Ông Putin cảnh báo hậu quả của xung đột Israel – Hamas
"Nhiệm vụ chính của chúng ta hiện nay là ngăn chặn bạo lực và đổ máu. Nếu không, cuộc khủng hoảng này sẽ leo thang và gây ra hậu quả cực kỳ nguy hiểm và tàn khốc, không chỉ với Trung Đông. Nó có thể lan ra ngoài biên giới Trung Đông",Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/10 cảnh báo.
Ông Putin cho rằng lực lượng quân sự của một số bên đang tìm cách khiến cho xung đột Israel - Hamas leo thang hơn nữa, cuốn thêm nhiều quốc gia nhất có thể vào cuộc chiến này. Theo ông, mục đích của việc này là "gây ra một làn sóng hỗn loạn và hận thù lẫn nhau thực sự không chỉ ở Trung Đông mà còn vượt xa biên giới khu vực".
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình của những người Israel và công dân các nước khác đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh giữa Israel - Hamas. Cuộc xung đột chuẩn bị bước sang tuần thứ 4, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 25/10 cho biết, quân đội nước này chuẩn bị tấn công trên bộ vào Gaza.
"Chúng ta đã loại bỏ hàng nghìn tay súng Hamas. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Quân đội đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ (vào Gaza)", Thủ tướng Netanyahu phát biểu trên truyền hình quốc gia. Ông cho hay, nội các thời chiến sẽ quyết định thời điểm lực lượng Israel tiến vào Gaza.
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho hay, Israel đã đồng ý hoãn việc tiến vào Gaza ở thời điểm hiện tại để Mỹ có thể triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tới khu vực nhằm bảo vệ lực lượng của mình ở đó, sớm nhất trong tuần này. Điều này cho thấy lo ngại của Mỹ về nguy cơ cuộc chiến Gaza lan rộng khắp Trung Đông. Mỹ và Israel chưa bình luận về thông tin này.
Nga thử nghiệm bộ ba hạt nhân quy mô lớn
Hãng tin RT dẫn thông tin mới nhất từ Điện Kremlin hôm 25/10 cho biết, cuộc thử nghiệm có sự tham gia của cả ba thành phần của bộ ba hạt nhân: Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, cuộc thử nghiệm tập trung vào việc mô phỏng “một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn của các lực lượng tấn công chiến lược Nga để đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù”. Cuộc thử nghiệm cũng đánh giá khả năng sẵn sàng của lãnh đạo quân đội trong việc chỉ huy các lực lượng hạt nhân chiến lược, nhấn mạnh tất cả các lực lượng liên quan đều “tuân theo” nguyên tắc và đạt được mục tiêu đề ra.
Cuộc tập trận bao gồm việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tối tân của Nga từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía bắc nước này. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura, trên bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông của Nga, cách bãi phóng hơn 5.700km.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho hay, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Tula của Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo Sineva từ biển Barents, ngay phía bắc vùng Arkhangelsk. Máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-95 cũng phóng một số tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Cuộc thử nghiệm diễn ra dưới sự giám sát của Tổng thống Nga Vladimir Putin và được điều phối một phần bởi Trung tâm Điều hành quốc phòng Nga ở Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố loạt video về cuộc tập trận, trong đó có các vụ phóng tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của Nga.
Trước đó, hôm 25/10, Hội đồng liên bang Nga (tức Thượng viện) đã nhất trí thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). CTBT cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân bất kể mục đích và môi trường, mở rộng các giới hạn được đặt ra trong hiệp ước cấm thử nghiệm một phần trước đó. Không giống như hiệp định tiền nhiệm năm 1963, hiệp định hiện tại chưa có hiệu lực vì một số quốc gia, trong đó có Mỹ, từ chối phê chuẩn.
Phương Uyên(T/h)