+Aa-
    Zalo

    Chống bức cung, nhục hình: Cho bị cáo đối chất với điều tra viên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tại công đường, nếu bị cáo đưa ra việc mình có bị bức cung hoặc dùng nhục hình thì khi đó, HĐXX cần phải cho bị cáo đối chất với các điều tra viên", Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn nêu quan điểm.

    (ĐSPL) - "Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tại công đường, nếu bị cáo đưa ra việc mình có bị bức cung hoặc dùng nhục hình thì khi đó, HĐXX cần phải cho bị cáo đối chất với các điều tra viên", Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn nêu quan điểm.

    Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy có nhiều trường hợp tại phiên toà, bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, bị ép cung, mớm cung (khiến hồ sơ vụ án bị sai lệch - PV), nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. 

    Mới đây, xoay quanh vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, đã có 3 đối tượng vốn là các cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng bị khởi tố để điều tra làm rõ về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ vụ án oan rúng động dư luận này cũng cho thấy còn không ít vấn đề bất cập trong công tác tiến hành tố tụng dẫn đến những bản án oan sai.

    (b giấy)Bàn về chống bức cung, dùng nhục hình gây oan sai, Phó Ch

    Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày trở về sau hơn 10 năm ngồi tù oan.

    PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn để mổ xẻ rõ hơn nguyên nhân và giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình nhằm giảm thiểu án oan sai.

    Yêu cầu CQĐT làm rõ

    Thưa ông, tại báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho thấy từ 1/1/2011 - 31/12/2013 có 19 cán bộ chiến sỹ bị tước danh hiệu Công an nhân dân và bị khởi tố về hành vi dùng nhục hình. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc chứng minh chứng cứ trong vụ án có bức cung, dùng nhục hình là một việc cực kỳ khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề trên như thế nào?

    Thực tế cho thấy, việc bức cung, dùng nhục hình chỉ xảy ra trong giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn này, chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên (người tiến hành tố tụng) tiếp xúc, lấy lời khai từ bị can, ngoài ra không có ai là người chứng kiến nên việc chứng minh các chứng cứ liên quan tới tội danh bức cung, nhục hình khá khó khăn.

    (b giấy)Bàn về chống bức cung, dùng nhục hình gây oan sai, Phó Ch

    Ông Nguyễn Sơn, TS. Phó chánh án TAND Tối cao.

    Chính vì lẽ đó, nhiều vụ án đến giai đoạn đưa bị cáo ra xét xử công khai, khi đó bị cáo mới có cơ hội trình bày về việc mình bị bức cung, dùng nhục hình. Tuy nhiên, khi bị cáo đưa ra lời tố cáo đó thường bị HĐXX đưa ra câu hỏi: Ai là người bức cung, dùng nhục hình và bị cáo phải chứng minh việc bức cung dùng nhục hình đó với HĐXX, điều này tôi cho là bất cập. Xét về vai trò cũng như trách nhiệm, phía HĐXX cần phải xem xét và đặt câu hỏi, vì sao bị cáo ra trước tòa lại khai như vậy và phải xem xét sự việc xảy ra như thế nào, có ai biết? Từ lời khai của bị cáo, HĐXX phải yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) cần làm rõ, nếu xét thấy lời khai của bị cáo là có cơ sở.

    Tôi lấy ví dụ, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tại công đường, nếu bị cáo đưa ra việc mình có bị bức cung hoặc dùng nhục hình thì khi đó, HĐXX cần phải cho bị cáo đối chất với các điều tra viên, kiểm sát viên ngay tại phiên toà.

    Trong trường hợp như vậy, trách nhiệm chủ yếu của CQĐT phải chứng minh cho HĐXX biết, không dùng nhục hình, không ép cung. Câu hỏi lớn được đặt ra là, Tòa án có quyền triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên tới tòa hay không? Tuy nhiên, Tòa án đang rất lúng túng, vì luật không quy định Tòa án có quyền được triệu tập điều tra viên.

    Chính vì lý do trên mà Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có ý kiến tại phiên chất vấn của Quốc hội là cần phải trang bị thiết bị giám sát như băng ghi âm, ghi hình, camera giám sát, ghi lại hình ảnh lấy lời khai đối với các bị can, bị cáo, để chứng minh các điều tra viên không ép cung, không dùng nhục hình.

    Toà án có thể trực tiếp điều tra?

    Thưa ông, như vậy cần có thêm quy định về thẩm quyền của Toà án, có quyền được triệu tập điều tra viên trong trường hợp bị cáo tố cáo có dùng nhục hình, bức cung?

