Chưa đến mức “làm mưa, làm gió” như Uber, Grab, nhưng Airbnb và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự như Airbnb cũng đang tấn công dồn dập vào thị trường chia sẻ chỗ ở tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nhận định: Kinh tế chia sẻ đã bắt đầu xuất hiện trong ngõ ngách nền kinh tế Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho người dân, cũng như các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Xu thế chia sẻ nơi ở bùng nổ
Có một căn nhà xinh xắn ở khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), từ ngày con trai đi du học, chị Tố Oanh bỗng thấy căn nhà như quá rộng. Thừa phòng ở, chị quyết định đăng ký tham gia vào mạng lưới dịch vụ của Airbnb. Kể từ đó, thi thoảng, lại có một vị khách nước ngoài đăng ký dịch vụ và xách vali tới ở một vài ngày. Chị Oanh thu 20-30 USD/ngày, có thêm thu nhập, nhưng quan trọng là cảm thấy căn nhà vui vẻ hơn, ấm áp hơn.
“Nhiều khách hàng đã bày tỏ sự thích thú khi được sử dụng căn hộ xinh xắn và tiện nghi của tôi, với mức giá mà nếu họ bỏ ra chừng ấy thì không thể thuê được một phòng nghỉ tương tự ở TP.HCM”, chị Oanh nói.
Không chỉ chị Oanh, nhiều người Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào mạng lưới chia sẻ chỗ ở Airbnb, kể từ từ khi dịch vụ này xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2014, mà ít khi để ý rằng, mình đang trở thành một thành tố của xu hướng kinh doanh thời hiện đại: kinh tế chia sẻ.
Cũng tương tự như vậy, rất nhiều lái xe Uber và Grab ở Việt Nam cũng bắt đầu tham gia vào kinh tế chia sẻ, một hiện tượng đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường kinh doanh thế giới, với sự xuất hiện của các tên tuổi lớn như Uber, Airbnb…
Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Công ty Nielsen, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát này, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này. Họ hầu hết đều biết và đã từng sử dụng dịch vụ của Uber, Grab và cũng đã có cả nghìn người ở các thành phố lớn tham gia vào mạng lưới chia sẻ chỗ ở Airbnb…
Startup Việt chạy đua
Và trong khi taxi truyền thống cuống cuồng lo cạnh tranh với Uber, Grab, thì dịch vụ chia sẻ chỗ ở cũng đã bắt đầu “lên hương” ở Việt Nam. “Tôi thực sự thú vị khi đi du lịch hay công tác mà có thể tìm thuê được một căn hộ ưng ý với mức giá hợp lý. Nó khiến tôi có cảm giác như mình vẫn đang được ở trong chính ngôi nhà của mình vậy”, anh Hoàng Nam (Hà Nội) cho biết.
Ban đầu, anh Nam tìm đến dịch vụ của Airbnb, nhưng sau đó, bắt đầu biết đến Luxstay, một start-up của Việt Nam, cũng kinh doanh trong lĩnh vực chia sẻ chỗ ở. Luxstay cũng giống như Airbnb, là các doanh nghiệp khởi nghiệp đứng ra làm trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa những khách hàng và người cung cấp dịch vụ, thông qua cầu nối là các website hoặc phần mềm.
“Tôi chọn Luxstay vì đó là start-up của người Việt, hơn nữa tôi thực sự thích thú các căn hộ được cho thuê trên Luxstay. Nó xinh xắn, ấm áp và cao cấp hơn hẳn so với các căn hộ cho thuê trên Airbnb”, anh Nam nói.
Không những thế, anh Nam cho biết, Luxstay không chỉ cung cấp những địa chỉ “home-stay” thông thường, mà đi kèm với đi còn là cả những dịch vụ chăm sóc khách hàng, hướng dẫn chi tiết về nơi ở từ đội ngũ nhân viên vận hành. Việc thanh toán cũng rất đơn giản do được thực hiện hoàn toàn thông qua các giao dịch chuyển khoản giữa các bên.
Chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt từ tháng 11 năm 2016, và cũng kinh doanh theo đúng mô hình của Airbnb, nên Luxstay thậm chí đã được ví như Airbnb của Việt Nam, của Đông Nam Á. Tuy nhiên, do hướng tới phân khúc riêng và thị trường riêng, là các căn hộ cao cấp, các biệt thự đắt giá, cũng như các vị khách sẵn sàng chịu chi hơn, nên Luxstay được đánh giá là cao cấp hơn hẳn Airbnb.
Thông tin cho biết, chỉ những ngôi nhà đẹp, nằm ở vị trí nổi tiếng và có đầy đủ tiện nghi mới được xuất hiện trên Luxstay. Dễ dàng tìm thấy điều này trên trang web luxstay.net của Luxstay, với các căn hộ xinh xắn, tiện nghi trải dài từ Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Quảng Ninh tới Đà Nẵng, Lâm Đồng, rồi Kiên Giang, Bình Thuận và Hòa Bình, những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam.
“Ban đầu, tôi đăng ký tham gia mạng lưới của Airbnb nhưng thấy không đạt hiệu quả như mong muốn. Căn hộ của tôi là căn hộ cao cấp, tiện nghi, nằm ở trung tâm thành phố, nên tôi kỳ vọng giá cho thuê khá cao, nhưng khách hàng của Airbnb có vẻ không sẵn sàng trả mức giá đó. Tôi đã chuyển sang Luxstay và thấy khách hàng rất hào hứng với căn hộ của mình”, chị Phương Thảo (Hà Nội) cho biết.
Không những thế, chị Thảo nhận ra rằng tham gia dịch vụ chia sẻ chỗ ở cùng Luxstay còn giúp chị có thêm được rất nhiều người bạn là khách đến thuê nhà, phần lớn họ đều mang lại cho chị những trải nghiệm mới, những câu chuyện hay về kinh nghiệm sống, điều chị khó có được khi cho thuê nhà dài hạn như trước đây.
Nhưng có một điều mà chị Thảo có lẽ không biết, đó là Luxstay được thành lập bởi một CEO gốc Việt, mang tên Steven Nguyễn. Dù mới thành lập, nhưng công ty này đã nhanh chóng nhận được khoản đầu tư có giá trị từ quỹ đầu tư Genesia Ventures của Nhật Bản.
Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Soichi Tajima, Chủ tịch Quỹ Genesia Ventures, tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư mới vào đầu năm 2017. Và thay vì thuê phòng khách sạn 5 sao như mọi khi, lần này ông Soichi quyết định đặt thuê một căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố làm nơi lưu trú qua Luxstay. Bất ngờ là, căn hộ ấy không chỉ sang trọng, đầy đủ tiện nghi, rộng rãi hơn tưởng tượng, mà chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp cũng rất chu đáo, tận tình. Trải nghiệm đó đã thuyết phục ông đi đến quyết định đầu tư vào Luxstay.
Có thêm sự hỗ trợ của Genesia Ventures, rất nhanh chóng, danh mục sản phẩm của Luxstay đã có mặt tại 8 thành phố lớn, phục vụ hàng trăm đơn hàng mỗi ngày. Và Luxstay thậm chí đã đặt mục tiêu mở rộng quy mô tăng 20 lần trong vòng 1 năm tới.
Mục tiêu trên không quá là tham vọng, vì thực tế nhu cầu sử dụng các dịch vụ chia sẻ chỗ ở, tìm kiếm các home-stay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang tăng cao. Theo ước tính của tờ Wallstreet Journal, tính tới nay đã có hàng trăm triệu người sử dụng dịch vụ chia sẻ chỗ ở thông qua các công ty công nghệ như Airbnb, và có hàng triệu người đăng ký cho thuê nhà trên các trang mạng này. Ở Việt Nam, mô hình chia sẻ chỗ ở cũng được dự báo sẽ nở rộ trong thời gian tới giống như sự bùng nổ của Grab hay Uber, với sự tham gia của các công ty công nghệ như Luxstay.