+Aa-
    Zalo

    Chủ quan một giờ cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng…

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổn thất nặng nề mà báo Đời sống và Pháp luật, Người đưa tin sau đợt bị hacker tấn công ngày 19/9 đến nay vẫn chưa tính hết được vì 2 tờ báo vẫn tiếp tục bị tấn công...

    Những tổn thất nặng nề mà báo Đời sống và Pháp luật, Người đưa tin sau đợt bị hacker tấn công ngày 19/9 đến nay vẫn chưa tính hết được vì 2 tờ báo điện tử vẫn tiếp tục bị tấn công.

    Ông Nguyễn Tiến Thanh, TBT báo Đời sống và Pháp luật, Người đưa tin cho biết: Sự việc là một bài học sâu sắc về an toàn và bảo mật. Hiện chúng tôi thực hiện một loạt giải pháp bảo vệ, về mức độ thì có thể nói rằng tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Nhưng làm online cũng không dám nói mạnh, chỉ biết rằng, nếu cảnh giác, sẽ khó bị xâm nhập hơn.

    Bài học về an toàn và bảo mật

    + Nếu tự đánh giá về hệ thống bảo mật của Báo Đời sống và Pháp luật, Người đưa tin, ông cho mình đang ở mức nào?

    – Chúng tôi có hệ thống bảo mật khá tốt, tôi khẳng định điều đó. Trong 3 năm gần đây phòng kỹ thuật của Báo tự quản lý server, CMS…

    + Có hệ thống bảo mật tốt, tại sao các ông vẫn bị hack?

    – Hack ddos thì tất cả các trang mạng trên thế giới đều bị và hiện chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn. Gần đây chúng tôi nhận thấy liên tục có các hoạt động tấn công mạnh mẽ, trong 3 tuần liền chúng tôi bị tấn công ddos. Tôi nghĩ rằng đây là lúc các hacker chờ chúng tôi sơ hở khi thực hiện giải pháp ngăn chặn để hack… Mặc dù, thực tế, nhiều năm qua vẫn có các đợt tấn công rải rác, có điều nhỏ và thời gian ngắn hơn chúng tôi đều đã ngăn chặn được.

    + Anh cùng đội ngũ kỹ thuật đã nhìn lại gì  từ vụ tấn công này như thế nào?

    – Sự việc lần này chúng tôi thấy di chứng lâu dài và là một bài học sâu sắc về an toàn và bảo mật bên cạnh thiệt hại khá lớn. Nhận thấy rằng làm điện tử- online chỉ chủ quan một giờ thôi là cũng đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng… Hiện chúng tôi thiết lập hệ thống bảo mật nhiều vòng hơn trước. Xác định luôn luôn phòng thủ và có ý thức bảo mật. Làm online không thể chủ quan và nhất là khi chưa trải qua câu chuyện bị tấn công có lẽ vẫn còn chủ quan… (Cười). Bởi vì làm điện tử rất cần nhanh nên lâu nay vẫn đề cao sự tiện ích, mà chưa đề cao yếu tố an toàn. Nhưng sau câu chuyện này thì thấy an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên câu chuyện tiện ích sẽ bị đẩy xuống, sẽ có khó khăn và mất thời gian thao tác hơn…

    + Báo Đời sống & Pháp luật và Người đưa tin chọn phương án tự chủ về kỹ thuật thay vì thuê đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp bên ngoài, liệu đây có là nguy cơ các hacker cao thủ dễ dàng hơn để xâm nhập?

    – Trước đó chúng tôi đi thuê. 3 năm nay chúng tôi tự chủ, vẫn hợp tác với các đối tác khác để hỗ trợ… Tôi không nghĩ là do đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi không cao. Những ngày bị tấn công mạnh và dài vừa qua, chúng tôi có sự hỗ trợ mạnh của nhiều đối tác có trình độ. Câu chuyện bị hack vừa qua, nhiều chuyên gia đánh giá là khó chống đỡ, mặc dù không phủ nhận chuyện chúng tôi hơi… chủ quan.

    Mỗi cách lựa chọn đều có mặt thuận lợi riêng. Khi tự chủ, dù kinh phí tự chủ cao hơn gấp 2,5 đến 3 lần khi đi thuê song mình có thể vận hành theo ý muốn của mình. Ngoài ra thuê bộ máy khác chuyên nghiệp cũng có cái hay, rẻ hơn, xảy ra sự cố họ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại chẳng hạn…  Hiện chúng tôi thực hiện một loạt giải pháp bảo vệ, về mức độ thì có thể nói rằng tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Có điều nữa là trong online không dám nói mạnh mẽ được. Nếu cảnh giác, rõ ràng sẽ khó bị xâm nhập hơn.

    Người đưa tin chú tâm vào nội dung

    + Đầu tư cho điện tử về mặt nội dung hay kỹ thuật hiện là bài toán khá hóc búa đối với nhiều tờ báo. Đời sống và Pháp luật, Người đưa tin vừa trải qua “cú vấp” như anh nhận định là khá lớn, điều này có khiến các anh rụt rè khi đầu tư mạnh cho điện tử không?

    – Online tiềm năng và cạnh tranh mạnh nhưng chưa thể sống được, vẫn lấy nguồn thu nhập chính từ báo giấy. Báo chí khó khăn, ngay cả từ khuynh hướng đầu tư. Báo giấy Đời sống và Pháp luật vẫn đang là trụ cột, song ngày càng hư hao, giảm sút, trong xu thế đi xuống… Thị trường bán lẻ báo giấy giảm mạnh, đến mốc nào đó nó sẽ dừng lại, khó tái lập… Trong khi online chi phí quá lớn, nguồn thu lại bị chia thị phần cho những tờ báo lớn, những tờ báo online đi đầu… Đầu tư cho online hiện nay quả là đứng ở ngã ba đường. Với chúng tôi, 6 tháng gần đây Người đưa tin đã cân đối được tài chính. Song để phát triển mạnh cần đầu tư khá lớn nhân lực, kỹ thuật…

    + Thế nhưng, cuối cùng vẫn phải chọn cho mình một cách đi.  Hiện các anh đang đi theo cách nào?

    – Chọn giải pháp dung hòa. Không buông bỏ cái cũ, đầu tư cho cái mới, thực hiện hội tụ càng sớm càng tốt. Đây là bài toán chưa báo nào làm được. Chúng tôi quyết tâm thực hiện với ý thức về một tờ báo điện tử khác biệt so với các trang mạng xã hội. Cụ thể, định vị lại tờ điện tử Người đưa tin khác trang mạng như thế nào… Cần đặc biệt chú ý vào các vấn đề cốt lõi của thông tin báo chí, không phải thông tin mạng. Báo điện tử sức mạnh ở thông tin báo chí. Tập trung vào lượng bạn đọc, làm các vấn đề độc quyền theo quan điểm của riêng mình. Khi đội ngũ PV, BTV làm vấn đề nổi bật, mang bản sắc riêng của mình, chắc chắn sẽ tạo được thương hiệu, bạn đọc của mình và có nguồn thu lớn hơn cho báo điện tử.

    Chúng tôi chuẩn bị nhiều tháng nay để có thể làm được mục tiêu đặt ra. Và thời gian qua tôi tin rằng bạn đọc cũng đã nhận ra tờ Người đưa tin có nội dung tốt hơn hẳn…

    HẰNG NGA

    Nguồn: Congluan.vn

    Xem thêm video:

    [mecloud]hW3lzgV61s[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-quan-mot-gio-cung-da-anh-huong-nghiem-trong-a163768.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.