(ĐSPL) - Dù súng Airsoft, loại súng đồ chơi, súng hơi bắn đạn nhựa, chì có kiểu dáng “nhái” vũ khí quân dụng đã bị liệt vào danh sách cấm nhập khẩu, mua bán và sử dụng, nhưng trên thị trường ngầm cung cấp loại đồ chơi nguy hiểm này vẫn ngang nhiên rao bán...
Trên website dành cho giới chơi Airsoft tại Việt Nam hay một số trang rao vặt trên mạng internet, có thể dễ dàng bắt gặp các dòng quảng cáo, chào hàng của các đại lý cung cấp súng Airsoft.
Trong vai dân chơi Airsoft, chúng tôi tiếp cận một đầu nậu tên Minh, số điện thoại 0968XXXXXX, là chủ một shop “hàng xách tay” trên mạng. Anh này cho biết, anh có thể cung cấp đủ các loại súng mô hình, từ súng đồ chơi đánh trận giả cho đến các lại súng thể thao quốc phòng như súng bắn đạn cao su, hơi cay, đạn chì, đạn sắt, đạn nổ uy hiếp; bắn cơ học hoặc bằng pin, bằng gas và các công cụ hỗ trợ súng. Các loại súng được anh này chào bán là: Rohm Gun 88, RG70, RG90, RG96, Walther P99 Series, Walther PKK Pro, Glock 12… Các loại súng này có tầm bắn từ 15 – 100m, một số loại kèm nòng hãm thanh, đèn pha siêu sang laser định hướng, ống ngắm quang học, hỗ trợ ngắm đêm…
Ngoài ra, chủ của shop này còn cho biết, “công ty” của anh cung cấp cả “súng lục” M1911A1, có các bộ phận giống hệt với phiên bản súng thật. Đặc biệt, tốc độ bắn đạn nhựa của loại súng này khá tốt, lên tới 95m/giây. Phụ kiện đi kèm với loại súng này là thiết bị thông nòng. Giá của khẩu súng này ở mức trên dưới 3 triệu đồng. Còn với loại súng bắn tỉa chưa có nòng ngắm thì có giá 4,6 triệu đồng. Cũng theo chủ shop này, bên cạnh các loại súng Airsoft bắn đạn nhựa, anh cung cấp cả các loại súng bắn gas như “súng lục với ký hiệu GBB” có giá là 5,5 triệu đồng (kèm theo một chai gas).
Yêu cầu duy nhất của chủ hàng này là khi giao dịch, người mua phải thanh toán tiền trước bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, sau đó anh ta sẽ cho người ship “hàng” qua địa chỉ của khách, hoặc sẽ hẹn địa chỉ kín đáo để giao hàng.
Làm quen với một thành viên trên diễn đàn của dân chơi Airsoft, chúng tôi còn được rỉ tai về một “mối” chuyên bán “vũ khí hạng nặng” dành cho dân chơi Airsoft lắm tiền, thích “đồ độc”. Mối bán hàng này đặt tại TP.Hồ Chí Minh và có số điện thoại 093.008.xxx. Tuy nhiên, điều kiện để được giao dịch và mua hàng từ mối bán hàng này là phải có khách quen giới thiệu. Đồng thời, trước khi giao dịch người mua phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân… để chủ hàng xác minh. Ở đây, có bán các loại súng có tốc độ bắn nhanh, chính xác, uy lực mạnh như dòng súng mini UZI nguyên bản (giá 35 triệu đồng), dòng tiểu liên MP5 có giá 38 triệu đồng kèm phụ kiện hãm thanh laser, ống ngắm…
Một cây súng Airsoft thông thường có sức bắn từ khoảng 280fps đến 320fps và tối đa là 400fts (khoảng 100m/giây). Theo so sánh của Tuấn “bò”, một tay chơi Airsoft thì sức bắn này bằng “1/3 sức bắn của một khẩu súng hơi thể thao dùng để bắn chim như các loại súng của Tiệp hoặc Đức”. Nghĩa là, nó có thể bắn thủng một lon bia, xuyên hộp thuốc lá hoặc vỏ các dụng cụ bằng nhựa mỏng và cứng. Nếu bắn ở khoảng cách xa, súng có thể để lại trên da người những vết đỏ như ong đốt hoặc bầm tím nhẹ. Còn nếu bắn ở khoảng cách gần, nó có thể khiến nạn nhân bị rách da. Những thương tích này sẽ giảm thiểu nếu người chơi được trang bị đủ các loại quần áo bảo hộ đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu người sở hữu súng do vô tình hoặc thiếu ý thức để súng bắn vào mắt hoặc những chỗ hiểm trên cơ thể mà không có đồ bảo vệ, thì hậu quả rất khó lường… Ở một góc độ khác, trò chơi súng ống này còn góp phần kích động tính hiếu chiến của giới trẻ.
