(ĐSPL) - Nhiều người có cuộc sống hôn nhân ấm êm, có bạn đời tốt và cuộc sống vật chất nhưng vẫn nhen nhóm tư tưởng ngoại tình. Phải chăng đây là một căn bệnh mà người ta vẫn gọi rằng ngoại tình trong tư tưởng?
Ngoại tình tư tưởng
30 tuổi, lập gia đình từ khá sớm, giờ đã có 2 cháu, công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng, có một người vợ đảm, tình cảm vợ chồng và chuyện chăn gối đều viên mãn nhưng anh Hải (Ba Đình, Hà Nội) dường như vẫn chưa hài lòng với những gì đang có.
Tâm sự về khúc mắc trong lòng của mình, anh Hải cho biết, đã từ lâu từ khi lấy vợ sinh con xong, anh vẫn thường xuyên nghĩ đến người phụ nữ khác, không phải anh không còn yêu vợ, thương con mà những ý nghĩ đó cứ hiện hữu trong tâm trí anh. Nhất là thời gian gần đây, anh bị cuốn hút bởi các nữ đồng nghiệp. Lúc nào anh cũng nghĩ tới họ, và dường như lúc nào cũng sẵn có tư tưởng sẽ đi nhà nghỉ với một trong những phụ nữ đó.
“Mặc dù vẫn yêu vợ, nhưng những lúc cùng đồng nghiệp cà phê, cùng ăn trưa, cùng đi hội thảo, tôi dường như là một người khác. Tôi chưa phản bội vợ, nhưng cứ tình hình như này, tôi e sẽ phạm sai lầm, không biết tôi bị bệnh gì không?”, anh Hải tâm sự.
Ngoại tình tư tưởng. Ảnh minh họa |
Cùng cảnh ngộ với anh Hải, chị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang dằn vặt bản thân bởi trong đầu luôn xuất hiện những ý nghĩ không tốt cho đời sống hôn nhân. Chị vốn là nhân viên kinh doanh của một công ty có tiếng tại Hà thành, tính chất công việc khiến chị thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với những người khác, đặc biệt là nam giới.
Trong khi đó, chồng chị chỉ là một kiến trúc sư, thời gian làm việc tại nhà là chính, do vậy anh thường xuyên phụ trách bếp núc, con cái nên nhìn bề ngoài anh lúc nào cũng luộm thuộm, chẳng bao giờ được bảnh bao như những người đàn ông xung quanh chị. Nhiều lúc ra đường, chị đã thầm so sánh chiếc xe cà tàng của chồng với chiếc xe lộng lẫy đằng kia, so sánh người bạn đời sập sệ, xuềnh xoàng với những người bạn sáng sủa, xài sang trọng xã hội.
Thậm chí chị đã tưởng tượng: “Phải chi mình được ngồi vào chiếc ô tô ấy nhỉ!” hoặc xa hơn: “Sao mình không… ở chung nhà với người đó cơ chứ!” rồi xa hơn nữa: “Nếu mình ngủ với người đó thì…”. Bao nhiêu câu giá như cứ hiện hữa trong tâm trí, thử thách trí óc của chị khiến chị vui sướng, hồi hộp sau đó là lo lắng và vô cùng bất an.
“Bắt mạch” ngoại tình tư tưởng
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Thu Hà, chuyên viên tư vấn Linh Tâm cho biết, có kiểu ngoại tình tư tưởng là một căn bệnh mãn tính tiềm ẩn sâu kín trong rất nhiều người. Gọi là “bệnh” bởi nó chưa hề vi phạm luật hôn nhân, chưa “tập kích” lòng chung thủy, chưa có hành động sai trái làm bẩn đạo vợ chồng. Văn học cổ gọi ngoại tình tư tưởng là đồng sàng dị mộng. Khoa học hiện đại thì cho đó là hiện tượng “thực tế ảo”, hoặc “không gian tình yêu ba chiều”.
Tình cảm và ý chí ở con người nhiều khi là một. Ngoài tình cảm và ý chí ra, người ta còn có sự ham muốn gọi là thích. Thích là cảm xúc chưa đến độ tình cảm nhưng nó có thể lôi cuốn người ta vào những cuộc vui và có thể chuyển sang giai đoạn tình cảm lúc nào đó mà người ta không nhận ra.
Nếu khi người ta xuất hiện sự thích mà không biết dừng lại sẽ có thể chuyển sang giai đoạn mê, nghiện hoặc trở thành tình cảm. Những người đàn ông có vợ nhưng vẫn đi với gái là những người rơi vào trạng thái thích mất kiểm soát.
Ngoại tình cảm xúc còn nguy hiểm hơn cả việc ngoại tình thực sự, vì không ai nhìn thấy và kiểm soát được. Những kiểu tình cảm viển vông không đem lại lợi ích gì mà còn là nguyên nhân gây khủng hoảng tinh thần.
Để thoát khỏi “bệnh” này, bạn cần xua đuổi ra khỏi đầu những suy nghĩ “thích họ” bằng ý chí của đạo đức, sự tan vỡ gia đình và tránh đi uống cà phê, đi ăn trưa, thậm chí là gặp… với những người dễ làm bạn nghĩ đến chuyện thầm kín, đồng thời bạn cảm thấy xấu hổ về những cảm xúc này bạn sẽ vượt qua được nó. Nếu không thể loại bỏ chúng ra khỏi đầu, bạn nên tìm đến một chuyên gia tâm lý để được tư vấn một cách tốt nhất.
KHÁNH NGỌC