+Aa-
    Zalo

    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 25/7/1944, chiếc máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới của Không quân Đức Messerchmit -262 đã xuất kích.

    Ngày 25/7/1944, chiếc máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới của Không quân Đức Messerchmit -262  đã xuất kích.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức

    Messerchmit -262: Chiến đấu cơ phản lực đầu tiên trên thế giới

    Nó đã phát hiện  một chiếc máy bay ném bom tốc độ cao  Mosquito của Không quân Anh trên bầu trời Munich. Mặc  dù có tốc độ cao và sau nhiều lần cơ động nhưng viên phi công Đức đã không hạ được chiếc máy bay này của Anh.
    Mặc dù vậy, ưu thế kỹ thuật vượt trội của  chiếc máy bay phản lực mới này trước các máy bay của đồng minh là một thực tế không thể bàn cãi. Nhưng có lẽ do chúng  xuất hiện quá muộn nên đã  không trở thành loại “ vũ khí thần kỳ” để có thể tạo nên được bước ngoặt  cơ bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
    Có lẽ Đức quốc xã quá nóng vội nên Me-262,  dù chưa qua tất cả các thử nghiệm cần thiết nhưng vẫn được đưa vào tham chiến.  Hậu quả là đã xảy ra nhiều  vụ tai nạn ngoài tác chiến làm thiệt mạng một số  phi công Đức.       
    Chỉ trong thời gian từ năm 1944 đến 1945,  các nhà  máy sản xuất máy bay của Đức đã xuất xưởng được 1.433 chiếc Me-262 và bàn  giao cho quân đội để đưa ra mặt trận. Me-262 đã trở thành loại máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong Thế chiến thứ hai.
    Chiếc máy bay này  xứng đáng được ghi vào lịch sử hàng không thế giới vì nó đã mở ra một thời kỳ mới trong  lịch sử các cuộc không chiến. 
    Tổng công trình sư Yakovlev phản đối “nhân bản” Me-262
    Sau  chiến tranh , Liên Xô nghĩ ngay đến việc sản xuất hàng loạt Me-262.
    Bộ trưởng Bộ công nghiệp hàng không Liên Xô  P.V. Demetyev cho rằng: “Có thể triển khai sản xuất hàng loạt  máy bay phản lực Me-262 tại nhà máy  số 381 ở Mátxcơva  và  số 292 ở Saratov.  Nhiệm vụ  nghiên cứu kết cấu, bản vẽ kỹ thuật và các phương án cải tiến để lắp đặt các trang thiết bị và vũ khí của Liên Xô cho loại máy bay này đã được giao cho Tổng công trình sư Miasishev và đồng chí  này đã bắt đầu triển khai công việc”.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức

    Tổng công trình sư A.Yakovlev kiên quyết phản đối ý tưởng "nhân bản" Me-262.

    Tuy nhiên, một tổng công trình sư hàng không có uy tín  là A.Yakovlev lại kiên quyết phản đối ý tưởng này.
    Tại một cuộc họp do  Stalin chủ trì về các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành công nghiệp hàng không, chủ tọa có đề cập đến vấn đề sản xuất hàng loạt theo mẫu Me-262 chiến lợi phẩm mà Quân đội Liên Xô thu được.
    Khi được Stalin hỏi quan điểm của mình về vấn đề này, A. Yakovlev đã trả lời là ông đã nghiên cứu loại máy bay này và cho rằng chúng không hoàn thiện, khó điều khiển,  không ổn định khi bay và đã có rất nhiều tai nạn xảy ra tại Đức.
    Ngoài ra, việc sản xuất hàng loạt  Me-262 sẽ gây ra những thiệt hại lớn đối với công tác  nghiên cứu, sản xuất máy bay phản lực trong nước.   
     Stalin đồng ý với ý kiến trên và ý tưởng sản xuất hàng loạt Me-262 của Bộ trưởng công nghiệp hàng không Demetyev bị bác bỏ.  
     “Junker” đến Liên Xô
    Tại khu vực Liên Xô chiếm đóng trên đất Đức có rất nhiều các nhà máy công nghiệp hàng không. Phần lớn trong số đó là của những công ty rất mạnh như  “Junker”, “Heinkel”, “Focke Wulf” và “ Dornier”.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức

    Chiến đấu cơ phản lực He-280 của Đức Quốc xã

     
    Tuy nhiên, phần lớn  các nhà máy trên đã bị tàn phá  nặng nề sau các cuộc ném bom của quân  đồng minh , một số đã trở thành đống gạch vụn. Những trang thiết bị quan trọng, một số mẫu thiết kế kỹ thuật mới nhất cùng  các tài liệu kỹ thuật đã bị đưa về phương Tây. Một loạt các  nhà  khoa học và  các công trình sư nổi tiếng của Đức như  Prandtl, Betz, Busemann, Heinkel, Lippish và nhiều người khác cũng có số phận tương tự. 
    Ngay sau khi Quân đội Liên Xô tiếp quản, tất cả những gì có thể dùng được tại các nhà máy nói trên được đều được tháo dỡ và đưa về Liên Xô. Đến giữa năm 1946, tổng cộng đã có 123.000 máy công cụ và các trang thiết bị công nghiệp khác  được đưa từ Đức về Liên Xô. 
    Chính từ những máy móc và trang thiết bị này mà  Liên Xô đã xây dựng được 10 nhà máy, trong đó có 2 nhà máy chế tạo máy bay và 3 nhà máy chế tạo động cơ.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức

