(ĐSPL) - Thời gian gần đây, người dân ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội truyền tai nhau về một nhóm người được "thiên chúa ban ơn" hay đi giảng đạo, chữa bệnh cho mọi người.
Mọi chuyện vỡ lở khi một trong số những người được giảng đạo đó có triệu chứng bị "ma hành". Thấy vậy, nhóm người tự nhận được "thiên chúa ban ơn" đã đứng ra môi giới cho người bị bệnh một vị "thầy cao tay" để "đuổi ma". Giá để mua "thuốc đuổi ma" lên tới mấy chục triệu đồng nhưng kết cục thì "lợn lành thành lợn què".
Tự nhận được "ơn cha" để truyền đạo trái phép
Theo nguồn tin của báo Đời sống và Pháp luật, cách đây khoảng hai tháng, có một nhóm người, trú tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội tự nhận được "thiên chúa ban ơn" nên đã tụ tập nhiều người để giảng đạo lý, đồng thời còn chữa bệnh bằng tâm linh. Nhóm này hoạt động khá kín đáo xung quanh khu vực nhà thờ xã Bích Hòa nên quá trình tìm hiểu, khai thác thông tin của PV gặp rất nhiều khó khăn.
Sau hồi lân la hỏi chuyện khắp nơi, chúng tôi đã may mắn gặp được chị V. và được chị kể cho nghe câu chuyện. Chị V. cho biết: "Nhóm người này từ trước tới nay vẫn sinh sống tại làng và cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Tuy nhiên, cách đây hai tháng thì họ được một nhóm người lạ mặt nào đó rủ đi chơi đâu không biết. Khoảng một tuần sau khi trở về thì họ tự nhận là được "ơn cha, ơn chúa" và tiến hành truyền đạo. Thực chất thì những bài giảng đó có nội dung không khác mấy so với những giáo lý của người theo đạo Thiên chúa của chúng tôi nên cũng không có gì là quá to tát. Thế nhưng, những người này còn in truyền đơn phát cho người đến nghe để khuếch trương uy tín. Không những vậy, họ còn tự nhận có khả năng phán bệnh cho người đến nghe thuyết giáo. Việc chữa bệnh bằng tâm linh được thực hiện dưới hình thức là họ sẽ phán người này có bệnh gì và cách chữa trị ra sao. Thông thường là người bị bệnh sẽ cầu nguyện kết hợp với những phương pháp khác. Ban đầu, những người đến nghe nhóm này giảng đạo đông lắm, có khi tới nửa đêm mà vẫn chưa hết người. Người ta cứ đồn nhau là ngoài được "thiên chúa ban ơn" thì những người này còn có khả năng chữa bệnh bằng tâm linh nên ban đầu nhiều người tin theo. Tuy nhiên hiện nay, gần như không còn ai theo nữa vì họ nghi ngờ là nhóm này có liên quan tới một nhóm lừa đảo khác".
|
Xung quanh khu vực nhà thờ xã Bích Hòa là nơi những kẻ "giả thần lộng quỷ" hoạt động. |
Cũng theo lời kể của chị V. thì đây là một hội hoạt động khá bí mật. Những người tự nhận được "ơn cha, ơn chúa" chỉ chơi với nhau và họ có thể liên hệ với nhóm ở bên trên chứ người dân bình thường thì rất khó nắm bắt được hoạt động của họ. Sau khoảng một tháng hoạt động khá sôi nổi cùng nhiều lời đồn thổi thì chuyện này đến tai cha xứ. "Dân chúng tôi rất ngoan đạo, không bao giờ tin vào chuyện mê tín dị đoan nên khi cha cấm không được tham gia các hoạt động truyền giáo phi pháp như vậy thì nhiều người cũng từ bỏ mà không hăng hái như trước nữa. Lâu dần thì hoạt động của nhóm người này cũng đi xuống. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là trong số những người từng tham gia nghe truyền đạo này tự nhiên bị "ma hành". Ban đầu những người bị "ma hành" cũng không biết mình bị vậy, thậm chí cả những người tự nhận được "ơn cha, ơn chúa" cũng không tin điều này. Sau dần bệnh tình của người bệnh ngày càng nặng thêm với những hành động rất khó giải thích. Lúc đó, người bệnh mới cầu cứu đến "thầy bắt ma" để chữa bệnh. Những nghi ngờ cũng bắt đầu từ đây", chị V. cho biết thêm.
Mấy chục triệu đồng một "liều thuốc trừ tà"
Theo chỉ dẫn và giới thiệu của chị V., chúng tôi tìm tới nhà anh L. để tìm hiểu cụ thể hơn về trường hợp bị "ma hành" trên. Theo thông tin chúng tôi được biết, người bị "ma hành" là một người phụ nữ trung tuổi có tên là Th. và trước đây không hề có dấu hiệu bị bệnh. Gần đây, sau khi tham gia vào những buổi giảng kinh trái phép của nhóm người tự nhận được "ơn cha, ơn chúa" kia thì đột nhiên có những biểu hiện kỳ lạ. Anh L. kể: "Chị Th. ban đầu có những biểu hiện rất kỳ lạ như hay đánh người một cách vô cớ, hát suốt ngày mà không biết mệt và kỳ lạ hơn là tự nhiên có khả năng nhớ rất tốt. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là chị Th. còn chủ động đưa chân mình vào lửa để đến nỗi bị bỏng nặng phải nhập viện điều trị. Do dân ở đây theo đạo nên họ không mê tín. Vì thế, ban đầu không ai hiểu những hành động kỳ quặc và chưa từng xảy ra đối với chị Th. là thế nào. Sau cùng thì mọi người tin rằng, chị Th. bị "ma hành" và muốn điều trị thì phải nhờ có "thầy cao tay" để đuổi vong ra khỏi người".
Những người tự nhận là được "thiên chúa ban ơn" ngay lập tức đứng ra môi giới với một vị "thầy đắc đạo" với lời hứa là sẽ giúp đuổi vong ra khỏi người chị Th. ngay lập tức. Sau khi "thầy" đến đã nói với gia đình chị Th. rằng, muốn khỏi bệnh phải mua "bùa trấn tà" và giá của lá bùa đó lên tới 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi mua bùa cho chị Th. uống, tác dụng thì chả thấy đâu mà chỉ thấy bệnh tình nặng hơn. Anh L. kể: "Gia đình chị Th. sau khi bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để chữa trị nhưng không thuyên giảm đã rất tức giận với những người tự nhận "ơn cha, ơn chúa" kia và đã xảy ra xung đột, mâu thuẫn, cãi nhau rất gay gắt. Mới vừa rồi họ lại chủ động mời một "ông thầy" khác về "bắt ma" nhưng không rõ hiệu quả thế nào. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe nói (chứ đừng nói tới chuyện chứng kiến) một "liều thuốc trừ tà" nào lên tới mấy chục triệu đồng. Rõ ràng là lừa đảo trắng trợn!".
Cũng theo anh L. thì những trường hợp tự nhiên có hành động lạ như kiểu bị "ma hành" không chỉ riêng với chị Th. mà còn mấy trường hợp khác nữa trong thôn, xã cũng chỉ mới xuất phát thời gian gần đây. "Người dân đồn rằng, nhóm người tự nhận được "ơn cha, ơn chúa" kia cũng chỉ là nạn nhân của một nhóm lừa đảo cao hơn và chuyện người dân tự nhiên bị "ma hành" là do thế lực đó gây nên. Chính vì sự kiện tai tiếng này mà người dân ở đây không còn tin vào những lời lừa phỉnh của nhóm người tự nhận là được "thiên chúa ban" ơn nữa. Người ta cũng sợ mình là nạn nhân giống như trường hợp chị Th. nên đã bỏ hết và giờ đây, hội truyền đạo phi pháp này gần như không còn tồn tại. Có chăng chỉ mấy cá nhân đơn lẻ mà thôi".
Chính quyền địa phương không hay biết Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Hòa, Trưởng Công an xã Bích Hoà, cho biết: "Chúng tôi không biết và cũng không thấy nhân dân trình báo về tình trạng có nhóm người lợi dụng thần thánh để truyền đạo. Chúng tôi cũng không nhận được trình báo nào của nhân dân về trường hợp bị lừa đảo tiền. Tình hình an ninh trong khu vực vẫn được đảm bảo, an toàn". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-gia-than-long-quy-ban-thuoc-duoi-ma-gia-vai-chuc-trieu-a42674.html