(ĐSPL) - Một bộ phận dân chúng Trung Quốc vẫn chưa tin vào chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ hiện nay vì vẫn còn nhiều bất cập nằm ngoài khuôn khổ pháp luật.
|
Vẫn còn nhiều bất cập trong chiến dịch chống tham nhũng hiện hành ở Trung Quốc. |
Từ ngày 20 đến 23/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên toàn thể, tập trung vào vấn đề pháp quyền và pháp trị. Chỉ có điều, Trung Quốc sẽ vẫn sử dụng pháp luật hiện hành, với một số sửa đổi không đáng kể.
Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đã trừng phạt một số quan chức cấp cao tham nhũng, trong đó có cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Su Rong và cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Nhưng theo một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, như thế vẫn là chưa đủ.
Công luận cả ở Trung Quốc và trên thế giới đều thừa nhận rằng chiến dịch chống tham nhũng mà Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) là một nỗ lực chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, những tiếng nói trên mạng Internet vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi về tính triệt để và sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng hiện hành.
Khi được hỏi về chiến dịch chống tham nhũng hiện nay, người Trung Quốc vẫn cảm thấy chưa hài lòng, đôi khi còn tỏ ra bức xúc. Với triển vọng kinh tế Trung Quốc ngày càng không chắc chắn, không chỉ giới trí thức-doanh nhân mà cả những người lao động - vốn đang khốn khổ vì lạm phát và do mạng lưới an sinh-xã hội quá mỏng – đều cảm thấy không được an toàn. Trong khi đó, các quan chức tham nhũng thiếu một sự bảo trợ mạnh mẽ của cấp trên cũng cảm thấy bị đe dọa, trong khi những người được bảo trợ cũng luôn luôn phải nhận thức xu hướng thổi chính trị để “gió chiều nào, che chiều ấy”.
Trên thực tế, mọi người đều biết rằng sự giám sát bên ngoài - có thể là do các phương tiện truyền thông hoặc thông qua việc người dân tố cáo các hành vi sai trái - là cách hiệu quả nhất để chống tham nhũng. Trong nhiều năm qua, hoạt động trực tuyến đã phát hiện ra một số trường hợp quan chức tham nhũng đáng chú ý và dẫn đến biện pháp kỷ luật của đảng. Ví dụ, hồi tháng 10/2012, Yang Dacai - một quan chức ở tỉnh Thiểm Tây – đã bị sa thải khi cư dân mạng tung lên và nhân bản nhiều hình ảnh trực tuyến cho thấy anh ta đeo nhiều đồng hồ cực kỳ đắt tiền mà người ta không thể nào mua nổi với mức lương công chức hiện hành.
Tháng 11/2012, Lei Zhengfu - một quan chức đảng ở thành phố Trùng Khánh - đã bị sa thải trong vòng 3 ngày, sau khi một đoạn video cho thấy vị quan chức có tuổi này quan hệ tình dục bất chính với một phụ nữ lúc đó mới 18 tuổi. Sau đó, Lei Zhengfu đã bị kết án tù 13 năm với nhiều tội danh.
Vấn đề ở chỗ là chính phủ Trung Quốc hiện chưa thực sự chấp nhận các phương pháp tố cáo, chống tham nhũng vốn được công chúng rộng rãi ủng hộ. Trong khi đó, những người làm việc tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) lại rất miễn cưỡng trong việc điều tra cán bộ cấp bậc tương tự hoặc cao hơn. Thậm chí, việc điều tra một quan chức cấp thấp hơn đôi khi cũng là một nhiệm vụ khó khăn do tình trạng “đỡ đầu” tồn tại trong hệ thống.
Điều gì xảy ra đối với tài sản và tài sản bị thu giữ trong quá trình điều tra? Liệu số tài sản bị tịch thu đó có được công bố trước dân chúng? Liệu các tình tiết được phát hiện trong khi điều tra có được công khai?
Theo bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, biện pháp chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cơ hội. Chiến dịch này dựa trên những gì mà người Trung Quốc gọi là "quy tắc của con người", chứ không phải là "quy tắc của pháp luật”.
Trung Quốc hiện chưa có hệ thống tố tụng bình thường. Những quan chức bị điều tra thường thiếu sự giám sát tư pháp độc lập cũng như sự giám sát của người dân Trung Quốc. Trong thực tế, một số người bị điều tra thường tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp của những người “đỡ đầu” có quyền thế và những người này thường can thiệp vào quá trình điều tra. Chính vì vậy mà hai quan chức phạm tội như nhau lại nhận được hai bản án hoàn toàn khác nhau. Đó là chưa kể sự không công bằng trong việc xét xử dân thường và quan chức chính quyền.
Luật và các quy định dưới luật thường kém hiệu quả, khi môi trường thể chế xung quanh tỏ ra không phù hợp. Một xã hội sản sinh ra tầng lớp quan chức chính phủ liêm khiết phải là một xã hội minh bạch và loại bỏ vấn nạn tham nhũng khỏi đời sống công cộng. Suy cho cùng thì chi phí chống tham nhũng thấp hơn nhiều những tác hại mà vấn nạn tham nhũng gây ra cho xã hội.
Đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý Trung Quốc, vấn đề bức xúc nhất là làm thế nào để tạo ra được các biện pháp chống tham nhũng mở và được thể chế hoá dựa trên các quy định của pháp luật. Tham nhũng có hệ thống rõ ràng là một dấu hiệu của thể chế kém hiệu quả hoặc có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Khi phải đối mặt với sự cám dỗ, không ít quan chức tham nhũng đã cân nhắc kỹ “lợi-hại”, về “lợi nhuận” thu được và mức độ trừng phạt, nếu bị phát giác. Nếu không bị giám sát hiệu quả, nhiều khả năng họ sẽ chọn tham nhũng. Nếu môi trường xung quanh đầy rẫy tham nhũng, các cá nhân thường bị môi trường này “đồng hóa” và không thể nào chỉ dựa vào cái gọi là “kỷ luật tự giác”.
Bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy cho rằng trừ phi có các khuôn khổ pháp chế cơ bản, các chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc – kể cả chiến dịch chống tham nhũng hiện nay được coi là lớn nhất trong vòng 30 năm qua – đều mang tính chất tạm thời, nếu không muốn nói là “đánh trống bỏ dùi”. Nếu một chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành bên ngoài khuôn khổ nhà nước pháp quyền, chiến dịch này có nhiều nguy cơ bị thất bại.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-tham-nhung-o-trung-quoc-con-nhieu-bat-cap-a58905.html