Dân trí dẫn nguồn hãng tin RT cho biết, cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ hôm 30/12 thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận bán đạn pháo khẩn cấp trị giá 147,5 triệu USD cho Israel, bỏ qua yêu cầu thông thường phải được quốc hội xem xét.
Theo đó, Israel sẽ nhận được hơn 57.000 quả đạn pháo 155mm cùng phụ kiện đi kèm.
Thông báo cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký vào thỏa thuận này vì "tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải bán ngay lập tức cho chính phủ Israel".
Trong khi Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ tuyên bố Israel phải "sử dụng đạn dược phù hợp với luật nhân đạo quốc tế", các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ điều kiện cụ thể nào đối với các gói viện trợ cho Israel.
Theo Báo Tuổi trẻ, quyết định khẩn cấp có nghĩa là việc bán thiết bị quân sự ra nước ngoài sẽ bỏ qua yêu cầu xem xét của Quốc hội.
Những quyết định như vậy rất hiếm nhưng không phải là chưa từng có - khi các chính quyền nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề mà không cần chờ sự chấp thuận của các nhà lập pháp.
Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra quyết định tương tự vào ngày 9/12 vừa qua, khi phê duyệt việc bán cho Israel gần 14.000 viên đạn xe tăng trị giá hơn 106 triệu USD.
Cả hai động thái đều diễn ra trong bối cảnh yêu cầu của Tổng thống Biden về gói viện trợ gần 106 tỉ USD cho Ukraine, Israel và các nhu cầu an ninh quốc gia khác vẫn bị đình trệ tại quốc hội.
Việc bỏ qua Quốc hội Mỹ bằng các quyết định khẩn cấp về việc bán vũ khí là một bước bất thường. Động thái tương tự trước đây đã từng vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp - những người thường đòi hỏi thời gian để cân nhắc việc chuyển giao vũ khí được đề xuất. Trong một số trường hợp, quốc hội có thể ngăn chặn.
Washington đã cung cấp cho Kiev hơn 2 triệu quả đạn 155mm kể từ tháng 2/2022 và ngay từ tháng 1 năm nay, Mỹ đã chuyển đạn từ kho dự trữ ở Israel và Hàn Quốc sang Ukraine. Động thái này khiến Israel không được trang bị đầy đủ đạn dược khi xung đột với Hamas nổ ra vào tháng 10.
Hàng chục nghìn quả đạn pháo dành cho Ukraine sau đó đã được gửi trở lại Israel để thay thế số đạn pháo đã lấy 10 tháng trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vận động Quốc hội thông qua dự luật chi tiêu trị giá 105 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và 14,3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.
Đảng Dân chủ đã thúc đẩy một dự luật thậm chí còn đắt đỏ hơn, trị giá 111 tỷ USD, nhưng đảng Cộng hòa đã bác bỏ cả hai văn bản trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ đông hai tuần trước.
Trong bối cảnh nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ sự dè dặt về việc tiếp tục viện trợ cho quân đội Ukraine, đảng này đã nói rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ dự luật nào về viện trợ nếu dự luật đó không bao gồm những thay đổi về luật nhập cư và tài trợ đáng kể cho an ninh biên giới.
VnExpress dẫn nguồn AFP cho biết, theo giới chức Israel, vụ tấn công của Hamas khiến hơn 1.140 người tại nước này thiệt mạng và hơn 8.700 người bị thương. Giao tranh tại Dải Gaza khiến hơn 21.500 người ở đây thiệt mạng và gần 56.000 người bị thương, cơ quan y tế địa phương cho biết.
Thương vong dân thường và mức độ tàn phá tại Dải Gaza khiến Israel vấp phải làn sóng chỉ trích ngày càng tăng từ quốc tế. Israel nhiều lần tuyên bố đang đầu tư nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại cho dân thường, đồng thời cho rằng điều này rất phức tạp do Hamas và các nhóm vũ trang khác đặt cơ sở quân sự giữa các khu vực dân sự.
Như Quỳnh(T/h)