    Đúng vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi, nên quy định Tòa án có quyền triệu tập điều tra viên, nếu thấy cần thiết hoặc có cơ sở liên quan tới lời khai của bị cáo trong phiên xét xử. Vấn đề đặt ra là cần phải sửa đổi bổ sung trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và tăng thẩm quyền cũng như trách nhiệm của Tòa án, đặc biệt là trách nhiệm của thẩm phán. Trong trường hợp cụ thể, để thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ công lý, Tòa án không chỉ có quyền được triệu tập điều tra viên mà còn có thể trực tiếp điều tra bổ sung, nếu xét thấy lời khai của bị cáo là có căn cứ.

    Vì sao chứng cứ gỡ tội thường bị điều tra viên bỏ qua và chỉ chú ý đến chứng cứ buộc tội. Phải chăng đó là do năng lực trình độ hay còn lý do nào khác, thưa ông?

    Về mặt tâm lý của người tiến hành tố tụng, cụ thể là điều tra viên, kiểm sát viên là những người đầu tiên tiếp xúc với các chứng cứ trong vụ án hình sự nói chung, điều tra viên thường có tâm lý sớm xác định người phạm tội nên có thể bỏ qua các chứng cứ gỡ tội mà chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội, vì nhiều lý do khác nhau. Do áp lực từ phía CQĐT, do nóng vội, nhận định sai... về vụ án dẫn đến đánh giá chứng cứ sai. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, CQĐT có trách nhiệm chứng minh bị can, bị cáo có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, được quy định trong điều khoản nào trong Bộ luật Hình sự? Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đều phải được đặt lên bàn cân xem xét kỹ lưỡng tỉ mỉ.

    Đặc biệt CQĐT không được căn cứ vào lời khai duy nhất của bị can để buộc tội. Dù vì lý do nào thì yếu tố con người là điểm mấu chốt và tôi không muốn bình luận nhiều về vấn đề này. Suy nghĩ của tôi là làm như thế nào để thoải mái, làm đúng thì cái đầu mình được thanh thản.

    Người có lương tri cần suy ngẫm...

    Thực tế đến nay cũng chưa có một con số thống kê chính thức có bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bức cung, nhục hình. Tuy nhiên nhìn vào con số vụ án về tội nhục hình được đưa ra xét xử trong các năm gần đây có xu hướng tăng rõ. Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng bức cung, nhục hình?

    Câu hỏi của bạn không chỉ khiến tôi mà tất cả những người có lương tri phải suy ngẫm, đó là tiếng chuông cảnh báo đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề làm thế nào để giảm thiểu, chống bức cung, nhục hình, ngoài các giải pháp như tôi đã nêu ở trên, bên cạnh đó cần nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho các điều tra viên, kiểm sát viên. Hiện TAND Tối cao đang kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Theo đó, người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, giao thêm quyền trực tiếp điều tra bổ sung cho Thẩm phán. Mặt khác, cần tăng mức hình phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình.

    Trân trọng cảm ơn ông! 

    Chỉ một chứng cứ gỡ tội cũng cần phải suy đoán theo hướng vô tội

    Là người giảng dạy nhiều năm trong Học viện Tư pháp, TS. Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Đào tạo luật sư cho rằng: Khi tính mạng, danh dự nhân phẩm của một người nằm trong tay các cán bộ tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán), họ cần phải cân nhắc tới từng chi tiết nhỏ. Từ chứng cứ buộc tội tới chứng cứ gỡ tội đều không được bỏ qua, đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài việc phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, người tiến hành tố tụng còn phải có lương tâm đạo đức nghề nghiệp. Nếu chỉ có một chứng cứ gỡ tội thì người tiến hành tố tụng cần suy đoán theo hướng vô tội.

    (b giấy)Bàn về chống bức cung, dùng nhục hình gây oan sai, Phó Ch

    TS. Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Đào tạo luật sư Học viện Tư pháp.

    Tuy nhiên, trên thực tế, các chứng cứ gỡ tội thường bị CQĐT bỏ qua hoặc ít đề cập, bởi nhiều nguyên nhân, như năng lực yếu kém, do cẩu thả, do nhận định sai bản chất vụ án... Mặt khác, thẩm phán phải cân nhắc tới những tình tiết mới tại phiên toà, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, tôn trọng sự thật để đưa ra bản án thuyết phục mà bị cáo phải tâm phục khẩu phục.

    Thời gian gần đây, việc xét xử các vụ án hình sự cho thấy, nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung nhưng không đưa được chứng cứ chứng minh nên thường không được HĐXX chấp nhận, dẫn đến những vụ án oan đau lòng. Đó là tư duy làm việc theo lối mòn và có phần áp dụng... “án bỏ túi”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-buc-cung-nhuc-hinh-cho-bi-cao-doi-chat-voi-dieu-tra-vien-a54692.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan