+Aa-
    Zalo

    Chiến sự Israel – Hamas: Giật mình số tiền Israel tiêu tốn "khổng lồ" mỗi ngày

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich cho biết nước này sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2023-2024 do chi phí phát sinh từ cuộc xung đột với Hamas.

    Theo thông tin do hãng tin Reuters đăng tải, phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 25/10, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich ước tính chi phí trực tiếp của cuộc chiến tại Dải Gaza đối với Israel khoảng 246 triệu USD mỗi ngày.

    Con số này chưa bao gồm chi phí gián tiếp, bao gồm những tổn thất khi nền kinh tế tê liệt một phần do sự ảnh hưởng từ việc huy động hàng loạt lực lượng dự bị quân sự và thiệt hại từ các loạt rocket của lực lượng Hamas.

    Với nguyên nhân này, Bộ trưởng Smotrich cho rằng ngân sách quốc gia năm 2023-2024 đã "không còn phù hợp". Ông nhấn mạnh, Israel cần sửa đổi kế hoạch ngân sách cho cân đối với khoản chi tiêu phát sinh do cuộc chiến ở Dải Gaza.

    chien su israel hamas israel tieu ton mot so tien khong lo moi ngay
    Israel sẽ phải điều chỉnh lại ngân sách quốc gia năm 2023-2024 do chi phí phát sinh từ cuộc xung đột với Hamas. Ảnh: Getty Images

    Trước đó, hôm 24/10, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ triển vọng kinh tế của Israel từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực". Bình luận về vấn đề này, ông Smotrich nói đây là thông tin "đáng báo động" và ông không lường trước được mức thâm hụt lớn của Israel trong cuộc khủng hoảng lần này. Tuy nhiên, ông Smotrich mô tả tình trạng hiện tại căng thẳng tới mức vấn đề tài chính "chưa phải ưu tiên để giải quyết ngay lập tức".

    Trong khi đó, tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 25/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng xung đột Hamas-Israel đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế của các quốc gia gần đó như Ai Cập, Liban và Jordan.

    Bà Georgieva bày tỏ lo ngại cuộc xung đột này sẽ cướp đi nhiều sinh mạng, tàn phá và làm suy giảm hoạt động kinh tế. Bà nhấn mạnh khó khăn chồng chất khi xung đột tại Trung Đông xảy ra tại thời điểm tăng trường kinh tế chậm chạp, lãi suất cao và chi phí nợ tăng do COVID-19 và xung đột,...

    Xung đột Israel - Hamas bùng phát trở lại hôm 7/10 sau khi Hamas bắn hàng nghìn quả rocket về phía Israel. Giao tranh 3 tuần qua đã khiến hơn 6.500 người ở Dải Gaza và hơn 1.400 người ở Israel thiệt mạng. Giới chức Israel nhận định đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài nhiều tháng.

    Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

    Phương Uyên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-su-israel-hamas-ngay-28-10-2023-giat-minh-so-tien-israel-tieu-ton-khong-lo-moi-ngay-a596935.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan