Chi tiêu quốc phòng đã tăng lên hàng tháng kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine từ cuối tháng 2 và chuyển sang giai đoạn 2 tập trung vào các vùng lãnh thổ phía Đông.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, nếu chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 2 đạt 369 tỷ rúp (5,4 tỷ USD) thì tháng 3 đã tăng lên 450 tỷ rúp (6,6 tỷ USD).
Cho đến nay, tháng 4 là tháng Nga chi tiêu quốc phòng lớn nhất với 628 tỷ rúp (9,2 tỷ USD). Con số này tương đương khoảng 21 tỷ rúp, tức 308 triệu USD mỗi ngày.
Chi tiêu quốc phòng của Nga trong tháng 4 đã cao hơn gấp đôi so với thời kỳ trước chiến tranh, với 233,7 tỷ rúp (3,4 tỷ USD) được chi vào tháng 1/2022. Vào tháng 4/2021, tổng chi tiêu quốc phòng là 275 tỷ rúp.
Từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2022, 1.681 nghìn tỷ rúp (24,6 tỷ USD) từ ngân sách Nga đã được phân bổ cho chi tiêu quân sự. Con số này cao gấp ba lần số tiền chi cho giáo dục, hơn gấp đôi ngân sách chi cho y tế và gấp 10 lần số tiền chi cho quản lý và bảo tồn môi trường.
Bà Natalya Lavrova, nhà kinh tế cấp cao của BCS Global Markets, nhận định trong điều kiện hiện tại, biện pháp hỗ trợ chính cho nền kinh tế Nga sẽ là nguồn thu nhập từ xuất khẩu. Theo nữ chuyên gia, nếu các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung vào lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu thô của Moscow, các chỉ số kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Trong khi đó, ngày 19/5, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, tới nay đã ghi nhận hơn 6,3 triệu người Ukraine rời đất nước sau ngày 24/2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng chiến sự tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo do giá cả leo thang. Theo ông, giải pháp hữu hiệu là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới.
Mộc Miên (The Moscow Times)