+Aa-
    Zalo

    Chủ sở hữu xe bị cháy do xăng giả có thể yêu cầu đường dây của Trịnh Sướng bồi thường?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ án xăng giả do đại gia Trịnh Sướng điều hành đã giúp cơ quan công an giải đáp được một số lý do xe đang chạy bỗng bốc cháy.

    Vụ án xăng giả do đại gia Trịnh Sướng điều hành đã giúp cơ quan công an giải đáp được một số lý do xe đang chạy bỗng bốc cháy. Xăng giả này có "ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng động cơ". Vấn đề đặt ra là những người bị cháy xe có được khởi kiện ra tòa yêu bồi thường thiệt hại hay không? 

    “Ông trùm” Trịnh Sướng buôn xăng dầu giả.

    Xăng giả của Trịnh Sướng có liên quan việc xe máy, ôtô bốc cháy

    Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an, đã cung cấp một số thông tin liên quan đến quá trình điều tra, làm rõ đường dây làm giả xăng dầu do đại gia Trịnh Sướng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hưng) cầm đầu.

    Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đường xây xăng giả mà Công an Đắk Nông phát giác đã hoạt động nhiều năm, cung cấp xăng giả trên nhiều tỉnh phía Nam và đã ra cả một số tỉnh phía Bắc. 

    "Vấn đề xăng giả này giải thích cho hiện tượng nhiều phương tiện đang đi bình thường mà bốc cháy xảy ra thời gian qua, vì có nhiều chất tạo cháy trong đó", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

    Đầu tháng Sáu, Công an Đắk Nông khởi tố vụ án liên quan ông Trịnh Sướng và hàng chục người có liên quan. Ông Sướng và các đồng phạm thừa nhận đã bán ra thị trường khoảng 19,5 triệu lít xăng giả với giá thấp hơn thị trường 7.000-10.000 đồng mỗi lít, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng đường dây này tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.

    Việc phát hiện đường dây tội phạm trên đã giúp cơ quan công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ vì sao ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường bỗng dưng bốc cháy và kết quả giám định cũng cho thấy loại xăng giả này có "ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng động cơ".

    Nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Những người có xe cháy vì xăng giả của Trịnh Sướng có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại? Muốn được bồi thường thì họ phải làm gì?

    Xe máy bốc cháy giữa phố Hà Nội. 

    Chứng minh được thiệt hại, chủ xe có thể đòi bồi thường

    Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Quang Vũ (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, người mua hàng ở các cây xăng nhập xăng của doanh nghiệp Trịnh Sướng khó có thể biết Trịnh Sướng là ai. Khách hàng mua cây xăng nào thì chỉ biết cây xăng đó. Khách hàng mua xăng bị thiệt hại như cháy xe, sử dụng xăng giả gây hư hỏng động cơ máy móc... thì có thể đề nghị cây xăng đó bồi thường theo Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, nếu thiệt hại tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng thì phải bồi thường chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

    Luật sư Vũ phân tích, doanh nghiệp đó có biết nhập xăng giả của Trịnh Sướng hay không thì cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng theo Bộ luật Dân sự 2015. Nếu doanh nghiệp đó biết mình nhập xăng là xăng giả thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Trong trường hợp không biết nhập trúng xăng giả thì vẫn phải bồi thường nhưng trách nhiệm hình sự thì có thể không xử lý.

    "Sau khi bồi thường cho khách thì doanh nghiệp sẽ yêu cầu công ty TNHH Mỹ Hưng của Trịnh Sướng bồi thường lại. Bởi thực tế người tiêu dùng không giao dịch, mua bán với Trịnh Sướng mà giao dịch với doanh nghiệp mà họ đổ xăng. Tuy nhiên, khách hàng muốn được bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại xảy ra và chứng minh được thiệt hại đó bằng kết luận giám định, ví dụ cháy xe do xăng giả, hư hỏng động cơ máy móc do xăng giả", luật sư Vũ nhấn mạnh.

    Luật sư Vũ nói thêm, nếu khách hàng muốn được bồi thường thì sẽ làm đơn kiện doanh nghiệp đó ra tòa dân sự hoặc có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự lên cơ quan công an.

    Theo Điều 548, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Tuyến (đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Những người có phương tiện xe bị cháy sau khi biết thông tin này thì phải báo với cơ quan chức năng và cần phải tiến hành giám định từng vụ việc cụ thể để xác định đúng nguyên nhân. Để được bồi thường thì người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại đã xảy ra có mối liên quan trực tiếp đến việc xử dụng xăng dầu giả.

    Luật sư Tuyến chỉ rõ, theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự, cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.


