới có thể đưa chuỗi cung ứng của mình vào khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Ngành xây dựng Việt Nam đang bất cập cung - cầu
ĐS&PL:Sau những cú sốc từ đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông nghĩ rằng doanh nghiệp cần gì lúc này?
Ông Lê Viết Hải: Đây là tình trạng cần báo động, cần nhanh chóng tìm được giải pháp giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xây dựng nếu được hỗ trợ hồi phục tốt sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá. Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ. Đồng thời giúp doanh nghiệp giải phóng nguồn lực, giảm bớt áp lực cung cầu của ngành xây dựng trong nước, tạo nên sự cân bằng.
Nói vậy để thấy rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục là điều cần được quan tâm giải quyết chứ đừng nghĩ là theo quy luật thị trường: khi doanh nghiệp nào mất cân đối tài chính thì cứ cho phá sản rồi thành lập doanh nghiệp mới.
ĐS&PL:Cung nhiều hơn cầu, có thể nhìn thực tế vào việc kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình cho thấy, mặc dù doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại giảm. Ông có nghĩ đây là thời kỳ khó của doanh nghiệp và điều này có gây áp lực lên ông không?
Ông Lê Viết Hải: Ở trong nước, cung - cầu bất cập, công trình mới thì ít, công ty xây dựng mới thì nhiều khiến dư địa phát triển của ngành xây dựng trong nước dần bị thu hẹp cũng như tính cạnh tranh ngày càng tăng cao giữa các doanh nghiệp.
Giai đoạn 2020-2021, doanh thu Hòa Bình giảm tới 40%. Doanh thu, lợi nhuận không thể duy trì được, thị trường bất lợi, đại dịch rồi thêm siết tín dụng vào bất động sản. Thậm chí có những dự án đã hoàn thành mà thanh toán chậm, không thu được dòng tiền. Tất cả các yếu tố trên đều đang làm cho nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng.
Tinh thần Phật giáo trong văn hóa doanh nghiệp
ĐS&PL:Ấn tượng của tôi khi gặp ông là sự nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khác hoàn toàn với nghề xây dựng vốn được đánh giá là một nghề gai góc, bụi bặm. Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành xây dựng, thưa ông?
Ông Lê Viết Hải: (Cười). Khi tôi đi làm cho Nhà nước thì tôi chỉ làm công tác giám sát thi công sửa chữa nhà, công việc đó rất nhàn hạ và nhàm chán vì nó quá đơn điệu và không đòi hỏi trình độ gì. Tôi nhận ra là công ty xây dựng Việt Nam vào thời kỳ đó quá lạc hậu, quá nghèo nàn.
Tôi mới nghĩ rẳng: Cái gì mình có thể làm được cho đất nước thì nhất định phải làm. Tôi mong muốn có thể nâng thu nhập của người Việt lên, cải thiện được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Vì vậy mà tôi quyết tâm thành lập công ty xây dựng.
ĐS&PL:Nhìn lại hành trình hơn 30 năm chinh chiến trên thương trường, điều gì khiến ông cảm thấy mãn nguyện nhất và đâu là điều khiến ông nuối tiếc nhất?
Ông Lê Viết Hải: Điều tôi mãn nguyện là thời gian chúng ta phải trả những cái giá rất đắt cho nhà thầu nước ngoài đã qua. Giờ chúng ta chính là người làm chủ công nghệ, thực hiện những công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao, tiêu chuẩn quốc tế với giá thấp hơn rất nhiều.
Điều nuối tiếc, tôi có kế hoạch đưa Hòa Bình ra nước ngoài từ rất sớm nhưng bây giờ mới triển khai mạnh mẽ hơn.
ĐS&PL:Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!Cái gì mình có thể làm được cho đất nước thì nhất định phải làm. Tôi mong muốn có thể nâng thu nhập của người Việt lên, cải thiện được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Vì vậy mà tôi quyết tâm thành lập công ty xây dựng
Hồng Nhung
Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt Chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022