Báo Quân Đội Nhân Dân đưa tin tối 31/8, tại cổng làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra chương trình “Trung thu làng cổ” năm 2024. Chương trình thu hút rất đông người dân và du khách đến tham dự. Không gian lễ hội rộn ràng với tiếng trống, điệu múa sư tử và những trò chơi dân gian truyền thống.
Theo Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy, chương trình có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi mô hình đèn Trung thu và diễu hành đèn tại không gian cổng làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của 9 cơ sở thôn.
Các mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của đơn vị mình.
Điển hình mô hình Chim hòa bình (chim bồ câu) của đội thi thôn Văn Miếu, là biểu tượng cho sự hòa bình, yên vui và hạnh phúc. Màu trắng của bồ câu tượng trưng cho sự thuần khiết, trong trắng và thanh cao. Đội thi thôn Văn Miếu đem đến hội thi chú chim bồ câu trắng với ước muốn hòa bình cho nhân loại.
Đội thi thôn Phụ Khang lại mang đến đèn hình voi con để cầu chúc cho nhân dân thôn Phụ Khang và xã Đường Lâm một năm sức khỏe, may mắn. Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến voi chín ngà là một trong số những đồ sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc Sơn Tinh, Thủy Tinh phải mang đến để cầu hôn Mị Nương.
Voi còn được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng rất nhiều vào trong quân sự và dân sự. Voi đã trở thành người bạn thân thiết, biểu tượng của sự giàu sang sung túc, là sức mạnh, cát tường và thông minh.
Đội thi thôn Cam Thịnh mang đến hội thi đèn lồng hình trâu vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một mục đồng ngồi thổi sáo. Con trâu đi vào văn hóa Việt, trở thành hình ảnh quen thuộc, biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác; là nét văn hóa đồng quê bình dị, mộc mạc.
Mô hình đèn lồng cá chép của đội thi thôn Đoài Giáp theo sự tích cá chép hóa rồng.
Đội thi thôn Hà Tân mang đến hội thi đèn lồng hình gà trống với ý nghĩa may mắn và cát tường.
Năm 2024 là năm Giáp Thìn với biểu tượng của con rồng, vì thế đội thôn Đông Sàng đã chọn hình tượng con rồng để làm mô hình đèn lồng mang tới hội thi.
"Tôi thực sự choáng ngợp trước những chiếc đèn lồng khổng lồ do chính tay người dân làng cổ Đường Lâm làm ra. Đây là một cách tuyệt vời để gìn giữ và truyền lại nét đẹp truyền thống của ngày Tết Trung thu cho thế hệ sau", báo Tiền Phong dẫn lời chị Lê Thị Tuyền (32 tuổi, quê Hà Nam).
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho Đội thôn Cam Thịnh. Đội thôn Đông Sàng đạt giải Nhất, còn hai đội thôn Hưng Thịnh và Cam Lâm đạt giải Nhì. Các đội Phụ Khang, Văn Miếu, Đoài Giáp, Hà Tân, Mông Phụ đạt giải Ba. Ban tổ chức cũng trao giải phụ Thân thiện môi trường cho các đội thôn Phụ Khang, Đoài Giáp, Hà Tân.
Hội thi mô hình đèn Trung thu không chỉ là một hoạt động văn hóa ý nghĩa trong dịp Tết Trung thu, mà còn góp phần quan trọng vào việc quảng bá du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Qua nhiều năm tổ chức, sự kiện này đã trở thành một nét đẹp truyền thống của thị xã Sơn Tây, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc và ấn tượng.
Ảnh: Tiền Phong, Quân Đội Nhân Dân
Theo: Người đưa tin Copy link
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chiem-nguong-en-trung-thu-khong-lo-sang-ruc-u-hinh-dang-o-lang-co-uong-lam-a461383.html