    Máy bay ném bom phản lực Arado -234X

    Dĩ  nhiên, các chuyên gia Liên Xô cũng ngay lập tức nghiên cứu những thành tựu của khoa học và kỹ thuật hàng không Đức. Một trong những thành tựu quan trọng  nhất được đặc biệt quan tâm -  đó là chế tạo  máy bay phản lực .
    Những phát hiện đáng giá 
    Tháng 3/1945, khi số phận của nước Đức cơ bản đã được định đoạt,  Hội đồng quốc phòng Liên Xô đã ra sắc lệnh về việc đưa các trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật về radar từ các nhà máy của Đức về Liên Xô để ngiên cứu.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức
    "Bom bay" V-1 của Đức Quốc xã từng reo rắc kinh hoàng ở thủ đô London
    Những  nhà máy được quan tâm hàng đầu trong danh mục này là  các nhà máy sản xuất “V-1” và “V-2” ( Vergeltung Swaffe).
    Đến đầu tháng 5/1945, khi những trận chiến đẫm máu còn đang diễn ra tại Berlin, các nhóm chuyên gia Liên Xô đã bắt tay vào nghiên cứu những căn cứ bí mật tại Đức.
    Những “chiến lợi phẩm” tìm được thật quý giá. Trong số đó có các mẫu máy bay phản lực Me-163, Me-262, Arado -234X, một số động cơ máy bay còn nguyên vẹn, toàn bộ các bản báo cáo về những thử nghiệm máy bay và các bộ phận của nó trong ống khí động lực  tốc độ cao DVL, các mẫu radar lắp trên máy bay và rada mặt đất, mẫu máy bay-đầu đạn (dạng tên lửa có cánh) có người lái V-1, thân của máy bay He-152.
    Chúng  lập tức được đưa về Moscow.
    Viện sỹ G.Biushgens nhớ lại : “ Sau khi kết thúc chiến tranh, các nhà khoa học của TSAGI ( Viện khí- thủy lực học trung ương ) và một số  chuyên gia hàng không đầu ngành có điều kiện tiếp cận với các tài  liệu chiến lợi phẩm về nghiên cứu hàng không tại Viện DVL của Đức ở Adlershof. Trong những tài liệu này, ngoài các  bản báo cáo  kết qủa thử  nghiệm còn có các mô hình máy bay và các số liệu khác. Mới đầu các chuyên gia TSAGI chưa đáng giá được hết giá trị của các tài liệu trên. Nhưng ngay sau đó, nhiều người trong số họ đã nhanh chóng nhận thức được  triển vọng của các hướng nghiên cứu này.  Công tác nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm tiếp theo trên cơ sở các tài liệu của Đức  được giao cho tập thể các nhà khoa học có uy tín nhất của viện”.  
    Nghiên cứu các thiết kế của đối thủ 
    Ngoài các tài liệu kỹ thuật, các chuyên gia Xô Viết còn tìm thấy  được một mẫu chưa hoàn chỉnh của máy bay phản lực một động cơ He-162, 3 máy bay tiêm kích phản lực hai động cơ đã bị  hư hại nhẹ  He-280. Tại một sân bay tại ngoại ô Praha, còn 2 chiếc máy bay phản lực Me-262 tương đối nguyên vẹn và 4 chiếc máy bay cùng loại trên nhưng đã bị tháo rời.
    Chiến đấu cơ phản lực Liên Xô có “chất xám” Đức
    Người Mỹ đã dựa vào tên lửa V-2 của Đức Quốc xã để phát triển ngành hàng không vũ trụ.
    Đây là một nội dung  trong các báo cáo của các nhà khoa học Xô Viết : “ Kỹ thuật phản lực tại Đức thời gian gần đây đã có những bước phát triển rất mạnh. Kết quả nghiên cứu sơ bộ những mẫu phương tiện kỹ thuật phản lực chiến lợi phẩm thu được của Đức như: máy bay tiêm kích phản lực , máy bay cường kích, máy bay ném bom phản lực, các động cơ tua bin khí, động cơ phản lực nhiên liệu lỏng, các đầu đạn phản lực được điều khiển bằng sóng vô tuyến, những đầu đạn phản lực không điều khiển ( tầm xa và phòng không), tên lửa có cánh và bom bay có điều khiển và không điều khiển  cho thấy rằng -  việc ứng dụng kỹ thuật phản lực trong hàng không và pháo binh đã được tiến hành với quy mô lớn ở  Đức và người Đức đã đạt được  nhiều thành tựu rất quan trọng trong lĩnh vực này”. 
    Để nghiên cứu các “thành tựu của kẻ thù ” và khả năng ứng dụng chúng, chính phủ Liên Xô đã ra sắc lệnh thành lập một Ủy ban liên ngành nghiên cứu kỹ thuật phản lực trực thuộc Ủy ban quốc phòng  ngay vào  mùa hè năm 1945.
