Không phải trò đùa
Cách đây một năm, các chuyên gia phương Tây đã phì cười khi nhìn thấy bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng bên cạnh một quả cầu mà tờ báo nước này tuyên bố là một vũ khí hạt nhân thu nhỏ.
“Nó trông như một quả bóng disco kỳ quái”, một chuyên gia tình báo Mỹ đã mỉa mai như vậy trên trang Twitter.
Nhưng giờ đây, không còn nhiều người nở được nụ cười như ngày đó.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng bên vật được mô tả là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ hồi tháng 3/2016. |
Hôm 8/8, tờ Washington Post đưa tin, một đánh giá tình báo Mỹ kết luận, Bình Nhưỡng đã thực sự thành công trong việc tạo ra đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, một tiết lộ khiến cho căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên càng thêm lo lắng và bế tắc.
Ngay sau báo cáo trên, Tổng thống Donald Trump cảnh báo chính quyền Kim Jong-un tốt nhất là không nên đe dọa nước Mỹ, nếu không Triều Tiên “sẽ phải hứng chịu thứ hỏa lực và cơn cuồng nộ chưa từng có”.
Phản ứng lại, Triều Tiên lập tức tuyên bố, họ đang cân nhắc một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam của Mỹ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, gần như ngay lập tức những lời chỉ trích, mỉa mai đổ dồn vào ông.
Giới quan sát Hàn Quốc thậm chí còn đặt ra câu hỏi, ở tuổi 27, liệu nhà lãnh đạo này có duy trì được quyền lực của mình, đồng thời suy đoán, ông sớm sẽ bị chi phối hoặc bị cô lập bởi các quan chức cấp cao trong quân đội.
“Nhưng Kim đã chứng tỏ sự hoài nghi đối với bản thân ông là điều sai lầm”, Tribune News Service mô tả.
Không ai phủ nhận được những quyết sách có tầm ảnh hưởng lớn của ông Kim khi cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bình Nhưỡng đều đặn phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa với những thành tựu không ngờ đối với một quốc gia không phải là phát triển ở châu Á.
Moon Chung-in, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc nói rằng, chính quyền Kim Jong-un đã tiến hành các bước đi hợp lý để củng cố sức mạnh nội tại, với mục tiêu ngăn chặn bất kỳ hình thức tấn công hoặc can thiệp nào đến từ Mỹ.
Bình Nhưỡng tuyên bố đã có kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ. (Ảnh minh họa) |
“CHDCND Triều Tiên hiện tại là rất ổn định”, Moon nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Seoul. “Kim Jong-un có quyền lực hợp nhất hoàn toàn”.
Jonathan D. Pollack, một chuyên gia về Triều Tiên và là thành viên cao cấp tại viện Brookings mô tả những người từng bỡn cợt Triều Tiên, hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ là trò đùa không đáng để tâm giờ đây sẽ phải suy nghĩ lại.
“Tôi luôn coi đó là tình trạng nghiêm túc. Quốc gia này không phải là một bộ phim hoạt hình. Họ đang gia tăng sức mạnh hàng ngày”, Pollack nói về Bắc Triều Tiên
Tổng thống Trump và lằn ranh đỏ đáng ngại
Tuyên bố cho Triều Tiên nếm thứ “hỏa lực và sự cuồng nộ chưa từng có” của Tổng thống Trump có thể coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng.
Nhưng với nhiều người, những lời khẩu chiến dường như chẳng mang lại bất cứ thứ áp lực nào khiến Triều Tiên phải run sợ.
Thượng nghị sĩ John McCain nói, ông không đánh giá cao lời hùng biện của Tổng thống Trump.
“Bạn phải chắc chắn rằng mình làm được thì hãy nói”, người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ khuyên ông chủ Nhà Trắng cần học theo Roosevelt – cựu Tổng thống Mỹ, không nói nhiều nhưng mang theo một “cây gậy lớn”.
“Tôi không chắc sự hùng biện sẽ giúp ích trong vấn đề này”, ông McCain nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein cũng chỉ trích bình luận của Tổng thống và kêu gọi Washington cần có giải pháp cụ thể: “Tổng thống Trump không giúp gì cho tình hình với bình luận khoa trương của mình”.
Những tuyên bố "bốc hỏa" của Tổng thống Trump chưa đủ để giải quyết tình hình. |
Theo John Kirby, nhà phân tích an ninh quốc gia nổi tiếng của CNN, tuyên bố "bốc hỏa" của Tổng thống Trump chỉ làm tăng thêm căng thẳng.
Triều Tiên hiện đang "kiểm tra cẩn thận" kế hoạch tấn công Guam, lãnh thổ có hơn 160.000 công dân Mỹ sinh sống.
Các nhà quan sát tự hỏi, đây liệu có phải lằn ranh đỏ của Tổng thống Trump sau rất nhiều lời tuyên bố đanh thép?
Ông Trump từng chỉ trích người tiền nhiệm Obama của mình đã không cứng rắn trong giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng giờ đây, hướng đi của nhà tỷ phú Mỹ được đánh giá là không có nhiều thay đổi.
Đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ đang làm việc với vấn đề Triều Tiên bằng cách tiếp cận cẩn trọng, tỉ mỉ.
Chỉ một tuần trước Ngoại trưởng Tillerson đã nói rõ rằng là Washington: 1, không tìm cách thay đổi chế độ; 2, không coi Triều Tiên là kẻ thù; và 3, không loại trừ các cuộc đàm phán trực tiếp vào một lúc nào đó.
Việc theo đuổi phương pháp này được cho là cách tiếp cận hòa bình và phù hợp nhất.
Nhưng với nhiều người Mỹ, mà cụ thể hơn là công dân ở đảo Guam, điều họ cần hiện tại không phải là kế hoạch, cũng không phải diễn giải về cách tiếp cận nào hợp lý.
Nếu Triều Tiên có năng lực tấn công vươn tới đảo Guam, những người sống ở nơi đây mong chờ một quyết định cụ thể và thực tế, cho thấy họ sẽ được bảo vệ thế nào, thay vì những tuyên bố “bốc lửa và cuồng nộ”.
Vẫn còn thời gian cho ngoại giao, vẫn còn chỗ cho áp lực quốc tế, nhưng Tổng thống phải là người quyết đoán cho phép nhóm của ông tiếp tục công việc quan trọng đó.