Tờ Phụ Nữ Số dẫn thông tin từ ETtoday cho biết, xác ướp từ thời Tây Hán của Tân Truy phu nhân (217 TCN - 168 TCN) từng gây rúng động giới khảo cổ vì tuy đã được an táng hơn 2.000 năm nhưng ngoại trừ các biến dạng trên bề mặt, thi thể bà giống như người mới được chôn cất.
Làn da của Tân Truy phu nhân vẫn còn ẩm, mềm, mô vẫn đàn hồi, các khớp vẫn cử động được, lông mi, lông mũi vẫn còn, màng nhĩ trái còn nguyên vẹn. Thậm chí, các đường vân trên ngón tay, ngón chân vẫn còn rõ.
Sau khi giải phẫu, người ta thấy các cơ quan nội tạng của Tân Truy phu nhân được bảo quản tốt. Các sợi collagen giống như khi bà mới qua đời, dây thần kinh phế vị ở phổi mỏng như sợi tóc có thể đếm được, trong khi các mạch máu vẫn hiện rõ và xác định được bà mang nhóm máu A.
Được biết, Tân Truy phu nhân là vợ của Thừa tướng Lợi Thương thời nhà Hán, qua đời vào năm 163 trước Công nguyên. Thi thể của bà được khai quật vào năm 1972 và bà được mệnh danh là “người đẹp ngủ trong rừng phương Đông”.
Xác ướp của vị phu nhân này được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Nam (Trung Quốc). Ngày 17/5, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hoàn thành việc khai quật di tích Mã Vương Đôi, Bảo tàng Hồ Nam lần đầu tiên công bố hình ảnh 3D của Tân Truy phu nhân được phục dựng bằng AI.
Mã Vương Đôi là một địa điểm khảo cổ gồm 2 ngọn đồi hình yên ngựa và lăng mộ của 3 người của một gia đình hầu tước thời Tây Hán. Với việc hơn 3.000 di vật được khai quật ở đây, Mã Vương Đôi trở thành một trong những di sản văn hóa quý giá, là khám phá khảo cổ quan trọng nhất trong thế kỷ 20 của Trung Quốc.
Trong số đó, thi hài Tân Truy phu nhân đươc khai quật ở độ sâu 16m cùng nhiều cổ vật quý giá. Sau khi được khai quật, vị phu nhân này được phát hiện mặc 18 lớp quần áo và đắp 2 lớp chăn, có chiều cao 154cm và nặng 34kg.
Kết quả kiểm tra bệnh lý cho thấy, Tân Truy phu nhân mắc nhiều loại bệnh trong suốt cuộc đời như bệnh tim mạch vành, xơ vữa động mạch và sỏi mật nhiều; trứng giun đũa, trứng giun kim và trứng sán được tìm thấy ở trực tràng và gan.
Ngoài ra, những hạt dưa được tìm thấy trong dạ dày chứng tỏ bà đã qua đời trong và sau khoảng từ 3 - 4 giờ sau khi ăn dưa. Theo suy luận, Tân Truy phu nhân có thể đã tử vong vì bệnh tim mạch vành ở tuổi 50.
Tân Hoa Xã đưa tin, AI đã dựa trên việc quét tia X hình dạng của Tân Truy phu nhân sau khi khai quật và khôi phục diện mạo gần với thực tế nhất có thể.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật số, các chuyên gia đã phục dựng diện mạo của Tây Truy phu nhân khi ở tuổi 35, theo TTXVN. Đó là một phụ nữ quý tộc có vẻ bề ngoài thân thiện, với mái tóc cuộn và phong cách trang điểm tinh tế.
Theo chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng Hồ Nam, hình ảnh kỹ thuật số dựa trên kết quả quét tia X của hộp sọ được thực hiện sau khi khai quật thi thể khoảng 5 thập kỷ trước, cùng với các ghi chép lịch sử và quan sát tại chỗ.
Bảo tàng Hồ Nam đã khởi động dự án “số hóa Tân Truy” vào tháng 10/2023, mời các chuyên gia hàng đầu phục dựng bản điêu khắc khuôn mặt của bà, làm cơ sở để một công ty công nghệ tạo ra hình ảnh 3D của vị phu nhân này ở tuổi 50.
Để tạo ra phiên bản trẻ hóa ở tuổi 35, các chuyên gia đã ứng dụng công nghệ AI. Đây là bước tiến mới nhất trong nỗ lực khôi phục kỹ thuật số diện mạo của người Trung Quốc cổ đại.
Trước đó, hồi tháng 3/2024, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã công bố khuôn mặt kỹ thuật số của một chức sắc cấp thấp thời nhà Tần (221 TCN - 207 TCN), dựa trên hài cốt và đồ vật chôn cất.