Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã đăng tải một video về hệ thống giám sát vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, lần đầu tiên hé lộ tiềm lực của Cơ quan Kiểm soát Đặc biệt (SCS).
Hệ thống giám sát vũ khí hạt nhân toàn cầu
Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video về SCS - đơn vị giám sát hoạt động thử vũ khí hạt nhân trên khắp thế giới nhân kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng này. "Ngoài việc theo dõi, kiểm tra vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, SCS còn giám sát việc tuân thủ các điều ước quốc tế về giới hạn và cấm vũ khí hạt nhân", tuyên bố chính thức của Bộ cho hay.
Trong video, quân đội Nga đã hé lộ các thiết bị của hệ thống theo dõi thử vũ khí hạt nhân toàn cầu, một trong những khí tài hiện đại nhất trong biên chế SCS. Hệ thống này sử dụng hàng loạt cảm biến để phát hiện tín hiệu bức xạ và bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân, giúp xác định vị trí và các dữ liệu chi tiết về hoạt động thử nghiệm.
Cơ quan SCS của Nga tập trung giám sát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Ảnh: Getty |
Thành lập từ năm 1958, SCS trước đây là đơn vị của Liên Xô, hiện trực thuộc Tổng cục 12, Bộ Quốc phòng Nga. SSK tập hợp các chuyên gia quân sự trong lĩnh vực giám sát thử nghiệm hạt nhân, đồng thời thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng.
SCS cũng đảm bảo cho việc Nga tham gia cơ chế quốc tế về giám sát Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), cũng như phối hợp hoạt động của chính phủ liên bang và Viện Hàn lâm Khoa học Nga để thực thi CTBT.
Các nhiệm vụ ưu tiên khác của SCS bao gồm theo dõi tình hình địa chấn, bức xạ trong lãnh thổ Nga và trên toàn cầu, cũng như bất kỳ tai nạn hoặc biến cố hạt nhân nào khác.
Sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân
Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí nguy hiểm nhất trên Trái Đất. Người ta có thể phá hủy toàn bộ thành phố và khiến hàng triệu người thiệt mạng cũng như gây nguy hiểm cho môi trường sống của các thế hệ trong tương lai. Hệ lụy của vũ khí hạt nhân phát sinh từ chính sự tồn tại của chúng.
Nga là quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Ảnh: Getty |
Mặc dù vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng 2 lần trong Thế chiến thứ II, nhằm vào thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi năm 1945, cho đến nay, khoảng 22.000 người vẫn đang bị ảnh hưởng.
Trong vòng hơn 70 năm qua, thế giới chứng kiến thêm khoảng 2.000 vụ thử nghiệm hạt nhân. Giải trừ vũ khí là sự bảo vệ tốt nhất chống lại những nguy hiểm như vậy, nhưng đạt được mục tiêu này là một thử thách vô cùng khó khăn cho toàn nhân loại.
Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tìm cách loại bỏ vũ khí hạt nhân kể từ khi tổ chức mới được thành lập. Nghị quyết đầu tiên được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 1946 đã thành lập một Ủy ban giải quyết các vấn đề liên quan đến việc phát hiện năng lượng nguyên tử từ các quốc gia. Ủy ban đã đưa ra các đề xuất, liên quan đến việc kiểm soát năng lượng nguyên tử ở một mức độ cần thiết để đảm bảo mục đích hòa bình.
Một số hiệp định đa phương đã được ký kết với mục đích ngăn chặn sự gia tăng hạt nhân cũng như tiến hành thử nghiệm, đồng thời thúc đẩy tiến bộ trong giải trừ hạt nhân. Chúng bao gồm: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong không gian bên ngoài và dưới nước - còn được gọi là Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (PTBT); Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), được ký kết vào năm 1996 nhưng vẫn chưa có hiệu lực và Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), mới được đưa ra hồi năm 2017.
[presscloud]3699[/presscloud]
CNN dẫn dữ liệu từ Sách Hạt nhân được xuất bản hàng tháng trên trang Bulletin of the Atomic Scientists cho thấy, 10 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện nay là Nga, Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Israel, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên và Iran.
Trong đó, Nga là quốc gia có sở hữu nhiều nhất với số lượng lên đến khoảng 7.300 vũ khí, với 1.790 vũ khí chiến lược đang hoạt động. Mỹ đứng thứ 2 với 4.670 đầu đạn có thể sử dụng được.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Scroll, Newyorker, UN, TASS)