    Chỉ đến tháng 8/1945, Liên Xô đã tiến hành thử nghiệm động cơ tuabin phản lực Jumo 004, VMTG 003 và Heinkel  S-8a, sau đó chuẩn bị xuất xưởng hàng loạt các động cơ Jumo 004 và BMW 003 . Nhà máy thử  nghiệm sô 51  bắt đầu sản xuất các tên lửa có cánh  “10X” theo mẫu tên lửa V-1 của Đức.  
    Các nhà khoa học “chiến lợi phẩm”
    Cũng ngay trong năm 1945,  một số nhà lãnh đạo Liên Xô đã đưa ra ý tưởng sử dụng các chuyên gia Đức để phát triển kỹ thuật hàng không phản lực tại Liên Xô. Bộ trưởng Bộ công nghiệp hàng không Shakhurin ( mới) đã gửi Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô một bức thư mật với đề nghị như trên.
    Trong thư đó có đoạn: “ Một số lượng lớn các nhà khoa học và chuyên gia Đức trong lĩnh vực hàng không hiện đang nằm  trong tay chúng ta. Họ  có những kiến thức rất sâu và uyên bác  tích lũy được trong quá trình làm việc  tại các cơ quan  nghiên cứu và thử nghiệm của  Đức. Xét từ góc độ này, sẽ là rất hợp lý nếu thành lập một số cơ quan theo một quy chế  đặc biệt (do Bộ nội vụ-NKVD - quản lý ) theo mô hình các cơ quan  tương tự ( của Đức) trên lãnh thổ  Liên Xô hoặc trên khu vực lãnh thổ Đức mà chúng ta đang chiếm đóng để các nhà khoa  học Đức có thể tiến hành các công tác nghiên cứu thử nghiệm khoa học theo yêu cầu của chúng ta”.
    Ý tưởng này được báo cáo ngay với  Stalin và được chấp thuận.  Việc tìm kiếm và tập trung các nhà khoa học Đức được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau. Một  số nhà khoa học như cựu lãnh đạo cơ quan thử nghiệm của hãng “Junker”, tiến sỹ B. Baade tự nguyện hợp tác để tiếp tục các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không .
    Chuyên gia khí động học của  Hãng “ Heinkel” là  Z. Giunter  cũng chủ động đề nghị  hợp tác với chính quyền Xô Viết. Nhiều người khác thì đơn giản làm việc vì tiền và các khẩu phần lương thực. Một số khác nữa thì buộc phải “hợp tác”  vì đã nghe quá nhiều về “ sự cứng rắn” của Bộ nội vụ Liên Xô (NKVD) nên sợ hãi không dám từ chối khi được gọi.
     Lịch sử im lặng
    Tính tổng cộng đã có hơn 1.000 các nhà khoa  học Đức được Liên Xô tuyển dụng . Họ được đưa về  Berlin , Dessau, Leizig, Halle, Strafurt và Rostock.  Mỗi người tự viết một bản tường trình về quá trình làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học và các công trình nghiên cứu  của mình.
    Sau khi nghiên cứu các bản tường trình, các chuyên gia Xô Viết đưa ra các kết luận và giao nhiệm vụ mới cho các nhà khoa  học “ chiến lợi phẩm”.  Các  kết quả  nghiên cứu của họ được chuyển  cho Bộ công nghiệp hàng không, các viện nghiên cứu khoa  học để xem xét và ứng dụng.
    Vào cuối tháng 8/1946, những nhà khoa  học Đức “có giá” nhất và nhiều  chuyên gia Đức có triển vọng  được “ lựa chọn”  đưa về Liên Xô. Có tới gần 7.000 người thuộc diện này. Những  chuyên gia sản xuất máy bay được đưa về nhà máy thử  nghiệm số 01 ở làng  Podberezie ven hồ Mátxcơva.
    Các chuyên gia về động cơ phản lực tuabin khí và trang  thiết bị hàng không được điều đến nhà máy số 02 cách không xa Kuibyshev ( nay là Samara – ven sông Volga), các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động cơ được bố trí làm việc tại các xí nghiệp ở ngoại ô Moscow như nhà máy sô 500 ở Tushina và nhà máy số 456 ở Khimki. 
    Đã 70 năm trôi qua nhưng cho đến nay, không ai biết là các nhà khoa học và các chuyên gia hàng không Đức đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của ngành chế tạo máy bay Liên Xô và họ đã gợi ý cho các đồng nghiệp Xô Viết những ý tưởng gì.     
    Không một thông tin nào về những đóng góp của họ. Ít nhất là cho đến thời điểm này.   
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-dau-co-phan-luc-lien-xo-co-chat-xam-duc-a46770.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan