Ths.BS Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương), cho biết bác sĩ mới đây tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 52 tuổi, đến khám vì ăn uống kém và có đau vùng lưỡi, đặc biệt khi ăn uống và đánh răng.
Qua quan sát thăm khám, bờ lưỡi trái của bệnh nhân có một vết loét 1cm, xơ chai, bờ khá cứng, dễ chảy máu, bên cạnh đó có 2 chiếc răng hàm số 5,6 bị mòn.
Đặc biệt, qua khám và siêu âm, phát hiện bác có thêm một vài hạch vùng cổ, kích thước từ 0,8-1,2cm, ranh giới không rõ, mất cấu trúc hạch, nghi ngờ hạch ác tính.
“Chúng tôi tiến hành chọc tế bào hạch, cho kết quả hạch di căn của ung thư biểu mô. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi di căn hạch cổ. Bệnh nhân được yêu cầu nhập viện sớm để tiến hành điều trị. Tuy nhiên cả bệnh nhân và người nhà đều vô cùng ngỡ ngàng, không thể nghĩ rằng, chỉ 1 vết loét ở lười mà nghiêm trọng như vâỵ”, BS Hải Nam cho hay.
Theo BS Hải Nam, ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng thường gặp nhất. Các triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng giai đoạn đầu khó được phát hiện vì nó tương tự như các triệu chứng viêm nhiễm bình thường ở khoang miệng.
Một số dấu hiệu gợi ý bao gồm: Vết loét trong miệng kéo dài quá 2 tuần không đỡ (loét môi,lợi, lưỡi…dễ nhầm với nhiệt miệng); Đau vùng miệng; Ăn nhai nuốt khó; Chảy máu; Vận động lưỡi kém; Nổi hạch vùng cổ, Bất thường răng lợi…
“Đặc biệt các triệu chứng trên xảy ra nhiều ở những người hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tổn thương niêm mạc miệng mãn tính (hồng sản,bạch sản, xơ hoá), nhiễm HPV, chế độ ăn thiếu vitamin A đều cần được kiểm tra kĩ để loại trừ các tổn thương ác tính”, BS Nam lưu ý.
Giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư lưỡi, nên thay đổi một số lối sống như:
- Bỏ hút thuốc lá
- Bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế lượng rượu uống vào
- Bỏ nhai trầu
- Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả
- Thực hành vệ sinh răng miệng tốt: Dùng chỉ nha khoa, đánh răng thường xuyên, thăm khám định kỳ
- Tiêm phòng HPV
- Thực hành quan hệ tình dục an toàn và sử dụng màng chắn khi quan hệ bằng miệng.
Mộc Trà