(ĐSPL) - Việc chính phủ Iraq mất thành phố lớn thứ nhì Mosul về tay một chi nhánh của al-Qaeda đang gây ra mối đe dọa không chỉ đối với Iraq mà cả Trung Ðông.
|
Sau khi đánh chiếm Mosul - thành phố lớn thứ 2 ở Iraq, quân Hồi giáo cực đoan ISIL chiếm luôn cả thành phố Tikrit gần Bagdad. |
Theo VOA, Mỹ thừa nhận tình hình an ninh ở Iraq đang xấu đi nghiêm trọng và kêu gọi chính phủ ở Baghdad nên tiếp xúc với các sắc dân thiểu số đang bất mãn.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest ngày 10/6 lên án “cuộc xâm lấn ở Mosul” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Ðông” (ISIL). Ông nói vụ này đã khiến cho an ninh bị xấu đi một cách nghiêm trọng ở tỉnh Nineveh với đa số dân người Hồi giáo Sunni.
Phát ngôn viên Josh Earnest nói: “Tình hình cực kỳ nghiêm trọng và các giới chức Mỹ - ở cả Washington lẫn Baghdad - đều đang theo dõi sát các diễn biến với sự phối hợp của chính phủ Iraq. Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Iraq và cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết và thích đáng cho chính phủ Iraq theo thỏa thuận khung chiến lược để hỗ trợ cho Iraq trong cuộc chiến chung chống lại mối đe dọa mà ISIL gây ra cho Iraq và khu vực rộng lớn hơn”.
Ông Earnest cho biết Mỹ đang cung cấp tên lửa Hellfire, hàng triệu băng đạn cho vũ khí nhỏ, hàng ngàn đạn pháo, hỏa tiễn phóng từ trực thăng vũ trang, đại bác, lựu đạn, súng bắn tỉa, súng trường M16, M4… cho lực lượng an ninh Iraq.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cũng kêu gọi Thủ tướng Nouri al-Maliki và chính phủ do người Shi’ite lãnh đạo phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết điều ông gọi là “các vấn đề còn tồn đọng để thỏa mãn nhu cầu của tất cả dân chúng Iraq”.
Hồi đầu năm nay, ISIL cũng đã chiếm một thành phố khác của Iraq là Fallujah và lực lượng chính phủ đã không lấy lại được sau nhiều tháng giao tranh. Về phía tây Mosul, các phần tử chủ chiến đã chiếm quyền kiểm soát nhiều phần ở miền đông Syria trong cuộc chiến đấu chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Chuyên gia phân tích của hãng tư vấn RAND, ông Ben Connable, cho rằng các phần tử nổi dậy đang tìm cách thiết lập một quốc gia Hồi giáo với các khu vực mà họ nắm quyền kiểm soát ở miền đông và miền tây Syria. Ông nói: “Mục tiêu của ISIL dường như là chiếm tất cả các tỉnh của người Sunni ở Iraq, ít nhất là để khởi đầu”.
Ông Connable cho rằng việc Mosul thất thủ cho thấy nhiều vấn đề tiềm ẩn trong nước sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq thoái năm 2011. Ông này cáo buộc Thủ tướng Maliki là gây “thiệt hại đáng kể” cho mối quan hệ giữa người Hồi giáo Shi’ite và người Hồi giáo Sunni. Ông nói các giới chức Sunni và các bô lão bộ tộc mà ông đã nói chuyện cảm thấy bị chính phủ trung ương gạt ra rìa và điều đó nuôi dưỡng sự ủng hộ dành cho ISIL.
|
Bản đồ chiến sự ở Iraq |
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/6 cảnh báo: “Mối đe dọa mà ISIL đang gây ra không chỉ là một mối đe dọa đối với Iraq hay sự ổn định của Iraq, mà còn là một mối đe dọa cho toàn khu vực. Và mối đe dọa ngày càng tăng này thể hiện tầm quan trọng của việc người Iraq từ tất cả các cộng đồng phải hợp tác với nhau để đối đầu với kẻ thù chung và cô lập hóa các nhóm chủ chiến này”.
Ông Rami Khoury, giám đốc Viện Issam Fares về Chính sách công và các vấn đề quốc tế tại Đại học American ở Beirut, nói sự sụp đổ của Mosul đặt ra một vấn đề to lớn, không riêng cho Iraq mà cho cả khu vực và toàn thế giới.
“Trước hết, điều này có nghĩa là Iraq - đất nước và chính phủ - không có khả năng kiểm soát các trung tâm dân cư chính và cũng đã mất quyền kiểm soát những khu vực lớn ở nông thôn quanh đó. Và nguy cơ của sự việc này là nó có nghĩa là nhóm ISIL nắm quyền kiểm soát lãnh thổ, kiểm soát các cửa khẩu biên giới, kiểm soát các nguồn dầu khí, tài nguyên khoáng sản, thu nhập thương mại. Họ có cơ sở ở giữa lòng Trung Ðông và họ có được hậu thuẫn quần chúng .. và họ có khả năng tổ chức và thực hiện sứ mạng của mình ở những khu vực lớn hơn của Trung Ðông. Họ có thể đe dọa các nước láng giềng”.
Ông Khoury nói đà tiến quân của ISIL có thể buộc cả các chính phủ do người Shi’ite và Sunni lãnh đạo trong khu vực phải tiến tới đối thoại và hòa giải trong nỗ lực khôi phục an ninh cho cả Syria và Iraq và có lẽ còn phải tạo ra một khuôn khổ an ninh khu vực - có sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arập Xêút.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hau-qua-nghiem-trong-cua-viec-chinh-phu-iraq-mat-mosul-a36590.html