(ĐSPL) - Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt tiền hơn 2 tỷ đồng, Chuốt bỏ trốn ra tận tỉnh Quảng Ninh để sinh sống. Sau hơn 3 năm lẩn trốn, Chuốt đã phải trả giá cho hành động của mình.
Theo báo Tri thức trực tuyến, ngày 2/12, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên bị cáo Nguyễn Thị Chuốt (53 tuổi, ngụ xã Trường An, TP Vĩnh Long) 10 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chuốt luôn tỏ ra là một "quý bà thành đạt" nên được nhiều người tin tưởng.
Bị cáo Nguyễn Thị Chuốt tại phiên toà. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Trước đó, báo Dân trí thông tin, từ năm 2008 đến 2011, lợi dụng mối quan hệ và sự quen biết trong việc kinh doanh (đại lý bia), Nguyễn Thị Chuốt có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên địa bàn thành phố Vĩnh Long với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Khi nhiều hộ dân tố cáo đến cơ quan Công an thì ngày 31/1/2012, Nguyễn Thị Chuốt trốn khỏi địa phương. Ngày 1/2/2012, Công an thành phố Vĩnh Long đã ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Chuốt về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Qua thời gian điều tra, xác minh và bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 24/11/2015 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ Nguyễn Thị Chuốt khi đang lẩn trốn tại Khu III, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Đối tượng khai nhận, sau khi trốn khỏi địa phương, đối tượng cùng chồng đến Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để sinh sống, đồng thời thay tên, đổi họ để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an nhưng cuối cùng vẫn sa lưới.
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)