    Hình ảnh kinh hoàng khi chiếc xe ô tô 4 chỗ bỗng ngùn ngụt bốc cháy khi đang lưu thông. 

    Tìm chứng cứ xác định xe cháy do dùng xăng giả không dễ

    Tuy nhiên, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận: “Với công bố, thông báo như vậy của Bộ trưởng bộ Công an thì chưa đủ căn cứ để những người bị cháy xe yêu cầu những người sản xuất, mua bán xăng dầu giả phải bồi thường thiệt hại”.

    Luật sư Cường cho hay, thông thường với việc bồi thường thiệt hại dân sự thì nguyên tắc được pháp luật quy định là ai có lỗi, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác thì phải bồi thường. Đối với người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì trường hợp không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Bởi vậy, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định trường hợp xe máy, ô tô bị cháy thời gian qua là do sử dụng xăng giả thì người sản xuất, buôn, bán xăng giả phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân. Ngoài ra, họ còn có thể bị xử lý về tội Lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

    Trong trường hợp có thiệt hại gây ra thì mỗi vụ việc là một yêu cầu bồi thường thiệt hại riêng, nếu có khởi kiện sẽ là một vụ án riêng. Còn trường hợp cơ quan điều tra xử lý vụ án hình sự có liên quan đến nhiều người thì mới có thể giải quyết vấn đề của nhiều người bị hại trong một vụ án hình sự, có giải quyết cả vấn đề dân sự.

    Tuy nhiên, vị luật sư nhìn nhận: “Những vụ việc xe máy, ôtô đang tham gia giao thông “bỗng dưng” bốc cháy thời gian mấy năm gần đây có phải xăng giả của doanh nghiệp ông Trịnh Sướng gây ra hay không thì phải kết luận bằng các chứng cứ pháp lý thì mới có thể yêu cầu những người này phải bồi thường thiệt hại.

    Việc tìm ra chứng cứ để xác định chiếc xe bị cháy là do dùng xăng giả trên thực tế là quá khó bởi khi chiếc xe đã bị cháy thì sẽ cháy luôn cả lượng xăng có trong bình, khi khám nghiệm, kiểm tra thì không còn mẫu xăng để xét nghiệm, không thể biết rằng chiếc xe đó cháy do xăng hay do chập điện”.

    Trong trường hợp một chiếc xe vừa đổ xăng xong, tham gia giao thông thì bốc cháy, kết quả chiếc xe cháy rụi rồi, tuy nhiên cơ quan điều tra xác minh tại cây xăng gần đó cho thấy chiếc xe này vừa đổ xăng tại cây xăng đó kết quả kiểm tra cho thấy cây xăng vừa bơm vào chiếc xe đó là xăng giả thì mới có thể quy kết, ràng buộc trách nhiệm của người bán xăng với hậu quả cháy xe. Nếu người bán xăng cũng không biết rõ xăng đó là xăng giả thì phải tiếp tục truy xét đơn vị cung cấp. Nếu đơn vị này là đơn vị sản xuất hoặc biết là xăng giả mà vẫn cung cấp thì sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự cũng như trách nhiệm hình sự đối với hậu quả cháy xe đó.

    Theo luật sư Cường, thông tin mà Bộ trưởng bộ Công an công bố có thể là kết luận điều tra sơ bộ ban đầu. Kết quả điều tra cho thấy xăng giả mà doanh nghiệp của Trịnh Sướng sản xuất có thể gây cháy xe. Tuy nhiên cái xe nào bị cháy từ loại xăng đó, chứng cứ nào để quy kết trách nhiệm đối với từng vụ việc cụ thể thì phải căn cứ từ yêu cầu của người bị hại và các chứng cứ trong từng vụ việc mà cơ quan điều tra cung cấp.

    “Với công bố, thông báo như vậy của ông Bộ trưởng bộ Công an thì chưa đủ căn cứ để những người bị cháy xe yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc chứng minh trong quan hệ dân sự thì đương sự đưa ra yêu cầu thì phải có trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Hiện nay, chiếc xe đó cũng không còn nữa, hoặc nếu còn thì cũng không chứng minh được là cháy do đổ xăng ở cây xăng nào vì thời gian đã quá lâu. Do vậy những nạn nhân bị cháy xe rất khó để căn cứ vào đó để yêu cầu doanh nghiệp của Trịnh Sướng phải bồi thường thiệt hại”, luật sư Cường nêu quan điểm.

    Việt Hương 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-so-huu-xe-bi-chay-do-xang-gia-co-the-yeu-cau-duong-day-cua-trinh-suong-boi-thuong-a289407.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan