Ukrainska Pravda đưa tin, ngày 14/3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã tiết lộ chi tiết về công thức hòa bình của nước này dành cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Trong đó, Nga cho rằng để đạt được cái gọi là "sự đồng thuận với cộng đồng quốc tế", Ukraine phải thừa nhận thất bại, tuyên bố "đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện", "tiến hành phi quân sự hóa", "giải tán mọi cơ quan hiến pháp" và "ngay lập tức tổ chức bầu cử cho một quốc hội lâm thời".
Ông Medvedev cũng tuyên bố rằng các nước phương Tây cần phải công nhận chính quyền Kiev là "chính quyền tân phát xít" cần được phi phát xít hóa dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Ukraine đồng thời phải thông qua một đạo luật để bồi thường thiệt hại cho các khu vực cũng như cho gia đình các binh sĩ của Nga và "chính thức công nhận toàn bộ lãnh thổ Ukraine thuộc về Liên bang Nga".
"Đây là Công thức hòa bình mềm mại của Nga. Suy cho cùng, đây là một quan điểm thỏa hiệp, phải không? Tôi tin rằng làm theo nó, chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận thân thiện với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả thế giới Anglo-Saxon, và tiến hành các hội nghị thượng đỉnh hiệu quả, dựa trên sự hiểu biết của những người bạn thân của chúng ta, cụ thể là các đối tác phương Tây của chúng ta”, ông Medvedev cho hay.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra nhưng chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/3 đã bác bỏ mọi ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Ông cho rằng lệnh ngừng bắn sẽ là một cơ hội mới giúp Nga khôi phục khả năng chiến đấu của quân đội, đào tạo lính nghĩa vụ trẻ và tăng cường sản xuất vũ khí cũng như đạn dược.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình có thể được soạn thảo trong Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào tháng 4 tới. Ông nhấn mạnh các quốc gia ủng hộ kế hoạch này sau đó có thể "giao nó cho các đại diện Nga” để xem xét.
Ngày 13/3, phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này sẽ không bao giờ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ về Ukraine ngay cả khi được mời chính thức.
Bà Zakharova chỉ ra rằng hội nghị này sẽ được dành riêng để thúc đẩy 'công thức hòa 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra vào cuối năm 2022. Theo bà, Thụy Sĩ hiện đã không còn là nước trung lập để trở thành địa điểm diễn ra cuộc đàm phán.
Phương Uyên (Theo Pravda)