(ĐSPL) - Lợi dụng chức vụ, Kiên chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng chục nhà đầu tư cho Công ty LILAMA LAN.
Theo báo An ninh thủ đô, sau phiên xử bị trì hoãn hồi tháng 10 vừa qua, ngày 22/11, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Lê Trung Kiên về tội danh chiếm đoạt tài sản. Điều đặc biệt ở chỗ bị cáo từng được biết đến là một “đại gia” trong giới bất động sản tại Hà Nội.
Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm này, Lê Trung Kiên (SN 1972, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội Hanoi Land) bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 140-BLHS. Bị hại trong vụ án là hàng chục nhà đầu tư góp tiền để Kiên thay mặt họ tham gia thành lập một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản.
Đây cũng là vụ án xảy ra từ 9 năm về trước nhưng phải đến trung tuần tháng 7/2015, Kiên mới bị bắt giữ theo lệnh truy nã đặc biệt. Trong thời gian bỏ trốn, “đại gia” bất động sản ngày nào từng có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó còn có khoảng thời gian chơi chứng khoán tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Bị cáo Lê Trung Kiên tại phiên tòa - Ảnh: báo ANTĐ |
Như báo Vietnamnet đã thông tin, cáo trạng truy tố cùng lời khai của bị cáo cho thấy, Lê Trung Kiên vốn là Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Hà Nội (HANOI LAND). Đầu năm 2007, Kiên thỏa thuận với ông Phạm Hùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) về đề án thành lập Tổng công ty CP Bất động sản LILAMA LAND (gọi tắt là Công ty LILAMA LAN) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù Công ty Lilama chỉ cho phép Kiên mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu, chứ không được phép thu tiền, song Kiên đã tự ý thu tiền mua cổ phiếu Lilama Land của hơn 100 nhà đầu tư với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng. Số tiền này Kiên đã sử dụng vào một số việc cá nhân.
Cũng theo báo An ninh thủ đô, tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận đã lạm dụng sự tin tưởng của các bị hại để chiếm đoạt tiền bất chính. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng đã dùng hết số tiền ấy vào việc sắm tàu biển làm du lịch và “chạy” một số dự án. Khai báo là vậy, song bị cáo Kiên lại không đưa ra được tài liệu gì chứng minh.
Quá trình tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, đồng thời đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo từ 16 năm tù đến 17 năm tù, theo đúng tội danh đã xác định. Trong khi đó, luật sư bào chữa cho một số bị hại đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ có hay không dự án thành lập Công ty LILAMA LAN.
Sau 1 ngày xét xử, nhận thấy vụ án có một số tình tiết phức tạp nên Tòa án Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 24/11 tới đây.
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo | |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]rdTy2BtOOx[/mecloud]