Ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo các cấp nghiên cứu, học tập mô hình "cà phê doanh nhân" để thực hiện nếu phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng trong buổi tọa đàm với doanh nghiệp. Ảnh: VietnamFinance |
Chiều 11/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, tọa đàm với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2019 với gần 200 đại diện các chủ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tham dự.
Trong buổi gặp mặt này, ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Tôi trăn trở với lãnh đạo tỉnh, làm sao tiếp nhận được tất cả thông tin, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm phương pháp, cách thức tháo gỡ. Chẳng hạn, có thể mở quán cà phê doanh nhân, định kỳ tuần hoặc tháng lắng nghe ý kiến trực tiếp của lãnh đạo các công ty, cùng giải quyết".
Thông tin với VnExpress, Chủ tịch Hà Tĩnh cho biết, đây là mô hình đã được tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương khác làm.
"Cái này tùy thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố như địa điểm, không gian, thời gian... Lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo các cấp nghiên cứu, học tập, nếu phù hợp sẽ thực hiện trong thời gian tới", ông Hưng nói.
VietnamFinance trích dẫn ý kiến từ giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh cho biết, Hà Tĩnh hiện có 7.388 doanh nghiệp, trong đó có 6.620 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đang hoạt động; 768 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoặc bị cảnh bảo vi phạm không hoạt động.
Hiện Hà Tĩnh là địa phương đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 80 dự án có tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ USD. Toàn tỉnh có trên 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 370.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD).
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng ghi nhận vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, đánh giá cao ý kiến phát biểu thẳng thắn, xây dựng của các doanh nghiệp và cho rằng đây là một kênh thông tin giúp tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doan nghiệp; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, hấp dẫn, thật sự là nơi để doanh nghiệp đặt niềm tin và không ngừng phát triển.
Trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức mô hình “Cà phê doanh nhân” để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đã ghi nhận những thành công bước đầu. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình lãnh đạo tỉnh uống cà phê với doanh nhân vào năm 2016. Sau đó một số tỉnh như Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Nguyên... đã học tập tổ chức. Thông qua các buổi “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội trao đổi thẳng thắn về tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời nắm bắt các vướng mắc về mặt cơ chế chính sách nói chung và khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng, để từ đó hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết kịp thời. |
Vi An (T/h)