(ĐSPL) – Tại Hội nghị tăng cường công tác chống dịch sốt xuất huyết ở Bình Dương chiều 16/10, Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, “Nếu tôi có con cháu mắc bệnh SXH tôi sẽ không đưa lên tuyến trên vì vừa quá tải vừa lây chéo bệnh”.
Tin tức từ Pháp Luật TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn số liệu từ đầu năm 2015 đến nay cả nước có 30 ca tử vong do SXH, trong đó có trường hợp tử vong tại các BV tuyến trên. “Điều này khiến tôi băn khoăn đến tình hình quá tải ở BV tuyến trên, bởi quá tải dẫn đến thực trạng giảm chất lượng khám, chữa bệnh và nhiễm chéo BV.
Hiện nay tại các bệnh viện tuyến dưới đã có phác đồ điều trị SXH, “Vấn đề lây nhiễm chéo thật sự rất đáng lo ngại. Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong SXH, chúng ta cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư” - bà Tiến nói và chỉ đạo ngành y tế tăng cường tập huấn và cập nhật phác đồ điều trị bệnh thường xuyên cho các bệnh viện tuyến cơ sở, những phòng khám, bệnh viện tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra lăng quăng trong các vật dụng chứa nước tại thị xã Thuận An (Bình Dương). (Ảnh: Công an TP. HCM) |
Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 46.000 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố.
Theo ông Phu, năm 2015 số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng so với năm 2014. “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị hiệu quả trong khi tình hình đô thị hóa gia tăng, điều kiện vệ sinh môi trường kém, tăng chủng loại và số lượng phế thải, tập quán con người cũng thay đổi như trồng hoa kiểng, chậu cảnh trong nhà, vốn là nơi nương náu của lăng quăng nên dịch có cơ hội bùng phát. Hiện tượng Elnino, diễn biến thời tiết bất thường cũng khiến cho muỗi sinh sôi và gây bệnh".
Dân coi thường muỗi, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo
Tiền Phong đưa tin, tại lễ phát động Chiến dịch mẫu diệt lăng quăng phòng SXH diễn ra sáng 16/10, tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện vẫn còn một số nơi ý thức của người dân còn chưa tốt trong việc tự bảo vệ sức khỏe của mình đối với dịch bệnh SXH.
Đặc biệt ở ĐBSCL, người dân có thói quen chứa nước vào lu để trong bếp nhưng không có nắp đậy và không áp dụng các biện pháp phòng chống SXH. Chính vì vậy dù hàng năm ngành y tế đã thực hiện nhiều chiến dịch phun hóa chất diệt lăng quăng nhưng vẫn xuất hiện các ca mắc SXH.
“Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài là phải thường xuyên diệt lăng quăng và loại bỏ điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH không sinh sản và phát triển được”- bà Tiến yêu cầu, đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên làm sạch dụng cụ chứa nước trong như bể nước, chum vại... đặc biệt các vật phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa như vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, hốc cây bẹ lá…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến trực tiếp đi phát động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy. (Ảnh: Tiền Phong) |
Mặc dù việc phòng ngừa này là không khó, theo bà Tiến, công tác này trong thời gian qua tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, nhiều cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo.
Bộ Y tế tổ chức chiến dịch mẫu diệt lăng quăng tại Bình Dương này với mô hình điển hình về chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH với sự tham gia của chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng để quảng bá, tham mưu cho chính quyền các cấp khác triển khai rộng rãi.
Cũng trong chiều 16/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng "Các bệnh viện tuyến cuối đang quá tải phải chuyển bớt bệnh nhi nhẹ về các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận huyện để tiếp tục điều trị. Không thể để trẻ phải tiếp tục nằm gầm giường, nằm ngoài hành lang". |
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] ezb7VxCEf7[/mecloud]