Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ The Hill cho biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 14/3 nói với các thượng nghị sĩ Cộng hòa rằng Hạ viện sẽ sớm chuyển cho Thượng viện dự luật về viện trợ bổ sung cho Ukraine sau nhiều tuần trì hoãn.
Tuy nhiên, dự luật viện trợ mà ông Johnson đề cập đến dường như sẽ rất khác gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD mà Thượng viện thông qua tháng trước. Ông đề cập đến ý tưởng viện trợ dưới dạng cho vay hoặc chương trình cho thuê để đảm bảo không xảy ra việc người dân Mỹ bỏ ra hàng chục tỷ USD mà không nhận lại được gì.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng đề cập đến ý tưởng cho phép tịch thu tài sản Nga bị đóng băng và gửi số tiền thu được từ tài sản thanh lý vào quỹ hỗ trợ Ukraine. Song, ông không nêu rõ liệu gói viện trợ dành cho Ukraine có đi kèm với các yêu cầu về cải cách an ninh biên giới hay không.
Ông Johnson mở đường cho gói viện trợ Ukraine sau khi chịu sức ép từ Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell về việc phải đưa dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan (Trung Quốc) bỏ phiếu tại Hạ viện.
Sau phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Thượng nghị sĩ John Cornyn cho biết, ông khá lạc quan rằng Hạ viện sẽ sớm chuyển dự luật về viện trợ Ukraine cho Thượng viện. "Chúng ta sẽ không để Ukraine tay không", ông Cornyn nói.
Theo VnExpress, tuyên bố hôm 14/3 của Chủ tịch Hạ viện Johnson dường như đảo ngược quan điểm cứng rắn trước đây. Điều này có thể khiến Johnson trở thành mục tiêu bị phe cực hữu trong đảng Cộng hòa, những người chịu nhiều ảnh hưởng từ cựu Tổng thống Donald Trump, công kích trong những tháng tới.
Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene hồi tháng 1 cảnh báo sẽ kích hoạt cuộc bỏ phiếu phế truất ông Johnson khỏi chức Chủ tịch Hạ viện nếu ông trình dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine lên Hạ viện.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể rơi vào tình thế khó khăn nếu bà Greene hoặc bất cứ nghị sĩ Cộng hòa nào đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông. Thế đa số của phe Cộng hòa tại Hạ viện hiện chỉ còn 5 phiếu, do hạ nghị sĩ Ken Buck đột ngột từ chức.
Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên hoài nghi về khả năng Mỹ duy trì nguồn hỗ trợ này cho Ukraine.
Phương Uyên(T/h)