Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ địa bàn thành phố được nêu rõ là hạn chế xe máy, chứ không cấm hẳn. Đến năm 2030, nếu hệ thống vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại thì mới cấm xe máy.
Theo tin tức từ TTXVN, ngày 24/7, tổ bầu cử số 2 Hội đồng nhân dân (HĐND) Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ quan điểm về việc đến năm 2030 cấm xe máy trong nội đô.
Theo cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng, đề án cấm xe máy vào năm 2030 khó khả thi, do hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ; phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm luôn quá tải. Còn cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) cho rằng, việc cấm xe máy trong khu vực nội đô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số người dân, do hạ tầng giao thông còn nhiều bất cấp, dự án đường sắt thi công đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc cấm xe máy trong nội đô cần có lộ trình cụ thể.
Giải đáp các ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2030, vừa được HĐND thành phố thông qua, nêu rõ là hạn chế xe máy, chứ không cấm hẳn.
Ông Nguyễn Đức Chung trả lời những ý kiến của các cử tri quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN |
Từ nay đến 2030, thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình xây dựng các tuyến metro (tàu điện) để nâng khả năng vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu tư mua thêm từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, đồng thời phát triển nhiều loại hình xe buýt như xe buýt du lịch, mini buýt... Đến năm 2030, nếu hệ thống vận tải công cộng đáp ứng 70% nhu cầu đi lại, mới cấm cấm xe máy.
Riêng với tuyến metro, đầu tư sẽ rất tốn kém. Mới đây, thành phố đã chấp thuận cho 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư các tuyến metro. Việc đầu tư tuyến metro sẽ theo hình thức PPP (hợp tác công tư), nhà nước đầu tư 53%, ty nhân 47%. Các dự án tuyến metro sẽ không vay vốn ODA như trước, bởi rất tốn kém, đầu tư kéo dài.
Báo Tri thức trực tuyến thông tin thêm, cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, liên quan đến tình hình phố đi bộ Hồ Gươm, ông Nguyễn Đức Chung cũng thông tin, trong cuộc họp tổng kết thí điểm triển khai tuyến phố đi bộ cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP đã tổ chức rút kinh nghiệm các vấn đề còn bất cập như vệ sinh môi trường, người dân dắt thả chó, bán hàng rong, kinh doanh ôtô đồ chơi, tổ chức văn hóa phi vật thể còn sơ sài...
“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm, đánh giá cụ thể và giao cho UBND quận Hoàn Kiếm khắc phục” - ông Chung khẳng định.
Liên quan đến đề xuất của quận Hoàn Kiếm về thay đổi thời gian tổ chức không gian đi bộ chỉ vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần (từ 18h đến 2h sáng hôm sau) để tránh nắng nóng, mưa bão trong dịp hè do có ít lượng khách đến tham quan, đi bộ, ông Chung khẳng định thời gian tổ chức phố đi bộ không thay đổi.
“Qua nghiên cứu 43 dịp thứ 7, chủ nhật triển khai tuyến phố đi bộ, chỉ có 3 buổi nắng nóng, 2 buổi mưa, còn lại 39 buổi người dân đi rất đông” - ông Chung nói.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, không thể mở cửa cho phương tiện ra vào tuyến phố đi bộ vào buổi sáng ngày cuối tuần bởi cách làm đó sẽ không tạo thành một sản phẩm du lịch. Để khắc phục những tồn tại trong tổ chức tuyến phố đi bộ, ông Chung cho hay đã giao UBND quận xây dựng quy chế phố đi bộ và ban hành trong tháng 8.
(Tổng hợp)