Vào thời điểm hiện tại, nước Mỹ dường như ít có khả năng định hình các sự kiện thế giới như đã làm trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Vị thế của Mỹ trên trường quốc tế "lung lay" dưới thời Tổng thống Trump? Ảnh: Getty |
Tác giả Stephen R. Grand - một thành viên cấp cao không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tự do ở Amsterdam đã đăng tải bài phân tích sâu về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump trên National Interest.
Nước Mỹ được thành lập dựa trên các nguyên tắc đạo đức. Do sở hữu vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên lý tưởng, nước Mỹ ngày càng giàu có, bắt đầu phát triển và mở rộng quyền lực ra bên ngoài lãnh thổ. Sau đó, ở đỉnh cao của quyền lực đó, Mỹ đang mất dần tính dân chủ vốn có.
Theo ông Stephen, nước Mỹ đã mất phương hướng đối với chính sách đối ngoại, thậm chí cả trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống.
Sự kết thúc của vị thế độc tôn
Theo bài phân tích, vị thế độc tôn của Mỹ như siêu cường duy nhất của thế giới được duy trì suốt gần 3 thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô đã kết thúc. Hiếm một quốc gia nào khác có thể sánh với Mỹ về quyền lực quân sự, kinh tế hay chính trị, nhưng Washington đã không còn có khả năng định hình các sự kiện thế giới như đã làm trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Với sự sụp đổ của Liên Xô, nước Mỹ cho rằng họ là siêu cường vô song. Tuy nhiên, họ cũng dần mất đi khả năng cạnh tranh và dường như không thể khách quan đánh giá các diễn biến mới.
Trên thực tế, Mỹ đã thiếu một chiến lược an ninh quốc gia chặt chẽ kể từ đó. Các chính phủ Mỹ tiếp theo đều “lảo đảo” chuyển từ chính sách này sang chính sách khác trong khi vật lộn với những thách thức của thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
Phong trào Mùa Xuân Ả rập chứng tỏ Mỹ không thể định hình trật tự thế giới như trong quá khứ. Ảnh: Getty |
Cựu Tổng thống George H. W. Bush từng khó khăn trong việc thiết lập thế cân bằng quyền lực mới ở châu Âu để giải quyết vấn đề tồn tại ở khu vực Đông Âu. Trong khi thống nhất nước Đức và hỗ trợ họ trở lại vị thế vững chãi ở phương Tây, chính quyền Bush cũng đồng thời tìm cách làm hài lòng người Nga với những lời hứa rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông.
Sau này, cựu Tổng thống Bill Clinton lại tiến hành mở rộng NATO, để các thành viên Đông Âu gia nhập và cố gắng truyền bá nhiều lợi ích của trật tự tự do trên toàn cầu. Đồng thời, chính quyền của ông cũng phải vật lộn ở những nơi như Somalia, Rwanda và Bosnia.
Vụ khủng bố ngày 11/9 đã gần như ngay lập tức đưa nước Mỹ vào thế phòng thủ, buộc họ phải thực hiện các biện pháp mở rộng để bảo vệ quê hương. Tuy nhiên, ông George W. Bush nhanh chóng lựa chọn tấn công vào Afghanistan và Iraq trong một nỗ lực sai lầm để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và tái thiết Trung Đông bằng quan điểm của Mỹ. Một số cố vấn thân cận nhất của ông đã ủng hộ ý tưởng về chủ nghĩa đế quốc Mỹ mới để áp đặt trật tự trên một thế giới ngày càng nhiều biến động.
Chính phủ Barack Obama đã tìm cách sửa chữa, cố gắng thu hẹp dấu chân quân sự của Mỹ ở Trung Đông trong khi đưa ra "một hướng đi mới" cho thế giới Hồi giáo. Ngoài ra, ông cũng tìm cách "xoay trục" nguồn lực và sự chú ý của Mỹ đối với châu Á. Nhưng với sự xuất hiện của Mùa xuân Ả rập (làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả rập: Tunisia, Algérie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Ả rập Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc), nước Mỹ lại một lần nữa cho thấy sự bất lực.
Trên thực tế, nước Mỹ không thể giải quyết mọi xung đột bạo lực, mọi lạm dụng nhân quyền, và mọi vi phạm đối với các định mức dân chủ xảy ra trên toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump tiếp tục với những chính sách đối ngoại gây nhiều tranh cãi
Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố với thế giới rằng Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với quốc gia hồi giáo này. Lý do mà ông Trump đưa ra là vì Iran vi phạm thỏa thuận, nhưng có thể sự thực không hẳn như vậy, chỉ là Mỹ muốn làm như thế.
Rất có thể, chính phủ của Tổng thống Trump đang có ý định phá hủy một trật tự quốc tế mà trong 70 năm qua đã liên tục cung cấp cho Mỹ và thế giới sự ổn định, thịnh vượng chưa từng có. Không chỉ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump dường như quyết định bỏ qua toàn bộ trách nhiệm quốc tế của Mỹ để theo đuổi lợi ích hẹp hơn chỉ của riêng đất nước ông.
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về việc rút quân của nước này khỏi Trung Đông, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Trump cũng dọa rời khỏi các tổ chức quốc tế lâu đời như G-7, NATO, WTO và NAFTA nếu Mỹ không nhận được nhiều lợi ích hơn.
Cách tiếp cận “kì lạ” của Mỹ hiện nay với phần còn lại của thế giới bị cho là khá cực đoan nhưng cũng không phải là một hậu quả đáng ngạc nhiên vì trên thực tế, chính sách đối ngoại của Mỹ đã không ổn định kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Nghệ thuật ngoại giao
Các nhà lãnh đạo Mỹ như Franklin Roosevelt và Harry Truman, Tướng George C. Marshall và Dean Acheson, nghị sĩ Arthur Vandenberg và J. William Fulbright là những người đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc định hình trật tự quốc tế ngày nay. Từ đống đổ nát của Thế chiến thứ II, họ đã tạo ra một cộng đồng rộng lớn bị chi phối ngày càng nhiều bởi luật pháp và thể chế thay vì bị quyết định bởi quyền lực.
Họ đã làm như vậy bằng cách đóng vai trò của người hòa giải. Giống như những giáo viên giỏi nhất trong một lớp học đông đúc, các nhà lãnh đạo Mỹ trước đây giúp giải quyết xung đột trên thế giới trước khi chúng xảy ra, cố gắng tìm giải pháp bền vững để thu hẹp sự khác biệt, đặc biệt là khi liên quan đến các sự kiện ở châu Âu.
Tốt nhất là nước Mỹ không cố gắng áp đặt ý chí của mình bằng vũ lực ở các nước khác, cũng như không phân chia và cai trị. Thay vào đó, họ nên tìm cách xây dựng các thể chế thúc đẩy hợp tác trong khi giảm nhẹ xung đột. Các quốc gia khác đã đồng ý tham gia vì họ đã nhận ra những lợi ích có thể đạt được, tác giả Grand kết luận.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo National Interest)