Đây là kế hoạch nằm trong phương án được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của RGC. Về lý do hủy niêm yết, doanh nghiệp này cho biết theo quy định, công ty đại chúng phải có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của công ty chốt ngày 20/4 lại không đảm bảo số lượng nhà đầu tư không phải cổ đông lớn như quy định.
CTCP Đầu tư PV-Inconess được thành lập năm 2007. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào 2 dự án lớn tại thị xã Tam Điệp và huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, bao gồm: Dự án Khu Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng (sân golf Hoàng Gia) có diện tích 670 ha, vòng đời dự án 69 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 103 triệu USD và Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái có diện tích 2.185 ha, vòng đời dự án 60 năm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 369 triệu USD.
Tháng 2/2018, thông qua công ty con là Công ty TNHH TCG Land, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã mua 75% cổ phần tại PV-Inconess. Cũng trong năm 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công được bầu làm Chủ tịch HĐQT PV-Inconess và kiêm nhiệm chức vụ này cho đến nay. Trong 12 năm qua, RGC liên tục báo lỗ, mỗi năm khoảng hàng chục tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh “khả quan” nhất với mức lỗ chỉ 2 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2023, trong quý, RGC ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ đạt hơn 32,9 tỷ đồng; tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, doanh thu dịch vụ golf, nhà hàng, phongf nghỉ đều ghi nhận tăng trưởng do PV – Inconess đã hoàn thành 9 hố còn lại của sân golf số 2 (sân Queen), đồng thời đưa vào hoạt động từ ngày 29/4, nhờ đó lượng khách chơi golf quý III/2023 đạt 16.160 lượt, tăng 4.198 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, việc đưa thêm 9 hố golf vào khai thác cũng khiến các chi phí liên quan tăng theo như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công, chi phí vật liệu/dụng cụ, cùng với đó là chi phí khấu hao tài sản cố định và trích khấu hao. Việc giá vốn bán hàng tăng mạnh khiến doanh nghiệp này lỗ gộp về bán hàng và dịch vụ hơn 765 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 887,4 triệu đồng.
XEM THÊM: Đơn vị phát triển dự án Venezia Beach bị xử phạt vì những vi phạm gì?
Theo PV – Inconess, doanh thu từ các hoạt động không bù đắp được giá vốn và chi phí bán hàng, chi phí quản lý trong kỳ, dẫn tới việc doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng trong quý III/2023. Cùng kỳ, RGC cũng báo lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, RGC đã lỗ gần 9 tỷ đồng. Thực tế, ban lãnh đạo RGC cũng đã lường trước được kịch bản này khi ước tính công ty có thể lỗ gần 14 tỷ đồng trong năm 2023.
Tại ngày 30/09/2023, tổng tài sản của RGC đạt gần 1.448 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là hơn 46,2 tỷ đồng; tăng 34%. Tài sản cố định tăng 92%, lên mức 963 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm 61%, xuống còn 283 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của RGC ở mức hơn 726 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó không có nợ vay. Chiếm tỷ trọng lớn là khoản phải trả dài hạn 610,7 tỷ đồng với Công ty TNHH TCG Land theo hợp đồng góp vốn hợp tác kinh doanh vào các dự án do RGC làm chủ đầu tư.
Hiếu Nguyễn