(ĐSPL) - Trước tình trạng bất ổn tại Iraq, Tổng thống Obama không loại trừ khả năng không kích vào lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan đang tiến về phía Baghdad.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn lực lượng thánh chiến bám trụ lâu dài trên lãnh thổ Iraq và Syria”. |
Theo Reuters, khi được hỏi về việc liệu Mỹ có không kích lực lượng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL), Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn lực lượng thánh chiến bám trụ lâu dài trên lãnh thổ Iraq và Syria”. Trong khi đó, một số quan chức ở Washington khẳng định rằng lục quân Mỹ sẽ không tham chiến ở Iraq.
Tổng thống Obama cũng chỉ trích Thủ tướng Iraq, ông Nouri al-Maliki, đã bất lực trong việc giải quyết chia sẽ nội bộ, giữa lúc lực lượng nổi dậy Sunni ngày càng lớn mạnh và nuôi dưỡng ý đồ lật đổ chính quyền từ lâu. Trước đó, Thủ tướng Maliki đã gửi điện đến Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và để nghị Mỹ yểm trợ bằng không quân để đối phó với quân nổi dậy.
Quốc hội Iraq đã có một cuộc họp bất thường vào ngày 12/6 để biểu quyết về việc ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng không thể bỏ phiếu vì số lượng nghị sĩ tham dự ít hơn quy định. Đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Iraq dẫn tới sự tê liệt và yếu kém trong hoạt động lãnh đạo.
Tại Baiji, quân nổi dậy đang vây quanh nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq, đe dọa đến ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này. Giá dầu Brent đã tăng 2\% hôm 12/6 do lo ngại tình trạng bạo lực ở Iraq đe dọa nguồn cung của OPEC. Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Abdul Kareem Luaibi, phần lớn mỏ dầu của Iraq ở phía Nam vẫn khá an toàn.
An ninh đang được thắt chặt ở thủ đô Baghdad để ngăn chặn lực lượng thánh chiến Hồi giáo tiến đánh thành phố. Cho tới trưa 10/6, quân nổi dậy vẫn chưa tiến vào thành phố Samarra, trên đường tiến vào Tigris, phía bắc Baghdad.
Trong khi đó, ở phía bắc Iraq, lực lượng người Kurd đã tuyên bố kiểm soát thành phố dầu Kirkuk sau khi lực lượng của chính phủ ở đây đã bỏ chạy. Người Kurd đang lợi dụng cơ hội này để sáp nhập thành phố Kirkuk vào khu tự trị của họ.
Nhiều người dân sống ở khu vực biên giới Syria cho biết mục đích của thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL) là củng cố sự hiện diện ở cả Iraq lẫn Syria để thành lập một nhà nước Hồi giáo kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-su-iraq-my-co-the-khong-kich-phien-quan-isil-a36758.html