Đi kèm với súng là các bộ quần áo đặc chủng để dành cho các “chiến binh” nhập vai làm “người hùng”. Giá cho các bộ quần áo bao gồm mũ, trùm mặt, áo giáp, găng tay, thắt lưng, bao đựng mặt nạ phòng độc, bộ bảo vệ đầu gối và cùi chỏ, máy bộ đàm, giày bốt, kính bảo vệ, camelback (túi đựng nước đeo sau lưng)…không hề rẻ: 4 – 6 triệu đồng/bộ, tùy chất lượng.
Thú chơi mới của giới trẻ
Gần đây, thú chơi súng Airsoft được nhiều bạn trẻ ưa thích. Airsoft là cách gọi đơn giản hơn của Airsoft Gun (súng hơi nhẹ) bắt nguồn từ Nhật Bản từ thập niên 80, sau lệnh cấm mang, tàng trữ vũ khí ở đất nước này. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều người thích sở hữu một khẩu súng, người ta bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất các loại súng (bản sao) theo nguyên bản của súng thật nhằm mục đích trưng bày hoặc chơi trò đánh trận giả. Airsoft còn bao gồm cả các phụ kiện hóa trang nhập vai vào nhân vật, câu chuyện chiến đấu với những tình huống giả định… Hầu hết các loại súng Airsoft đều được chế tạo và mô phỏng về hình dáng kích thước, trọng lượng và chức năng cơ bản y như súng thật. Những người chơi mô tả cách phân biệt súng thật và súng Airsoft là khi siết cò mới biết súng thật – giả.
Một lô hàng súng Airsoft bị lực lượng QLTT bắt giữ |
Chỉ bị xử phạt hành chính!?
Ở nhiều nước trên thế giới như Brazil, Bulgari, Đan Mạch, Phần Lan, Italia …, sử dụng và chơi súng Airsoft là hợp pháp (tất nhiên kèm theo là những quy định rõ ràng). Tại Việt Nam, mức độ sở hữu và chơi Airsoft chưa phổ biến, chỉ dừng lại ở mức “có hiện tượng”, nên cũng chưa có văn bản quản lý cụ thể riêng cho loại đồ chơi này. Tuy nhiên, Airsoft bị xếp vào danh mục đồ chơi nguy hiểm chứ không phải vũ khí cháy nổ… nên người tàng trữ nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Theo điều 13, Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phạt từ 4 – 8 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm…
Ông Lưu Bách Chiến (Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 2, chi cục QLTT TP.Hà Nội) cho biết, loại súng Airsoft, súng đồ chơi bắn đạn nhựa, phun lửa gas… là những mặt hàng nằm trong danh mục cấm mua bán và sử dụng. Sở dĩ súng này bị cấm là bởi độ sát thương mà súng gây ra cũng như những hệ lụy đi kèm. Đã có không ít vụ việc, kẻ xấu sử dụng súng nhựa, súng gas kiểu dáng giống súng quân dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng cấm, đồ chơi nguy hiểm. Tuy nhiên, việc quản lý ngăn chặn các đối tượng mua bán loại hàng cấm này trên mạng còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới các đơn vị chức năng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tàng trữ, sử dụng, mua bán các dụng cụ nguy hiểm này.
Giá nào súng nấy!
Loại đồ chơi Airsoft du nhập vào Việt Nam cách đây vài năm. Ban đầu, nó chỉ ở dạng đồ chơi dành cho trẻ con “made in China” nhập lậu, hình dáng và cấu tạo đơn gian, nhỏ và thô. Sau đó, một bộ phận thanh niên có máu đam mê súng đạn, thích cảm giác mạnh, mong muốn thể hiện bản thân nên đã tìm hiểu môn chơi này và tìm kiếm trang bị cho mình những thứ vũ khí “tối tân” như trong sách báo, phim ảnh. Một số hội chơi tự phát Airsoft cũng manh nha ra đời.
Vì là súng nhập lậu nên khi đến tay dân chơi Airsoft của Việt Nam, một khẩu súng dạng bình thường nhất cũng có giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Những khẩu đẹp, “hàng tuyển” có giá từ 5 đến 7 triệu đồng. Chưa kể, nếu súng có gắn thêm các phụ kiện như ống ngắm, đèn laser, đèn pin, bộ ray tích hợp, dây đeo ba điểm… thì một bộ súng Airsoft tới cả chục triệu đồng.
PV